Quan tâm nâng chất hoạt động đoàn ở cơ sở

22/05/2019 | 08:00 GMT+7

Khó tập hợp đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào, hoạt động đoàn ở cơ sở nhiều nơi không đáp ứng được yêu cầu... là những khó khăn, bất cập mà Đoàn thanh niên các cấp trên địa bàn tỉnh đang đối mặt.

Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động đoàn là yêu cầu mang tính cấp thiết hiện nay.

Vì khó tập hợp đoàn viên, thanh niên…

Chi đoàn ấp Phương Quới, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, có hơn 10 đoàn viên. Thời gian qua, việc tập hợp đoàn viên tham gia các hoạt động gặp nhiều khó khăn.

“Đến tận nhà đoàn viên để vận động họ thì có người nói bận chăm sóc con, người lo việc gia đình, một vài trường hợp thì đi làm ăn xa không thể tham gia. Đoàn viên tham gia sinh hoạt hàng tháng cũng không đầy đủ”, Bí thư Chi đoàn ấp Phương Quới Hồ Thanh Thủy chia sẻ.

Khó khăn trên cũng là khó khăn chung của các chi đoàn ấp trên địa bàn xã. Anh Dương Hoài Thanh, Bí thư Xã đoàn, cho biết: “Số lượng đoàn viên tham dự các buổi sinh hoạt chi đoàn ở các ấp hiện nay khá ít, chỉ 5-7 người. Khi tập hợp đoàn viên, thanh niên thực hiện công trình, phần việc nào đó cũng rất khó, thậm chí phải xuống tận nhà vận động nhưng tham gia cũng không nhiều”.

Công trình xây dựng “Tuyến đường thanh niên” trên tuyến Quốc lộ 61C của Tỉnh đoàn không mang lại kết quả như mong đợi.

Theo anh Thanh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc khó tập hợp đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt, trong đó tình trạng đoàn viên, thanh niên đi làm ăn xa ngày càng nhiều là nguyên nhân chính.

Như tổng số đoàn viên của xã Phương Bình hiện có hơn 350 người, nhưng số đi làm ăn xa khoảng 150 người, lực lượng còn lại ở địa phương vì lo phát triển kinh tế gia đình nên cũng ít quan tâm tham gia phong trào đoàn.

 “Rất khó để quản lý đoàn viên đi làm ăn xa, liên hệ qua điện thoại là chính. Nhiều lúc họ thay đổi số điện thoại nên không thể liên lạc được, chỉ có dịp lễ, tết mới gặp được họ”, anh Thanh chia sẻ.

Không chỉ có xã Phương Bình, việc khó tập hợp đoàn viên, thanh niên đã trở thành thực trạng chung của hoạt động đoàn ở cơ sở hiện nay. Thông tin từ Tỉnh đoàn, tỷ lệ đoàn kết, tập hợp thanh niên trên địa bàn tỉnh hiện còn thấp, nhất là ở các chi đoàn ấp, khu vực, có nơi chỉ chiếm khoảng 30-40% trong tổng số đoàn viên, thanh niên có mặt tại địa phương.

Qua kết quả khảo sát, toàn tỉnh hiện có 92.439 thanh niên, trong đó có mặt ở địa phương là 47.895 người, đi làm ăn xa là 44.544 người (chiếm 48%), có nơi tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đoàn đi làm ăn xa chiếm trên 80% tổng số thanh niên địa phương.

Mặt khác, khi thực hiện Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 02 của HĐND tỉnh quy định chức danh, số lượng và mức phụ cấp, trợ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh, thì nhiều bí thư chi đoàn ở ấp, khu vực ở tuổi 50… Qua thống kê, có 87 đồng chí bí thư chi đoàn ấp, khu vực có độ tuổi 35-39, 105 đồng chí có độ tuổi 40-66 tuổi.

Anh Hồ Thanh Thủy vừa nêu năm nay đã 57 tuổi. Anh cho biết: “Làm bí thư chi đoàn lớn tuổi gặp nhiều khó khăn trong tập hợp đoàn viên, thanh niên. Ở tuổi này mình suy nghĩ không giống như nhiều bạn trẻ nên trong hoạt động phong trào chưa thể… hòa nhập tốt”.

Chị Phạm Thị Thùy Dung, Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: “Bí thư chi đoàn lớn tuổi khá hạn chế về kỹ năng tập hợp, đoàn kết thanh niên; khó nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của anh em. Bên cạnh đó, một số đoàn viên còn thụ động, tình trạng bỏ sinh hoạt đoàn, thờ ơ với hoạt động đoàn còn diễn ra. Có chi đoàn vẫn còn nhầm lẫn giữa việc họp chi đoàn với sinh hoạt chi đoàn, dẫn đến nội dung sinh hoạt còn thiếu phong phú, khô cứng gây ảnh hưởng đến thu hút đoàn viên, thanh niên”.

Cũng theo chị Dung, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó, từng lúc, từng nơi một số cấp ủy chưa quan tâm sâu sát đối với hoạt động của tổ chức đoàn, đặc biệt là chi đoàn ấp; đoàn viên, thanh niên không còn nhiều ở địa phương; nội dung, phương thức sinh hoạt đoàn vẫn chưa đổi mới. Mặt khác, hoạt động đoàn hiện nay chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên, nhất là về vốn, kỹ thuật để đoàn viên, thanh niên cải thiện đời sống kinh tế gia đình…

Nên hoạt động hình thức ?

Thực tế cho thấy, nhiều phong trào, phần việc do Đoàn thanh niên các cấp phát động thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhưng cũng có những công trình… dang dở sau ngày ra quân.

Đơn cử là vào ngày 19-11-2018, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức lễ ra quân thực hiện công trình xây dựng “Tuyến đường thanh niên” trên tuyến Quốc lộ 61C, đoạn qua địa bàn tỉnh. Thông qua công trình này, đông đảo đoàn viên, thanh niên của 8 huyện, thị, thành đoàn và đơn vị tương đương đã tiến hành trồng hàng trăm ngàn cây hoa sao nhái, lạc dại và huỳnh anh có tổng trị giá hơn 200 triệu đồng.

Hoạt động đã góp phần nâng cao nhận thức trong đoàn viên, thanh niên và Nhân dân về ý nghĩa của việc trồng cây xanh gắn với bảo vệ môi trường; ứng dụng “Ruộng sinh học” trong nông nghiệp để bảo vệ thiên địch, giúp lúa phát triển tự nhiên hơn.

Sự nhiệt huyết, khí thế, tinh thần cống hiến của tuổi trẻ khi thực hiện công trình trên rất đáng ghi nhận. Nhất là cấp ủy, chính quyền và người dân đều phấn khởi, đánh giá cao khi thấy đoàn viên, thanh niên ra quân làm đẹp quê hương. Thế nhưng hiện nay, các cây hoa dại được trồng đại đa số chết hết.

Tháng thanh niên vừa qua, nhiều nơi cũng được đoàn viên, thanh niên ra quân trồng cây xanh, hoa. Đến nay, có người hỏi tại sao đa số công trình chỉ mang tính hô hào…?

Tập trung đổi mới, nâng chất

Từ khó khăn, hạn chế trên, nhiều người cho rằng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động là giải pháp mang tính sống còn đối với Đoàn thanh niên các cấp.

Theo đó, Tỉnh đoàn đang xây dựng Đề án nâng cao chất lượng tổ chức đoàn trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là nâng cao tổ chức cơ sở đoàn ở địa bàn dân cư, giai đoạn 2018-2022. Trong đó, tập trung đánh giá toàn diện về thực trạng công tác đoàn của tỉnh hiện nay và đề ra những giải pháp cụ thể để giúp phong trào đoàn phát triển mạnh mẽ thời gian tới.

Một trong những giải pháp quan trọng được Tỉnh đoàn chỉ đạo các cấp bộ đoàn quan tâm thực hiện là xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả tại địa phương để hạn chế số lượng đoàn viên, thanh niên đi làm ăn xa.

Bí thư Xã đoàn Phương Bình, huyện Phụng Hiệp Dương Hoài Thanh cho rằng, thời gian qua, Xã đoàn đã quan tâm, hỗ trợ cho một số đoàn viên chuyển đổi từ trồng mía sang trồng khóm chất lượng cao, bước đầu mang lại kết quả tích cực. Tới đây, chi đoàn các ấp sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến mô hình làm ăn có hiệu quả ở địa phương để đoàn viên có thể tìm hiểu và áp dụng nếu thấy phù hợp.

Anh Thanh nói: “Xã đoàn sẽ hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên xây dựng mô hình làm ăn dựa trên điều kiện thực tế địa phương, nhất là các mô hình nuôi cá, trồng cây ăn trái; tập hợp một vài đoàn viên, thanh niên ở gần nhà để thành lập nên tổ hợp tác kinh tế và hỗ trợ để họ tiếp cận vốn vay, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất”.

Làm sao để thanh niên địa phương phát triển kinh tế gia đình cũng là trăn trở của chị Nguyễn Thị Phương Hà, Bí thư Xã đoàn Tân Phú, thị xã Long Mỹ.

Cuối năm 2018, chị vận động thành lập câu lạc bộ nuôi cá thát lát thương phẩm tại địa phương với 7 thành viên là đoàn viên, hội viên trên địa bàn các ấp. Cá nguyên liệu do các thành viên nuôi sẽ được bao tiêu đầu ra. Dự định của chị Hà là sẽ tiếp tục thành lập thêm nhiều câu lạc bộ làm kinh tế trong thanh niên. “Khi thanh niên có mô hình phát triển kinh tế tại địa phương thì họ sẽ không phải bôn ba đi làm ăn xa và có điều kiện để tham gia nhiều hơn hoạt động đoàn”, chị Hà nói.

Anh Nguyễn Minh Thương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, nói: “Các cấp bộ đoàn cần quan tâm xây dựng các mô hình khởi nghiệp cho thanh niên. Theo đó, trong sinh hoạt hàng tháng của chi đoàn ấp, khu vực phải lồng ghép giới thiệu mô hình khởi nghiệp tiêu biểu, sau sinh hoạt thì tổ chức đi tham quan thực tế; tập trung khơi dậy tinh thần đoàn kết khởi nghiệp trong thanh niên; tuyên truyền, vận động họ tham gia góp vốn thực hiện các tổ hợp tác kinh tế. Các cấp bộ đoàn phải quan tâm phối hợp với ngành chức năng chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay để thanh niên phát triển các mô hình sản xuất”.

Các cấp bộ đoàn cũng nên quan tâm giáo dục tư tưởng, định hướng dư luận xã hội để đoàn viên, thanh niên hiểu được những việc cần làm, nên làm và không làm; quan tâm đổi mới phương thức hoạt động của đoàn cơ sở. Đặc biệt là khắc phục tình trạng hành chính hóa, nhiệm vụ nào không cần thiết thì không giao về cơ sở…

Còn Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thị Thùy Dung nhấn mạnh: “Các cấp bộ đoàn sẽ tiếp tục thực hiện phong trào hành động cách mạng để phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên; thực hiện nghiêm Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của cơ sở đoàn trên địa bàn dân cư giai đoạn 2019-2022. Đồng thời, củng cố, nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ đoàn, đoàn viên; kiên trì các giải pháp xây dựng chi đoàn mạnh; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn theo chủ đề, đổi mới về nội dung cũng như phương thức sinh hoạt”.

Giải pháp đã có và rất cần các cấp bộ đoàn trong tỉnh triển khai thực chất, hiệu quả để vực dậy công tác đoàn và phong trào thanh niên vốn đang gặp nhiều khó khăn, bất cập trong hoạt động như hiện nay…

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>