Nâng chất Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

18/02/2018 | 08:09 GMT+7

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (Cuộc vận động) do Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam chủ trì đã kế thừa và phát huy những thành quả sau 20 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”.

Quang cảnh lễ ký kết phối hợp công tác thông tin, tuyên truyền giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo giữa lãnh đạo 4 đơn vị: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Báo Hậu Giang, Đài PT&TH Hậu Giang và Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết Hậu Giang.

Sau khi được triển khai từ năm 2016 đến nay, hệ thống MTTQ và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã hưởng ứng tích cực và triển khai Cuộc vận động đồng bộ đến các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân; triển khai cả chiều rộng lẫn chiều sâu, đồng thời chọn điểm chỉ đạo của mỗi cấp để quán triệt thực hiện. Đến nay, các nội dung của Cuộc vận động được thực hiện sôi nổi, rộng khắp trong quần chúng Nhân dân trên địa bàn dân cư và trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Những kết quả tâm đắc, những bài học rút ra sau 2 năm triển khai Cuộc vận động và một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng chất Cuộc vận động trong năm 2018 được ông Huỳnh Hữu Kế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, chia sẻ: “Cuộc vận động đã phát huy được tính tích cực, sáng tạo và nội lực của người dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội ở từng địa bàn khu dân cư”.

Cũng theo ông Huỳnh Hữu Kế, Cuộc vận động đã tiếp tục củng cố, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái trong các tầng lớp Nhân dân, tăng cường củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy quyền dân chủ trực tiếp của Nhân dân thông qua hình thức tự quản ở cơ sở, tích cực xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…

Tính đến cuối năm 2017, Hậu Giang có 21/54 xã được công nhận nông thôn mới, 12/22 phường đạt chuẩn đô thị văn minh, thị xã Ngã Bảy được công nhận đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hơn 2%/năm (năm 2017 giảm 2,59%), đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện.

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh, qua triển khai đã gắn kết 5 nội dung Cuộc vận động với nhiệm vụ chính trị địa phương. Nội dung, phương pháp tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động luôn được Mặt trận và các tổ chức thành viên quan tâm đổi mới.

Nổi bật như mô hình phối hợp tuyên truyền “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực”, sau 3 năm triển khai nay trở thành hoạt động mang dấu ấn của MTTQ Hậu Giang. Nhờ cách làm này đã giảm hơn 40% số cuộc hội họp trong dân nhưng đảm bảo số đoàn viên, hội viên và quần chúng được tham gia nhiều hơn, nội dung tuyên truyền sâu hơn nhưng không chồng chéo, gắn kết được mối liên hệ công việc giữa Mặt trận và các đoàn thể, sử dụng kinh phí tuyên truyền hiệu quả hơn. Trong tuyên truyền, vận động, mỗi địa phương chú ý cách làm sáng tạo, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo ngành dọc vừa gắn với nhiệm vụ chính trị của từng huyện, thị, thành; luôn quan tâm đến lợi ích của quần chúng Nhân dân nên qua thực hiện nhiệm vụ đã củng cố thêm vị thế của Mặt trận trong hệ thống chính trị và tăng cường sự đồng thuận trong dân.

Trong khi đó, các mô hình cũng đã được nhân rộng sâu rộng. Trong tổng số 76 mô hình toàn tỉnh năm qua, có hơn 50% mô hình về giúp đỡ hộ nghèo có địa chỉ, thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; còn lại là nhóm mô hình về vận động Nhân dân tham gia chỉnh trang cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; mô hình về vệ sinh môi trường; mô hình về giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông; mô hình về xây dựng, nâng cấp lộ giao thông nông thôn; mô hình về xây dựng văn minh đô thị; mô hình về công tác an sinh xã hội, xây dựng, sửa chữa nhà đại đoàn kết; mô hình về xây dựng tổ hợp tác nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hợp tác xã sản xuất rau an toàn, xây dựng hợp tác xã phát triển kinh tế tập thể; mô hình về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật… Hầu hết các mô hình đều hướng đến sự phát triển bền vững, có chú ý chất lượng và khả năng nhân rộng trong cộng đồng.

Từ triển khai Cuộc vận động, bài học kinh nghiệm được rút ra là nhận thức của cấp ủy trong vai trò Đảng vừa lãnh đạo vừa là thành viên Mặt trận: Với vai trò lãnh đạo, cấp ủy chỉ đạo bằng văn bản việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, như: Chỉ thị 30 của Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân… Với vai trò là thành viên của Mặt trận, cấp ủy quan tâm thực hiện tất cả nội dung Cuộc vận động, nhất là nội dung vận động các nguồn quỹ tạo điều kiện cho MTTQ thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho các tầng lớp Nhân dân; thực hiện tốt vai trò của đại diện cấp ủy trong UBMTTQ Việt Nam các cấp; góp ý, thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp thống nhất hành động hàng năm; thực hiện tốt vai trò của đảng viên trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư và trong các phong trào thi đua yêu nước gắn với 5 nội dung Cuộc vận động…

Từ kết quả trên cho thấy, vai trò vừa lãnh đạo của Đảng, vừa là thành viên Mặt trận thời gian qua khá nhuần nhuyễn và hiệu quả, tăng cường tốt sự lãnh đạo và thể hiện rõ trách nhiệm của Đảng trong từng khâu, từng việc của hệ thống Mặt trận và các đoàn thể.

Hai là, thực hiện cơ chế phối hợp công tác giữa Mặt trận với HĐND, UBND cùng cấp và hiệp thương phối hợp với các tổ chức thành viên. Thông qua thực hiện nhiệm vụ đã khẳng định, làm rõ vai trò của Mặt trận các cấp trong thực hiện Cuộc vận động; những vấn đề cần đề xuất về cơ chế, đảm bảo thông thoáng và rõ ràng trong thực hiện nhiệm vụ cũng được HĐND và UBND cùng cấp quan tâm phối hợp, tạo điều kiện. Hàng năm, khi tổ chức sơ kết các kế hoạch phối hợp, các bên nghiêm túc rút kinh nghiệm từ thực tiễn trong việc triển khai chọn điểm chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động; tiếp tục đề xuất những giải pháp để nâng cao vai trò của hệ thống MTTQ các cấp trong việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động. Cụ thể, năm 2017, qua các kênh nắm bắt thông tin, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã tổng hợp hơn 1.700 lượt ý kiến, kiến nghị của Nhân dân với 56 nhóm vấn đề liên quan đến việc chỉ đạo, điều hành kinh tế, xã hội của UBND các cấp. Đến cuối năm, có 46 nhóm vấn đề đã được các ngành, các cấp trả lời, giải quyết cho dân.

Muốn thực hiện Cuộc vận động tốt không phải đơn phương Mặt trận làm được mà cần có sự phối hợp các ngành, các cấp, nhất là các tổ chức thành viên. Qua 2 năm thực hiện, Cuộc vận động đã xuất hiện thêm nhiều nhân tố mới, mô hình mới được đơn vị nghiên cứu nhân rộng một cách bền vững. Ví dụ như liên tịch trong ban công tác mặt trận hỗ trợ hộ nghèo có địa chỉ tại khu dân cư, hoặc các mô hình Mặt trận phối hợp với các tôn giáo trong “Học tập và làm theo gương Bác”, trong “Bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu”… Mục tiêu cuối cùng của Cuộc vận động là nâng cao mức sống thông qua trình độ học vấn, chăm lo sức khỏe, thúc đẩy phát triển sản xuất, giúp người dân thoát nghèo gắn với môi trường bền vững… Tất cả đều phải có sự chung sức bằng việc hiệp thương, phân công trách nhiệm chặt chẽ, nhịp nhàng giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên.

Và ở đâu Mặt trận tích cực phát huy vai trò chủ động, đặc biệt là sự chủ động của cấp cơ sở trong tổ chức, vận động Nhân dân xây dựng và thực hiện mô hình điểm, sau đó nhân rộng và phát huy thì ở đó Cuộc vận động đạt hiệu quả cao. Kế hoạch của Mặt trận vừa phải đảm bảo tính phục tùng hướng dẫn sự chỉ đạo của cấp trên, vừa sáng tạo phù hợp với thực tiễn tại đơn vị. Mặt trận ở cơ sở là đơn vị gần dân, sát dân cho nên việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân, kịp thời báo cáo, thỉnh thị với cấp trên một cách chính xác… sẽ tạo hiệu ứng cao trong xã hội. Từ đó, thực hiện Cuộc vận động sẽ đi vào chiều sâu.

Phát huy hiệu quả đạt được, nhiệm vụ trọng tâm của Cuộc vận động năm 2018 là sẽ tiếp tục đoàn kết, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân ở thành thị cũng như nông thôn, hỗ trợ những cá nhân, những tập thể làm giàu chính đáng. Mặt trận, các đoàn thể chính trị xã hội sẽ phát động hội viên, đoàn viên tích cực sản xuất, kinh doanh hiệu quả bền vững; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa, chăm lo sự nghiệp phát triển giáo dục, chăm lo sức khỏe Nhân dân, phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái...

Quan tâm đoàn kết bảo vệ môi trường, thường xuyên duy trì, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch đẹp. Đoàn kết chấp hành pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội; phát huy dân chủ tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…

Đẩy mạnh các giải pháp tăng cường sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện Cuộc vận động. Thực hiện khách quan việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của Nhân dân về kết quả xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tổ chức giám sát các nội dung người dân còn chưa hài lòng. Gắn kết chặt chẽ Cuộc vận động với nhiệm vụ chính trị của từng khu dân cư đến xã, phường, thị trấn.

Nhấn mạnh hơn nữa nhiệm vụ năm 2018, ông Huỳnh Hữu Kế cho biết, MTTQ các cấp trong tỉnh sẽ quyết tâm thực hiện tốt 5 nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2014-2019, góp phần hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2015-2020.

TUYẾT AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>