Thiết thực các mô hình đột phá

06/12/2018 | 08:24 GMT+7

Đầu năm đến nay, công đoàn trực thuộc Liên đoàn Lao động (LĐLĐ)  tỉnh tích cực triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình mang tính đột phá, góp phần thiết thực trong công tác chăm lo lợi ích chính đáng và thu hút đoàn viên công đoàn, người lao động.

Ông Kiều Văn Thọ (thứ tư, từ phải sang), Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh, trao quà cho đoàn viên thuộc đối tượng hỗ trợ của mô hình “Mỗi sản phẩm là một niềm tin cho đoàn viên bị bệnh hiểm nghèo, đoàn viên đặc biệt khó khăn”.

Bà Nguyễn Thị Kim Cương, Chủ tịch LĐLĐ huyện Châu Thành A, cho biết, ngày đầu tiên của tháng 11 vừa qua, đơn vị chính thức ra mắt mô hình “Phản ứng nhanh và xử lý các vụ việc đình công trong doanh nghiệp” tại trụ sở UBND thị trấn Cái Tắc. Mô hình có 36 thành viên gồm Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện (trưởng ban), chủ tịch, đoàn viên nòng cốt công đoàn cơ sở các doanh nghiệp, chủ tịch các công đoàn cơ sở xã, thị trấn trên địa bàn.

Mục đích của việc thành lập mô hình là để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, giải đáp những yêu sách thỏa đáng của người lao động theo luật định, tạo sự hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời hạn chế tối đa tình trạng ngừng việc tập thể và đình công trên địa bàn huyện hoặc khi xảy ra tranh chấp lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động tránh dẫn đến tình trạng ngừng việc kéo dài.

Sau lễ ra mắt, Ban Thường vụ LĐLĐ huyện tổ chức tập huấn cho các thành viên về 2 kỹ năng: phòng ngừa không để xảy ra đình công, ngừng việc và giải quyết khi xảy ra đình công, ngừng việc tại đơn vị. Qua đó, giúp các thành viên nắm vững kiến thức cơ bản có thể xử lý vụ việc khi phát sinh tình huống, cũng như giải pháp phòng ngừa không để xảy ra đình công hoặc cách giải quyết có hiệu quả nhất, hạn chế tối đa không để đình công, ngừng việc tập thể kéo dài…

Đó là một trong số 7 mô hình mang tính đột phá năm 2018 của LĐLĐ huyện Châu Thành A. Tất cả các mô hình đều hướng về quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên và người lao động. Vì thế, ngoài mô hình trên thì các mô hình còn lại như “Ánh sáng công đoàn” đã khẳng định hiệu quả thiết thực.

Cụ thể từ khi triển khai, thực hiện mô hình (tháng 5-2018) đến nay đã giúp cho hàng chục công đoàn viên khó khăn có nhu cầu vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế gia đình, sửa chữa nhà, xây dựng mái ấm công đoàn với mức lãi suất ưu đãi…

Tương tự, đầu năm đến nay, LĐLĐ huyện Phụng Hiệp đã triển khai, thực hiện 7 mô hình mang tính đột phá như: “Quả bóng vàng giờ thứ 9”; “Lắng nghe - Thấu hiểu”; “Mỗi sản phẩm là một niềm tin cho đoàn viên bị bệnh hiểm nghèo, đoàn viên đặc biệt khó khăn”… Các mô hình đều tập trung vào công tác chăm lo đời sống vật chất cho đoàn viên, tổ chức công đoàn; giúp người lao động có thêm điều kiện vui chơi, giải trí thoải mái tinh thần sau những giờ làm việc tại cơ quan, đơn vị.

Trong số đó phải kể đến mô hình “Khám sức khỏe định kỳ cho đoàn viên, người lao động tại doanh nghiệp” năm 2018. Theo bà Phan Hồng Thắm, Chủ tịch LĐLĐ huyện, tính mới, đột phát của mô hình chính là phát huy được vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, thể hiện sự gắn kết giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, tạo được mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ.

Mặt khác, việc khám sức khỏe định kỳ mang ý nghĩa tầm soát hơn là điều trị bệnh, từ đó giúp ngăn ngừa các bệnh thường gặp như thiếu máu, tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường. Thông qua việc thăm khám, công đoàn viên, người lao động còn được bác sĩ tư vấn chuyên sâu ở các mức độ mắc bệnh khác nhau về việc thay đổi thói quen trong làm việc và sinh hoạt nhằm cải thiện sức khỏe và điều trị hiệu quả hơn...

Ông Võ Văn Hiền, Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công, LĐLĐ tỉnh, cho hay, qua tổng hợp hiện có khoảng 25 mô hình mới, mang tính đột phá do các công đoàn trực thuộc đăng ký thực hiện trong năm 2018. Trên cơ sở đó, tới đây Hội đồng thi đua - khen thưởng LĐLĐ tỉnh sẽ họp xét và công nhận. Đáng ghi nhận là năm nay, ngoài tính đa dạng thì các mô hình, cách làm hay của các đơn vị đều gắn với vai trò, nhiệm vụ, phong trào hoạt động và lợi thế của từng cơ quan, đơn vị.

Cũng theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh, cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục thì việc triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình mới, mang tính đột phá của các công đoàn trực thuộc trên địa bàn đều có bước đổi mới về nội dung, hình thức và bám sát vào nhu cầu, tình hình thực tế của địa phương. Nhờ vậy đã thu hút đông đảo cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động tham gia, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cho công đoàn cấp trên cơ sở.

Thông qua các mô hình cụ thể, thiết thực được triển khai, thực hiện trong năm 2018 đã giúp cho tổ chức công đoàn các cấp tiếp tục phát huy được vai trò là cầu nối giữa cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động với cấp ủy, chính quyền và chủ doanh nghiệp…

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>