Dệt thêu cuộc sống thêm đẹp

20/10/2017 | 07:55 GMT+7

Đẩy mạnh học tập và làm theo gương Bác, các chị, các bà là cán bộ, hội viên phụ nữ cơ sở đã ra sức dệt thêu cuộc sống thêm đẹp, vun đắp thêm tình nhân ái, xây dựng hình mẫu phụ nữ thời kỳ mới tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.

Bà Từ Thị Thao (phải) trong một lần thăm hỏi sức khỏe, tặng gạo cho bà Lương Thị Nữa.

Tảo tần

Từ 3 giờ sáng đến 23 giờ là thời gian chị Quách Thị Linh, ở ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, dành cho công việc nhà, làm mướn, buôn bán, nội trợ, công tác hội ở ấp... Đầu hôm sớm mai 7-8 năm nay nên hai từ tảo tần với chị phải hơn thế nữa.

Ở tuổi 36, chị cho biết vợ chồng cực nhọc mười mấy năm rồi mới cất được nhà cột cây, mái, vách tôn. “Đó là thành quả không ngơi nghỉ từ nghề mộc của chồng và biết bao nhiêu nghề của tôi ở quê nghèo này”, chị Linh kể.

Nghèo khó bám víu chị từ thuở nhỏ, thắm duyên cùng chồng cũng… hộ đối môn đăng nên càng cơ cực. Không cục đất chọi chim, vỏn vẹn chỉ nền nhà cha mẹ ruột cho ra riêng nên chị Linh cùng chồng… căng tay ra làm lụng. Chồng thì có nghề ổn định, còn chị ai mướn gì cũng làm… Mười mấy năm ra riêng thì có nửa thời gian chị… lặn lội thân cò nơi ruộng đồng người khác. Tảo tần, dành dụm, chị sang được 5 công đất, thoát được nghèo nhưng thức khuya dậy sớm vẫn là thói quen. Ở xứ này ai mà không biết chị cần cù theo bản năng và cần cù vì học ở Bác nhiều điều.

“Rạng sáng tôi thức dậy nấu bắp, làm công việc lặt vặt rồi chờ bắp chín vớt ra; lúc này cũng hừng sáng nên chở bắp đi và lấy hàng bông thêm ở xóm đem bán ở chợ Lương Tâm. Xong chuyện là đi mần mướn, không thì mần ruộng nhà; trên đường mần mướn, thấy gì mua đi bán lại có lời là mua liền. Chiều tối về tôi lại cắt bắp nhà hay lấy bắp hàng xóm chuẩn bị khuya nấu; tối bữa nào rảnh thì đan giỏ lục bình…”, chị Linh kể một lèo.

Công việc nhiều vậy mà chị vẫn đảm đương được nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, Chi ủy viên Chi bộ, Chủ nhiệm câu lạc bộ đoàn kết tương trợ giúp nhau giải quyết việc làm. “Điều đáng nói là phần việc nào chị Linh cũng làm tốt. Chị là phụ nữ rất tiêu biểu ở huyện này”, bà Đoàn Thị Tuyết Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Long Mỹ, đánh giá.

Bà Võ Thị Kim Hương, ở ấp 2, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, cũng được biết đến là một phụ nữ đảm đang, luôn nhiệt tình trong hoạt động hội, là tấm gương sáng cho hội viên khác học hỏi.

Lập gia đình 37 năm thì hơn 20 năm sau vợ chồng bà mới có dư để tổ chức mô hình làm ăn hiệu quả.

Cụ thể, từ năm 2005, bà bắt tay vào nuôi gà thịt. Với 200 gà con ban đầu, vợ chồng tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trên sách báo và các mô hình nuôi gà khác, tham gia tập huấn để chăm sóc mong đàn gà chóng lớn. Không phụ những cố gắng đó, việc chăn nuôi của gia đình bà gặp nhiều thuận lợi với đầu ra ổn định. Những năm sau, bà mở rộng thêm chuồng trại, đến năm 2014, mô hình nuôi gà thịt có khoảng 2.000 con, sau khi xuất bán, trừ chi phí bà thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Không chỉ vậy, mỗi năm bà còn bán hơn 500kg heo thịt, lãi trên 80 triệu đồng.

Cùng với đó, bà còn nhận làm đại lý cấp I bán thức ăn chăn nuôi để vừa có thêm thu nhập, vừa tạo điều kiện giúp đỡ hội viên bằng cách cho mua nợ thức ăn đến khi bán đàn gia súc, gia cầm mới thu tiền (không lấy lãi). Từ cách tổ chức sản xuất, kinh doanh trên, mỗi năm gia đình bà thu nhập hơn 300 triệu đồng.

Không chỉ vậy, bà Võ Thị Kim Hương còn vận động hội viên cùng nhau xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả; cho hội viên khó khăn vay vốn không lấy lãi để làm kinh tế, chung tay vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, xây dựng nông thôn mới; nhiệt tình thi đua xây dựng Hội…

Vì cộng đồng

Từ trong nhà ra ngoài ngõ đều thấy bàn tay của các chị, các bà giúp sức. Ở ấp Mỹ Phú, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, Tổ phụ nữ thứ bảy chung tay vì cộng đồng (21 thành viên) hoạt động hiệu quả nhiều tháng nay.

 

Các chị, các bà ở ấp Mỹ Phú sẵn sàng làm sạch nhiều tuyến lộ ở ấp.

Có người nói tổ này làm chuyện… bao đồng, điều này là thật nhưng rất có ích khi cứ thứ bảy hoặc chủ nhật là các chị, các bà xách chổi quét sạch từ đầu đến cuối 2 tuyến lộ chính trong ấp. Bà Bùi Thị Vân, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Mỹ Phú - người khởi xướng phong trào, nói việc làm này nhằm thực hiện hiệu quả hơn phong trào 5 không 3 sạch do Hội phát động và học tập, làm theo gương Bác ở thái độ sống thân thiện với môi trường.

Từ khi triển khai… nhiệm vụ bao đồng này đến nay, xóm ấp thêm sạch sẽ, 10 phần sạch hết 8, không còn nhiều người xả rác bừa bãi trên lộ nữa. Bà Vân kể, có thành viên ngày thứ bảy bệnh không tham gia được thì cử con đi; cháu Nguyễn Thị Đầy, ở xóm còn trách móc, công việc vui, ý nghĩa vậy sao không cho vô? Rồi tự xách chổi tham gia rất tích cực.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Tân Phước Hưng Đinh Thị Cẩm Vân đánh giá đây là tổ phụ nữ hoạt động mang nhiều ý nghĩa về mặt đoàn kết hội viên, tác động đến nhận thức nhiều người chung tay vì môi trường phát triển bền vững.

Trong khi đó, các chị, các bà ở ấp 2, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, lại chọn cho mình hành động đẹp. Đó là Nhóm phụ nữ tiết kiệm điện, nước giúp người già, trẻ em tàn tật.

Hoạt động từ năm 2012 đến nay (tiền thân là nhóm phụ nữ hùn vốn), tổng tiền tiết kiệm được của tổ được khoảng 35 triệu đồng. Bà Từ Thị Thao, Nhóm trưởng nhóm này, nói nếu trước đây nhà nào tối đến bật 4 bóng đèn thì nay ít lại, chỗ nào cần sử dụng điện mới cắm chuôi chứ không để tràn lan. “Chúng tôi căn cứ vào hóa đơn tiền điện tháng đầu tiên bắt đầu áp dụng tiết kiệm và từ hóa đơn tháng đó áp dụng cho những tháng tiếp theo. Nhà tôi mỗi tháng tiền tiết kiệm chênh lệch khoảng 40.000 đồng. 20 thành viên trong tổ đều rất tự nguyện đóng góp vào quỹ khoảng 600.000-700.000 đồng/tháng”, bà Thao kể.

Nói là giúp những hoàn cảnh khó khăn nhưng khi cần thì từ quỹ tiết kiệm ấy nhóm còn dùng cho chị em mượn làm ăn; hay khi được đề nghị cũng mua gạo, bánh tặng cho những trường hợp đột xuất…

Bị bệnh phải cắt đi một phần chân, đi lại rất yếu và khó khăn; gia cảnh nghèo nay càng túng quẫn, bà Lương Thị Nữa (ở ấp 2) chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp của Nhà nước gần 1 triệu đồng/tháng. Tết vừa rồi và mới đây, bà Nữa được Nhóm phụ nữ tiết kiệm điện, nước đến thăm, tặng tiền, gạo, bà rất xúc động. Bà Nữa nói: “Trước đây không bệnh tật tôi tới lui với chị em, giờ nằm một chỗ thấy tủi thân, được chị em đến thăm mừng quá không cầm được nước mắt”.

Còn nhiều nhóm phụ nữ tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống ở tỉnh. Với chị em, được họp lại chia sẻ nhau điều tốt đẹp, cách làm ăn, hùn vài chục, vài trăm ngàn đồng rồi bốc thăm lãnh là niềm vui.

Ở ấp 4, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, sau thời gian gián đoạn, Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững hoạt động trở lại quy mô lớn hơn với mỗi lần hùn vốn 1 triệu đồng/lần - 3 tháng/chị (18 thành viên). Điều đáng nói là câu lạc bộ này có hộ khá, giàu, hộ trung bình, hộ nghèo; khi thành lập, các chị giao kèo cho hộ nghèo mượn vốn trước để làm ăn.

“18 triệu đồng với hộ khá thì ít nhưng hộ khó khăn thì lớn. Số tiền ấy chị em mượn về dùng cho việc chăn nuôi, buôn bán tạp hóa. Tuy nó không quyết định tất cả nhưng thời gian qua cũng tạo điều kiện cho 4 hộ xoay sở và thoát nghèo như hộ Võ Thị Tuyết Nhung, Đặng Thị Út…”, chị Huỳnh Thị Hạnh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 4, kể.

Còn chị Võ Thị Nga, một hộ khá trong câu lạc bộ vừa được mượn vốn, nói sử dụng 18 triệu đồng cho việc mua thức ăn chăn nuôi. “Tham gia vào đây tôi thấy xóm giềng đoàn kết và vui lắm. Chúng tôi còn có dịp trao đổi cách làm ăn rất hiệu quả. Cụ thể, bây giờ chị em biết cách gieo tinh cho heo nái chứ không mướn nữa, hồi trước mướn trật vuột hoài, giờ chủ động lắm”, chị Nga nói.

Kể nhiều có lẽ cũng vẫn không hết những phụ nữ, nhóm phụ nữ tiêu biểu ở Hậu Giang. Một điều dễ nhận thấy là trong khó khăn hoặc cần nương tựa để tiến bộ hay vì xóm ấp thêm nhiều điều tốt đẹp, các chị, các bà lại bộc lộ sự kiên cường, đảm đang. Trong các phần việc ấy, các chị, các bà luôn nhận thức đúng đắn là phải làm cho hiệu quả, phải noi gương Bác thực hiện nhiều điều hay cho gia đình, xã hội.

Bà Thái Thu Xương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh, nhấn mạnh, các chị, các cô trong tổ chức hội luôn được triển khai nhiều phong trào lớn của Hội về 5 không 3 sạch, về tiết kiệm làm theo gương Bác, về các đức tính của phụ nữ thời nay. “Chúng tôi rất trân quý tấm lòng, sự nhiệt tình vì hội, vì phong trào phụ nữ và vì sự tiến bộ của gia đình, xã hội của cán bộ, hội viên. Nhân dịp kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10), chúng tôi đã đề xuất và được Thường trực Tỉnh ủy thống nhất tặng bằng khen cho những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong học tập, làm theo gương Bác. Mong rằng các cô, các chị tiếp tục đem sức lực, trí lực, nhiệt huyết của mình để dệt thêu cuộc sống này thêm những bức tranh đẹp, dịu dàng”, bà Xương nói.

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>