Phụ nữ ngày càng có vai trò, vị trí quan trọng trong gia đình và ngoài xã hội

15/08/2017 | 08:52 GMT+7

Bà Thái Thu Xương (ảnh), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh, cho biết Trung ương, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách vì sự tiến bộ, bình đẳng của phụ nữ, đang được cả hệ thống chính trị đẩy mạnh thực hiện. Tuy nhiên, chị em cũng cần nỗ lực vươn lên, không nên tự ti mà mạnh dạn tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội... Bà Xương nói:

- Với vai trò đại diện cho giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh đã làm tốt việc tham mưu cho cấp ủy trong thực hiện công tác cán bộ nữ; phối hợp với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đặc biệt là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - cơ quan Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh để hỗ trợ, giúp đỡ chị em.

Chúng tôi cũng phối hợp mở các lớp tập huấn hỗ trợ cho nữ lần đầu tiên ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; thực hiện tốt tuyên truyền trong cán bộ nữ cũng như trong chị em thực hiện các đức tính của phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đó là: “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang”; đồng thời tích cực giới thiệu ứng cử, đề cử nữ vào các chức danh quan trọng.

Từ thực hiện tốt công tác tham mưu, phối hợp và tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua, bình đẳng giới ở tỉnh có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 tăng hơn so nhiệm kỳ trước. Cụ thể, tỉnh có 7 nữ Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, nhiệm kỳ trước chỉ có 3 nữ; cấp huyện đạt tỷ lệ trên 11%, cấp cơ sở đạt 17%. Nữ đại biểu HĐND các cấp đối với tỉnh đạt 16%, tăng 2% so nhiệm kỳ trước; cấp huyện đạt 22,8%, tăng 6,8%; cấp xã đạt 19,1%, tăng 3,1%...

Phát triển đảng viên nữ cũng được các cấp, các ngành chú trọng; quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 và rà soát, bổ sung mới đây, cán bộ nữ cũng rất được quan tâm, cụ thể quy hoạch vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đạt 18,1%, cấp huyện đạt 25,6% và cấp xã là 32%...

Đó là sự quan tâm đối với phụ nữ tham gia hoạt động chính trị; còn đối với phụ nữ không tham gia tổ chức chính trị, đoàn thể,… thì sao, thưa bà ?

- Tôi nhận thấy đây là nhiệm vụ quan trọng của hội liên hiệp phụ nữ các cấp và cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động chị em thể hiện vai trò, trách nhiệm để từng bước thực hiện nhiệm vụ của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Hội đã tích cực vận động chị em học tập 4 đức tính của phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; thực hiện tốt phong trào thi đua do Trung ương Hội phát động, đó là: Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; phụ nữ tham gia phát triển kinh tế…

Với việc thực hiện tốt các nội dung trên thì vai trò, vị trí của phụ nữ ngoài xã hội, ở gia đình, trong lĩnh vực kinh tế,… sẽ dần tiến bộ, dần bình đẳng và được khẳng định hơn nữa.

Về sự tiến bộ của chị em và thực hiện bình đẳng, bà nhận xét ra sao ?

- Về tiến bộ, tôi cho rằng chị em tham gia hoạt động chính trị, hoạt động xã hội ở tỉnh ngày càng đông. Về bình đẳng, chị em được tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội; được quyền quyết định các vấn đề về kinh tế trong gia đình cũng như những vấn đề quan trọng ở địa phương.

Nếu định lượng về bình đẳng giới thì tỉnh có ưu tiên trong phát triển đảng viên nữ, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, và đã có đề án “Nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2015-2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo”.

Thưa bà, những hạn chế, rào cản nào hiện nay được xem là vẫn còn chưa được tháo gỡ dẫn đến chưa bình đẳng giới như mong muốn ?

- Tôi cho rằng, vấn đề định kiến về giới trong các tổ chức vẫn còn, thể hiện tỷ lệ nữ đắc cử cấp ủy chưa đạt theo quy định của Trung ương. Tỷ lệ nữ đắc cử đại biểu HĐND các cấp chưa đạt theo yêu cầu. Trong lấy ý kiến đề bạt, quy hoạch, bổ nhiệm còn có tư tưởng “cân đo”, nếu tỷ lệ 5/5 thì phụ nữ không có cơ hội; cần có sự chấp nhận tỷ lệ nữ 8, nam 10 trong vấn đề này.

Tình trạng trọng nam khinh nữ cũng còn; vấn đề xâm hại, ngược đãi phụ nữ và trẻ em vẫn xảy ra và có chiều hướng gia tăng. Phụ nữ còn thiếu tự tin, chưa khẳng định được vai trò của mình; vẫn nặng gánh gia đình, lo phát triển kinh tế, lo cho con, chưa quan tâm nhiều đến vấn đề chính trị, xã hội…

Nếu phát sinh vấn đề bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình thì chị em liên hệ ở đâu ?

- Nếu xảy ra, chị em nên đến các địa chỉ tin cậy ở xã, phường, thị trấn để tâm sự, thông tin. Các ban vì sự tiến bộ phụ nữ, hội liên hiệp phụ nữ các cấp trong tỉnh cũng tiếp nhận những thông tin liên quan đến bình đẳng giới.

Sẽ có những biện pháp nào để phụ nữ Hậu Giang tiến bộ và bình đẳng hơn, thưa bà ?

- Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em tự học tập vươn lên; tích cực tham gia phát triển kinh tế; nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc. Chị em cũng phải tự tin khẳng định mình để làm tròn việc nước, việc nhà; nên chủ động, tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội. Nếu được đưa đi đào tạo thì nên sắp xếp công việc gia đình tham gia nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.

Muốn những rào cản về bình đẳng giới không còn, ngoài sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền thì chị em phải biết tự phấn đấu, vì thực tế đã có nhiều chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh về sự tiến bộ, phát triển của phụ nữ được ban hành.

Mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới: Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới; biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới; chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật.

 

Xin cảm ơn bà !

TRÍ THỨC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>