Áo ấm người nghèo

08/05/2017 | 07:17 GMT+7

Được nghe giới thiệu nhiều về mô hình “Tủ áo tình thương” của Chi bộ khu vực 4, phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, hôm có dịp mục sở thị mới thấy rõ hết hiệu quả, ý nghĩa của nó. 

Tủ áo tình thương đã đem đến cho bà Hải (phải) nhiều niềm vui.

Bà Huỳnh Thị Cúc, Bí thư kiêm Trưởng khu vực 4, phường Hiệp Thành, nói đây là mô hình học tập và làm theo gương Bác của địa phương phôi thai từ tháng 2 và đến tháng 4-2017 thì chính thức ra mắt. “Bác có tấm lòng thương dân hết mực, nhất là dân nghèo. Từ chỗ học ở Bác đức tính ấy mà chúng tôi tổ chức mô hình để vận động mạnh thường quân, người khá, giàu ủng hộ quần áo cũ cho bà con khó khăn”, bà Cúc cho biết.

Ra mắt vào ngày 10-4, đến nay mô hình “Tủ áo tình thương” đã 2 lần (định kỳ ngày 10 và 20 hàng tháng) đem niềm vui đến với dân nghèo trong khu vực. Theo lãnh đạo khu vực, triển khai thực hiện mô hình này rất được sự đồng tình hưởng ứng của đảng viên chi bộ và ban dân chánh nơi đây. Trước ngày khởi động, tập thể cán bộ, đảng viên khu vực vận động nhiều người trong và ngoài địa bàn cho áo quần cũ để hôm ra mắt là tặng bà con luôn. Vì vậy, bữa đó không chỉ có đại diện 22 hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực mà còn có trên 50 người dân các khu vực khác đến lựa đồ. “Nói là đồ cũ chứ mới và sạch sẽ lắm, có đồ còn nguyên tem. Bởi vậy, rất nhiều bà con hôm ấy ra về trên tay là những bộ đồ mới toanh nên rất vui”, bà Cúc nói.

Hộ bà Nguyễn Thị Hải, ở cùng khu vực, có hơn chục miệng ăn, là hộ cận nghèo nên đồ mới là những gì đó xa xỉ với gia đình. Bà Hải kể: “Bữa đến dự ra mắt, nhìn đã ưng bụng mấy cái áo treo trên giá nên mắt không rời. Vừa làm lễ xong là tôi đến lấy ngay”.

Bà Hải hôm đó chọn cho mình 3 cái áo (chỉ tiêu là 3). Ngay chiều tối là bà mặc đi dự lễ Phục sinh luôn. 3 cái áo đẹp ấy được bà để dành mặc đi đám tiệc, đi xóm chứ không mặc ở nhà.

Suy nghĩ áo cũ của người, mới của ta không chỉ riêng bà Hải. Con trai bà hôm ấy cũng lựa được mấy áo đẹp rồi cũng chỉ mặc đi đám, hay mấy chỗ… sang sang chứ thường ngày thì cất kỹ. “Xóm ấp làm những chuyện này tôi thấy rất có ý nghĩa với người nghèo!”, bà Hải nói.

Chỉ 1 tháng triển khai mô hình này mà sự lan tỏa của nó không ở phạm vi khu vực về chuyện người cho đi và người thụ hưởng. Hiện nay, quần áo cũ chứa ở nhà thông tin khu vực 4 có đến cả chục bao, nào là của đảng viên, đoàn viên, hội viên địa phương đóng góp, nào là của mạnh thường quân ở Thành phố Hồ Chí Minh gửi về. Rồi tiếng lành đồn xa, hộ khó khăn ở ngoài khu vực cũng đến lựa áo quần đẹp cho mình. “Tôi ấn tượng nhất là lúc tổ chức phân phát quần áo cho bà con, họ đến rất đông. Điều này cho thấy tính thiết thực của mô hình nên mới thu hút được nhiều người”, bà Phan Thiên Vân, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực 4, cho biết.

Hội viên phụ nữ khu vực này có đến trên 220 thì hiện có hơn 15 hội viên ủng hộ quần áo và theo khảo sát của chi hội, hội viên nào có điều kiện cũng sẵn lòng cho. Bà Vân kể dí dỏm: “Đi khơi khơi vận động nhưng chị em cho thiệt nên áo quần dư lại càng dư”.

Sau hai lần… cho đi, tủ áo tình thương có 200 bộ quần áo về với chủ mới, trị giá ước khoảng 10 triệu đồng. Nói về hoạt động sắp tới, bà Cúc không lo chuyện thiếu nguồn, cũng không sợ không có người nhận. Bởi nguồn sẽ vận động từ rất nhiều nơi, người cho sẽ mở rộng địa bàn hơn nữa, ai cần thì cứ đến lựa.

Trong một lần sinh hoạt với cán bộ trường Đảng, vì được quan tâm chăm sóc rất chu đáo mà Bác không mấy hài lòng… Rồi Bác dặn: “Tôi chỉ mong các đồng chí đừng quan tâm tới tôi quá mà phải quan tâm tới mọi người hơn”. Căn dặn ấy, ít nhiều ở mô hình “Tủ áo tình thương” đã được hiện thực hóa. 

Thị xã Ngã Bảy hiện có 5 điểm cho quần áo cũ như vậy và điểm ở khu vực 4 khá tiêu biểu; thị xã cũng đang có hàng tấn áo quần cần người nhận. Ông Nguyễn Văn Phil, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Ngã Bảy, cho biết: “Những mô hình học tập và làm theo gương Bác ở thị xã rất thiết thực, tính tự nguyện vì cộng đồng của người dân rất cao. Vì vậy, các mô hình hay, hiệu quả vì cộng đồng khi được phát động là sức lan tỏa phát huy ngay, điều này cho thấy ý thức rất cao trong học tập và làm theo gương Bác của nhiều người ở địa phương”.

 

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>