Mô hình nhỏ - Hiệu quả to

05/01/2021 | 19:47 GMT+7

Những năm qua, sạt lở trên các tuyến sông, kênh ở huyện Châu Thành diễn ra khá nghiêm trọng. Để góp phần giảm thiểu thiệt hại từ sạt lở, xói mòn đất, Hội Nông dân huyện đã phát động thực hiện mô hình Hội Nông dân chung tay phòng, chống sạt lở đất trong hệ thống hội.

Hội Nông dân xã Đông Phước vừa ra mắt mô hình cách nay 2 tháng.

Theo thống kê, toàn huyện Châu Thành có 298km kênh mương. Các tuyến kênh lớn thường có dòng chảy mạnh, sự chênh lệch giữa chân triều và đỉnh triều cao nên sạt lở xảy ra thường xuyên với mức độ khá nghiêm trọng. Trong vòng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện có 226 điểm sạt lở, chiều dài trên 4.800m, diện tích đất mất trên 22.000m2, ước tính tổng chi phí khắc phục thiệt hại trên 12 tỉ đồng.

Riêng năm 2020, trên địa bàn huyện Châu Thành xảy ra 42 điểm sạt lở, tổng chiều dài 981m, diện tích mất đất hơn 5.000m2, ước tổng kinh phí khắc phục thiệt hại trên 2,6 tỉ đồng, hàng trăm hộ dân rơi vào tình trạng khó khăn vì mất nhà, đất, tài sản.

“Trước tình hình sạt lở đất diễn ra ngày càng nghiêm trọng nên chúng tôi thành lập mô hình Hội Nông dân chung tay phòng, chống sạt lở đất. Qua đây nhằm phát huy vai trò của hội viên, nông dân trong thực hiện mô hình kè chống sạt lở tại các điểm sông, kênh có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn, góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu nguy hiểm ở các tuyến”.

Theo Hội Nông dân huyện, sau hơn 3 tháng phát động mô hình, toàn huyện có 8/8 xã, thị trấn ra mắt mô hình với sự tham gia của 74 hội viên, nông dân. Đến nay, có 11 điểm kè được thực hiện trên toàn huyện, tổng chiều dài 600m.

Tham gia mô hình, các thành viên có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân trên các tuyến kênh có nguy cơ thực hiện cặm biển báo, tiến hành làm kè sinh thái phòng sạt lở với phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”. Đó là: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, kinh phí tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và sẵn sàng chủ động phòng tránh, sẵn sàng đối phó kịp thời, sẵn sàng khắc phục khẩn trương và hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Thử, ở kênh 3.000, ấp Đông Lợi B, xã Đông Phước, cho biết: “Vài năm nay, đoạn kênh trước nhà tôi ngày càng lở sâu có nguy cơ ảnh hưởng đến con lộ. Được Hội Nông dân xã vận động vào mô hình, tôi tham gia ngay và đăng ký thực hiện đoạn kè thí điểm trước nhà”.

Theo ông Thử, để làm kè không cần tốn nhiều chi phí, chỉ cần một ít tre hoặc cây tạp trong vườn nhà và lưới cước thì thực hiện được. Sau khi làm kè sẽ thả lục bình vào trong bờ để hạn chế tình trạng nước chảy gây xói mòn đất, đồng thời sẽ trồng thêm cây bần hoặc cà na để giữ đất.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Phước, cho biết: “Sau khi ra mắt mô hình, chúng tôi đã huy động 10 thành viên của mô hình thực hiện đoạn kè 50m là điểm để nhân rộng cho các ấp. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia; tiến hành rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở cao để có kế hoạch vận động hộ dân kè mé; phấn đấu mỗi ấp thực hiện từ 100m kè trở lên trong năm tới”. 

Qua thời gian thực hiện mô hình, hội viên, nông dân trên địa bàn huyện đã thực hiện được 600m kè, trồng được 300 cây bần và cà na tại những đoạn kênh có nguy cơ sạt lở cao. Qua đó, góp phần ngăn chặn tình hình sạt lở, xói mòn đất. Ông Đỗ Trung Nam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành, chia sẻ: “Năm 2021, chúng tôi tiếp tục nhân rộng mô hình này để tăng cường hơn nữa vai trò của hội viên, nông dân trong chung tay phòng chống sạt lở trên địa bàn. Đây cũng là mô hình đột phá huyện đăng ký với Hội Nông dân tỉnh để thực hiện trong năm 2021”.

Năm 2021, Hội Nông dân huyện đưa nội dung này vào kế hoạch giao ước thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác hội và phong trào nông dân. Theo đó, mỗi cơ sở hội sẽ xây dựng, ra mắt mới từ 4 điểm thực hiện mô hình “Hội Nông dân chung tay phòng chống sạt lở đất”, tương ứng chiều dài kè được thực hiện từ 200m.

 

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>