Phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới

19/10/2018 | 08:12 GMT+7

Từng câu chuyện của cá nhân, từng cách làm của tập thể được chia sẻ tại buổi tọa đàm về vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới (NTM) do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tỉnh tổ chức mới đây đã khắc họa đậm nét vai trò, sự đóng góp quan trọng của hội viên, phụ nữ trong thực hiện chủ trương xây dựng NTM nói riêng, sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới.

Câu chuyện mà bà Phạm Thị Xuân, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Nhơn Xuân, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, trình bày tại buổi tọa đàm khiến cả hội trường vỗ tay thán phục, vì không ngờ những người phụ nữ hiền lành, chân chất ở thôn quê lại làm được nhiều việc có ích đến vậy.

Có quyết tâm sẽ làm được

Trong khi hoạt động của cấp hội cơ sở hiện nay gặp khó trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia phong trào thì ở Chi hội Phụ nữ ấp Nhơn Xuân lại khác.

Bằng sự năng nổ, nhiệt tình của mình, bà Xuân thường xuyên đến gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em trong ấp để tuyên truyền, vận động họ tham gia các phong trào, hoạt động do hội LHPN các cấp phát động, nhất là phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi.

Kết quả đạt được ngoài sự mong đợi của Chi hội trưởng này bởi đến nay, trên địa bàn ấp có hàng chục mô hình phụ nữ làm kinh tế hiệu quả với thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm. Đáng chú ý là hội viên, phụ nữ của ấp còn đẩy mạnh học tập và làm theo Bác về thực hành tiết kiệm bằng việc gửi tiền tiết kiệm ít nhất 5.000 đồng/tháng. Đến nay, có 149 hội viên, phụ nữ ở ấp tham gia với số tiền 44 triệu đồng.

Cùng với đó, Chi hội Phụ nữ ấp còn động viên, khuyến khích hội viên, phụ nữ phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cuộc sống và sản xuất. Nổi bật là tổ chức hùn vốn cho vay xoay vòng không tính lãi với số tiền 99 triệu đồng. Đặc biệt, hội viên khá giả đã bán chịu 32 con heo giống trị giá 44 triệu đồng cho hội viên nghèo…

Không chỉ “lèo lái” Chi hội Phụ nữ ấp hoạt động hiệu quả, bà Phạm Thị Xuân cũng rất giỏi việc nhà. Khi không phải lo việc công, người phụ nữ này lại cặm cụi cùng gia đình canh tác 30 công vườn cam sành và mấy ao cá. Lợi nhuận mỗi năm từ vườn cam, ao cá ngót ngét hơn 800 triệu đồng.

Chưa kể, thời gian qua, bà Xuân còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ 500 quyển tập, 25 bộ quần áo cho học sinh nghèo; cất 1 mái ấm tình thương trị giá hơn 20 triệu đồng cho hội viên gặp khó khăn về nhà ở…

“Trong cuộc sống đời thường hay hoạt động hội, chỉ cần có quyết tâm và ý chí kiên định thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua”, bà Xuân đúc kết.

Qua câu chuyện về phong trào phụ nữ ở ấp Nhơn Xuân và nỗ lực để “giỏi việc nước - đảm việc nhà” của bà Xuân cho thấy người phụ nữ ngày nay, ngoài việc làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ trong gia đình thì bằng bản lĩnh, sự tự tin, họ còn vươn lên khẳng định mình, theo đuổi niềm đam mê công việc, cống hiến cho xã hội. Cũng vì thế mà vai trò của người phụ nữ ngày càng nâng lên, xuất hiện nhiều tấm gương sáng được cả xã hội tôn vinh, ghi nhận.

Phải biết khơi dậy vai trò của phụ nữ

Trong bài tham luận của đơn vị, Hội LHPN Việt Nam xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A đã nêu bật những kết quả mà hội viên, phụ nữ của xã đóng góp để xây dựng địa phương đạt chuẩn NTM vào tháng 10-2017.

Cụ thể là phát động cho 100 hội viên, phụ nữ đăng ký thực hiện công trình “Đường sáng tỏ, ngõ sạch đẹp” ở ấp So Đũa Lớn và So Đũa Lớn A; xây dựng 3 tổ góp vốn tương trợ giúp nhau thoát nghèo; chọn 3 ấp làm điểm để thành lập 3 tổ thu gom rác thải do phụ nữ đảm nhiệm, trực tiếp hướng dẫn các hộ gia đình phân loại rác thải, xử lý rác tại nhà…

Bà Trần Thị Kiều Trinh, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam xã Thạnh Xuân, cho biết: “Thuận lợi lớn của Hội LHPN Việt Nam xã là nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của hội viên, phụ nữ trong các công trình, phần việc xây dựng NTM. Được như vậy là do chúng tôi phổ biến sâu rộng trong cán bộ, hội viên, phụ nữ về những nội dung cơ bản trong thực hiện chủ trương này; nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của từng chị em cần phải làm gì. Thông qua nhiều kênh tuyên truyền và sự khéo léo trong cách vận động, chúng tôi đã khơi dậy vai trò và sự đóng góp của hội viên, phụ nữ trong xây dựng NTM ở địa phương”.

Từ hoạt động thực tế ở Hội LHPN Việt Nam xã Thạnh Xuân cho thấy, để phong trào phụ nữ không ngừng lớn mạnh thì nhiệm vụ của các cấp hội và cán bộ hội phải làm là khơi dậy vai trò, tinh thần đóng góp của hội viên, phụ nữ. Bởi lẽ, nhiều chị em ở vùng nông thôn chỉ quanh quẩn với chuyện ruộng vườn, chăm lo chồng, con nên chưa có nhiều cơ hội thể hiện bản lĩnh, vai trò và sự đóng góp cho xã hội. Một khi đã khơi dậy vai trò đang còn “ngủ quên” đó thì sẽ tạo ra động lực không nhỏ phục vụ cho phát triển.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay là công tác tuyên truyền, vận động ở một số cơ sở hội chưa thường xuyên, nội dung chưa sâu, hình thức chưa phong phú. Hạn chế này dẫn tới nhiều gia đình hội viên, phụ nữ chưa nắm vững mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cũng như mối tương quan giữa xây dựng NTM với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, dẫn tới chưa tự giác, tích cực tham gia với tư cách chủ thể…

Vì vậy, bà Đỗ Thị Bích Phượng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh, lưu ý, tới đây, các cấp hội cần tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức tuyên truyền, vận động; tăng cường công tác nắm bắt, phản ánh tình hình tư tưởng, đời sống, nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ. Chú trọng việc tuyên truyền, nhân rộng các điển hình phụ nữ, mô hình hoạt động tiêu biểu trong các lĩnh vực, nhất là trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, góp phần xây dựng NTM, xây dựng tổ chức hội vững mạnh.

Theo Hội LHPN Việt Nam tỉnh, phong trào phụ nữ chung tay xây dựng NTM, đô thị văn minh giai đoạn 2016-2020 đã được các cấp hội trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả nổi bật.

Cụ thể, đã đẩy mạnh vận động, giúp đỡ hội viên thoát nghèo bằng nhiều phương thức tổ chức dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ vốn vay. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, các cấp hội đã vận động xây dựng và bàn giao 283 mái ấm tình thương cho hội viên, phụ nữ nghèo; xây dựng 3 cầu bê tông; trao 325 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học… với tổng giá trị hơn 9,8 tỉ đồng.

Ngoài ra, thực hiện các tiêu chí “3 sạch” của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các cấp hội đã tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả tại 8/8 huyện, thị, thành hội. Nổi bật như các mô hình: “Nhóm 5 không, 3 sạch kiểu mẫu”, “Vớt rác trên sông”, “Ngày thứ bảy vì cộng đồng”; “Biến rác thải thành tiền”…

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>