Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, thiết thực

04/11/2020 | 06:45 GMT+7

Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng mới đây, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, thiết thực của các cán bộ công đoàn chuyên trách.

Ông Hồ Thanh Tùng, Chủ tịch LĐLĐ thị xã Long Mỹ, phát biểu ý kiến đóng góp tại hội nghị.

Quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động

Đóng góp nội dung “Phát triển thị trường lao động, hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Trần Xuân Sơn, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh, cho rằng, nội dung này nhằm đảm bảo lợi ích người lao động, nhà đầu tư và của quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đồng thời, tạo ra sự hợp tác tích cực giữa các chủ thể trong quan hệ lao động.

Tuy nhiên, để xây dựng tốt mối quan hệ lao động hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động, ông Trần Xuân Sơn đề nghị cần có biện pháp chế tài đối với các doanh nghiệp không tổ chức xây dựng thỏa ước lao động tập thể và hàng năm không tổ chức hội nghị người lao động hoặc có tổ chức nhưng mang tính hình thức, đối phó. Mặt khác, hàng năm, khi doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động cần có sự tham gia của công đoàn các khu công nghiệp.

Bởi theo ông Sơn, ở một số đơn vị, doanh nghiệp, việc tham gia quản lý chưa thể hiện rõ vai trò của công đoàn; chưa tập trung được trí tuệ của công nhân, viên chức, lao động nên hiệu quả chưa cao. Trong khi khâu kiểm tra, giám sát, giúp ngăn ngừa kịp thời vi phạm quyền lợi người lao động còn hạn chế. Vậy nên, có sự tham gia của công đoàn không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi theo Luật Lao động quy định mà còn giúp doanh nghiệp giải đáp kịp thời những ý kiến mà người lao động thắc mắc.

Trên cơ sở dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng nêu về “Đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho người lao động…, tập trung giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính phủ”, bà Trần Thị Mai Phụng, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Vị Thanh, đồng tình nhưng đề xuất Trung ương cần có thay đổi một số chính sách về bảo hiểm thất nghiệp cho phù hợp với xu thế hiện nay.

Cụ thể, cần có hỗ trợ nhiều hơn cho người lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp tham gia học nghề như hỗ trợ một phần chi phí ăn ở, sinh hoạt phí… để họ yên tâm tham gia khóa học. Ngoài ra, cũng cần hỗ trợ đột xuất cho người lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp rủi ro (bị tai nạn, suy giảm khả năng lao động trong quá trình hưởng bảo hiểm thất nghiệp), không thể tìm việc làm mới để tái tham gia thị trường lao động.

Bà Trần Thị Mai Phụng còn đề xuất cần mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bằng hình thức tự nguyện để đảm bảo tính công bằng cho mọi người lao động cũng như phải đảm bảo quyền bình đẳng cho người lao động ở tất cả các khu vực trong việc tiếp cận chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Tức là phải bảo đảm quyền được tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động ở khu vực phi chính phủ…

Đề cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người

Đóng góp cho phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, ông Hồ Thanh Tùng, Chủ tịch LĐLĐ thị xã Long Mỹ, đề nghị Trung ương cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững đất nước.

 Hoàn toàn thống nhất với hai giải pháp nêu trong dự thảo văn kiện nhưng ông Hồ Thanh Tùng đề nghị cần nghiên cứu đưa thêm một số giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực sự có chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước; cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

“Trung ương cần có chủ trương khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng tham gia đóng góp vào xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển quốc gia. Để làm tốt vấn đề này, cần có những chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài thống nhất từ Trung ương đến các địa phương. Phải thực sự lựa chọn được những cán bộ có đức, có tài để phục vụ Nhân dân, phát triển đất nước”, ông Hồ Thanh Tùng nhấn mạnh.

Thống nhất với nội dung tầm nhìn và định hướng phát triển về đổi mới căn bản, toàn diện, giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người, ông Võ Quốc Thoại, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tỉnh, tâm đắc nội dung “Thực hiện tốt hơn phân luồng học sinh sau trung học cơ sở”. Bởi theo ông Thoại, khi thực hiện được nội dung này sẽ giải quyết được vấn đề “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay.

Đối với nội dung “Đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập mở, học tập suốt đời”, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tỉnh thừa nhận, nội dung này không chỉ đáp ứng yêu cầu học tập trên lớp, trong trường học mà là học mọi nơi, mọi lúc, học tập suốt đời. Nhờ đó sẽ tạo cơ hội cho tất cả mọi người để có thể thích ứng được với những thách thức của thời kỳ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Về “Xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp để đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, ông Thoại cho rằng đây là nội dung mà Tổng LĐLĐ Việt Nam rất quan tâm và đã có Đề án số 668 ngày 7 tháng 7 năm 2020 của Đoàn Chủ tịch về công đoàn tham gia đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động, giai đoạn 2018-2023 và định hướng đến năm 2030 nên rất phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay…

GIA NGUYỄN lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>