Mặt trận và đoàn thể nỗ lực đổi mới hoạt động

16/05/2019 | 06:27 GMT+7

Đó là kết quả nổi bật qua 10 năm thực hiện Kết luận số 62 ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị khóa X (về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội).

Tuổi trẻ tỉnh nhà có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương thời gian qua.

Điều gây ấn tượng của Chi đoàn khu vực 4, phường I, thành phố Vị Thanh, là đoàn viên tham dự gần như đông đủ các buổi họp lệ hàng tháng.

Chia sẻ về bí quyết có được kết quả này, anh Nguyễn Khắc Cường, Bí thư Chi đoàn khu vực 4, nói: “Trong các buổi họp lệ, ngoài thông qua tóm tắt báo cáo hoạt động của tháng qua, định hướng cho tháng tới, chúng tôi còn tổ chức đố vui có thưởng, giao lưu, văn nghệ để tạo không khí sôi nổi trong đoàn viên. Chưa hết, việc tổ chức sinh nhật cho đoàn viên được chúng tôi duy trì thường xuyên nhằm xây dựng thêm tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong tập thể”.

Sôi nổi, thiết thực, hiệu quả là nhận xét của chị Lê Thị Mỹ Châu, Bí thư Đoàn phường I, về hoạt động của Chi đoàn khu vực 4 và 7 chi đoàn còn lại trên địa bàn. Lợi thế của các chi đoàn khu vực của phường là ít có đoàn viên đi làm ăn xa, chưa kể là địa bàn mỗi khu vực không lớn nên hoạt động quản lý, gặp gỡ, động viên đoàn viên tham gia phong trào đoàn dễ dàng.

Đoàn phường I cũng có nhiều cách làm hay để nâng cao chất lượng hoạt động của các chi đoàn trực thuộc. Trước hết là phân công các thành viên trong ban thường vụ cùng dự và chỉ đạo trực tiếp các buổi sinh hoạt của các chi đoàn. Qua đó, nắm bắt tình hình hoạt động thực tế để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ khi họ gặp khó khăn.

Xác định kinh phí có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động nên Đoàn phường I còn thực hiện một số mô hình để giúp các chi đoàn có thêm kinh phí. Đến nay, một số chi đoàn trên địa bàn phường có mô hình giữ xe vào mỗi dịp lễ, tết.

Để tránh tình trạng các buổi sinh hoạt nhàm chán, đoàn phường còn chỉ đạo các chi đoàn trực thuộc cố gắng lồng ghép hoạt động vui chơi, văn nghệ, giải trí để tạo sức hút cho đoàn viên. Thỉnh thoảng, đoàn phường cũng tổ chức các chuyến tham quan thực tế tại các di tích lịch sử trong và ngoài thành phố, nhằm khơi gợi lòng yêu nước và sự hiểu biết về lịch sử cho ĐVTN…

“Điều tôi thấy phấn khởi nhất là việc tập hợp đoàn viên, thanh niên để thực hiện một công trình, phần việc nào đó là không khó”, Bí thư Đoàn phường I Lê Thị Mỹ Châu chia sẻ.

Từ thực tiễn hoạt động của Đoàn phường I để thấy, nếu cơ sở đoàn nào biết nỗ lực tìm ra cách làm mới, mô hình hay và hoạt động phù hợp với thực tế thì sẽ đạt hiệu quả cao.

Tỉnh đoàn cho biết, đã và đang triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động đoàn ở cơ sở. Trong đó, sinh hoạt chi đoàn phải theo hướng đồng hành, chăm lo nhu cầu, lợi ích chính đáng của đoàn viên, thanh niên về các vấn đề như: học tập, thu nhập, văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao… Nội dung hoạt động của đoàn phải thiết thực, bám sát vào nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của địa phương, đơn vị và định hướng của đoàn cấp trên.

Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thị Thùy Dung cho biết: “Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cơ sở đoàn tích cực triển khai thực hiện Kết luận số 62 của Bộ Chính trị khóa X, nhất là tuyên truyền trong tổ chức đoàn các cấp và lực lượng cán bộ đoàn chủ chốt ở cơ sở. Qua đó giúp họ nâng cao trình độ, nhận thức để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm củng cố bộ máy tổ chức đoàn ở cơ sở. Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên các cấp đã tích cực triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ bám sát với nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị. Đặc biệt là quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, thanh niên”.

Còn Mặt trận các cấp trong tỉnh cũng có nhiều đổi mới trong hoạt động, nhất là thực hiện công tác giám sát. Thời gian qua, UBMTTQ Việt Nam xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, đã nỗ lực thực hiện đúng quy trình công tác giám sát, trong đó xác định cụ thể nội dung và đối tượng giám sát. Kết quả đã thực hiện được nhiều cuộc giám sát ở những lĩnh vực mà người dân quan tâm hoặc còn bức xúc như: thực hiện chế độ chính sách, công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân…

Ngoài ra, Mặt trận xã này còn phát huy vai trò giám sát của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng trong việc giám sát các công trình tại địa phương. Qua giám sát đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết những vấn đề còn tồn tại, bất cập, gây bức xúc cho người dân.

“Qua quá trình thực hiện, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm là nội dung giám sát không nên dàn trải, cần xác định trọng tâm, trọng điểm, rõ đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát cụ thể. Đặc biệt là không ngại đụng chạm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kiên trì đeo bám và giám sát có hiệu quả”, ông Trần Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Thạnh Xuân, nói.

Không riêng Mặt trận xã Thạnh Xuân, công tác giám sát đã được Mặt trận các cấp nỗ lực thực hiện những năm qua. Riêng năm 2018, Mặt trận các cấp đã tổ chức giám sát được 52 cuộc. Ngoài ra, tham gia với các cơ quan chức năng, HĐND cùng cấp giám sát 28 cuộc...

Ông Lê Minh Đang, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, Mặt trận các cấp đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, động viên Nhân dân tham gia giám sát; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực, kỹ năng giám sát cho cán bộ Mặt trận chuyên trách. Ngoài ra, còn phát huy vai trò, trách nhiệm của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn ủy ban MTTQ, ủy viên ủy ban MTTQ các cấp, người uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc, chức sắc tôn giáo và các chuyên gia trong các lĩnh vực trong việc tham gia các hoạt động giám sát”.

Nhìn chung, qua 10 năm thực hiện Kết luận số 62 ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị khóa X, MTTQ và các đoàn thể ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động, từng bước khắc phục dần tình trạng hành chính hóa; chủ động hơn trong công tác tham mưu cho các cấp ủy đảng, phối hợp với chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt là các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Mặt trận và đoàn thể ngày càng nâng cao về hiệu quả, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và nhiệm vụ chính trị của địa phương, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia.

Có được kết quả đó là do cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm việc đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo đối với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong đó, các cấp ủy đảng kịp thời chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể quan tâm việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy đủ số lượng, chất lượng; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ MTTQ và các đoàn thể có năng lực, tâm huyết, uy tín, có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động. Đối với chính quyền các cấp thì quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên, kinh phí hoạt động đột xuất, bố trí trụ sở làm việc, cung cấp trang thiết bị, phương tiện làm việc cho MTTQ và các đoàn thể.

Tuy nhiên, công tác triển khai, quán triệt thực hiện Kết luận số 62 ở một vài cấp ủy đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị thiếu chiều sâu; việc sinh hoạt chi đoàn, chi hội có lúc chưa thường xuyên, hình thức sinh hoạt chưa thật sự đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của đoàn viên, hội viên hiện nay. Mặt khác, vai trò tham mưu của MTTQ và các đoàn thể cho cấp ủy đảng có bước chủ động nhưng đôi lúc chưa kịp thời; công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền có quan tâm thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao, chưa vận động được nhiều đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia.

Đánh giá cao kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 62 của Bộ Chính trị khóa X, thời gian tới, ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, yêu cầu cấp ủy các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung nêu trong kết luận; tăng cường tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu Mặt trận và các đoàn thể tập trung các hoạt động về cơ sở; có kế hoạch, giải pháp cụ thể để giúp đỡ các tổ chức ở cơ sở hoạt động còn yếu, hiệu quả chưa cao. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng, thực hiện đúng quy trình đối với công tác phát triển đoàn viên, hội viên. Đồng thời, thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; quan tâm sắp xếp cán bộ Mặt trận và các đoàn thể theo hướng tinh gọn, hiệu quả; quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để họ nâng cao năng lực và kỹ năng vận động quần chúng…

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>