Lợi ích của mô hình “Quản lý hội không giấy”

18/08/2020 | 09:04 GMT+7

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hội các cấp, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp hội triển khai mô hình “Quản lý hội không giấy”. Từ khi ra đời đến nay, mô hình đã góp phần đổi mới công tác quản lý được thuận tiện, hiệu quả hơn.

Nhờ tận dụng những tiện ích của điện thoại thông minh nên cán bộ các chi hội đỡ mất thời gian liên hệ nộp báo cáo, làm việc trực tiếp với hội cấp trên.

Các cấp hội liên hiệp phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều hoạt động. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, để bắt kịp xu thế phát triển chung của xã hội, vận dụng thành quả của công nghệ hiện đại và thực hiện chủ trương Chính phủ điện tử, trước mắt Hội triển khai mô hình “Quản lý hội không giấy” từ tỉnh đến cơ sở.

Cũng theo bà Loan, mô hình sẽ góp phần đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội. Đáng nói là trước tình hình nhân lực, biên chế của các cấp hội ít, trong khi yêu cầu nhiệm vụ về giới ngày càng đa dạng, đòi hỏi mỗi cán bộ tăng cường đi cơ sở, hướng dẫn phong trào nhiều hơn thì cách làm này là giải pháp hữu hiệu nhất.

Vì vậy, qua gần nửa năm phát động, hiện toàn tỉnh có 6/8 hội cấp huyện đã cho ra mắt mô hình “Quản lý hội không giấy”. Hiện tất cả cán bộ hội từ huyện đến xã trong mô hình này đều có trang bị máy tính bàn, laptop, điện thoại thông minh để ứng dụng trong công việc. Nhất là hội liên hiệp phụ nữ các cấp trong tỉnh thực hiện giao ban mỗi ngày qua nhóm trò chuyện Zalo; thống nhất báo cáo, tuyên truyền, vận động, quản lý hội viên (trừ các nội dung mật) qua phần mềm.

Từ hiệu quả công tác quản lý thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp cán bộ hội có hơn 30% thời gian cho việc trực tiếp hướng dẫn; nắm tâm tư, nguyện vọng hội viên, quần chúng nhân dân ở cơ sở. Qua đó, góp phần tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm, giúp giải quyết công việc được nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Bà Lê Thị Thanh Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành A, cho biết: “Từ năm 2019, chúng tôi đã chuyển hình thức nộp báo cáo giấy sang gửi file qua mail. Chưa kể, khi có thông tin cần thiết trao đổi 2 chiều giữa huyện và cơ sở, các chi hội đều thực hiện chủ yếu qua nhóm Zalo, trừ những thông tin bảo mật theo quy định. Sau khi mô hình chính thức ra mắt vào tháng 7 năm nay, chúng tôi tiếp tục khai thác tốt hơn những tiện ích của công nghệ thông tin để ứng dụng vào công việc”.

Để chuẩn bị cho việc ra mắt mô hình “Quản lý hội không giấy”, trước đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành A đã tổ chức hướng dẫn cán bộ hội các cấp về kỹ năng sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, tải ứng dụng world, excel trên điện thoại; cài đặt chế độ nhận, gửi mail trên điện thoại, nhắn tin, gửi ảnh qua Zalo... Nhờ đó, khi đi vào thực hiện mô hình, các chị đều cơ bản thông thạo các kỹ năng cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực hiện công việc được giao.

Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng bà Dương Thị Hiệp, ở ấp Nhơn Hòa, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A vẫn không ngại khó để học hỏi cách thức sử dụng điện thoại thông minh thành thạo. Bởi bà quan niệm, chỉ khi thành thạo thì mới có thể nắm bắt kịp thời các thông tin tuyên truyền do hội cấp trên gửi xuống cũng như nhắn tin, gửi hình ảnh trao đổi thông tin, báo cáo số liệu kịp thời về trên.

“Giờ đây, chúng tôi chủ yếu trao đổi thông tin, nhận thông báo hội họp, nội dung tuyên truyền... qua nhóm Zalo của hệ thống hội. Trước đây, muốn báo cáo vấn đề gì đó khẩn cấp thì từ nhà tôi phải mất hơn 1 giờ mới đến được xã xin ý kiến chỉ đạo xử lý. Nay đã khác, chỉ cần gọi hoặc nhắn thông tin qua Zalo, kèm hình ảnh chi tiết thì công việc được giải quyết gọn gàng, nhanh chóng. Nhờ vậy mà cán bộ chi hội chúng tôi làm việc nhẹ hơn trước”, bà Hiệp chia sẻ.

Tương tự, bà Trương Thị Kim Thúy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, thừa nhận, từ khi mô hình “Quản lý hội không giấy” ra đời, mọi hoạt động thông tin 2 chiều của Hội được nhanh lẹ, thông suốt hơn. Hạn chế được tình trạng hao tốn nhiều thời gian, chi phí văn phòng phẩm, đi lại cho cán bộn hội. Vì vậy, mô hình này đang được cán bộ hội đồng thuận và đánh giá cao bởi tính tiện lợi của nó.  

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, tới đây, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh nhằm đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong tình hình mới. Đối với những đơn vị còn khó khăn trong việc trang bị các thiết bị phục vụ việc thực hiện mô hình thì Tỉnh hội sẽ cố gắng vận động chi phí hỗ trợ.

“Để mô hình đi vào nề nếp, phát huy tốt hiệu quả như mong muốn, Tỉnh hội sẽ sớm hoàn thiện quy chế sử dụng, đảm bảo đúng các quy định bảo mật trên không gian mạng, kể cả các quy định hiện hành. Mặt khác, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ năng vận hành cho cán bộ hội các cấp từng bước phát huy tối đa hiệu quả của mô hình”, bà Nguyễn Thị Tuyết Loan nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>