Bà Hường vì quê hương

23/11/2016 | 07:55 GMT+7

Học tập và làm theo gương Bác về đức tính vượt khó, yêu thương và biết giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh, bây giờ nhìn lại, bà Nguyễn Thu Hường, ở ấp 12, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, cảm thấy hài lòng với những gì đã làm được cho cuộc đời này.

Bà Hường đang làm đẹp cho quê hương.

Tại “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư ấp 12 vừa qua, bà Hường được mời phát biểu điển hình về chuyện xây dựng cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp ở gia đình mình. Bài phát biểu chỉ khoảng 10 phút nhưng tạo được sự chú ý của nhiều người, bởi cách bà làm khá đơn giản nhưng góp phần tạo ra sự lan tỏa ở xóm trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Ấn tượng đầu tiên khi đến thăm căn nhà cấp 4 nằm cặp Quốc lộ 61 của bà Hường chính là hàng cây huyết rồng tươi tốt, được gia chủ thường xuyên chăm sóc tỉ mỉ. Thấy nhà bà Hường trồng đẹp quá nên một số hộ gần đó cũng trồng theo. Nhiều người khách qua đường khi thấy ưng mắt với hàng huyết rồng ngỏ ý xin giống về trồng thì nhận được cái gật đầu vui vẻ. Cho rồi bà còn dặn nếu muốn trồng thêm thì cứ đến đây lấy giống. Bà Hường luôn luôn vậy, tính tình vốn cởi mở, thân tình.

Đâu chỉ có vậy, bà Hường còn được biết đến là cô giáo mẫu mực, hết lòng với học trò, đặc biệt là học trò nghèo. Bà vừa về hưu trong năm nay sau 35 năm làm nhiệm vụ “gõ đầu trẻ”. Làm giáo viên nên bà có điều kiện tìm hiểu về tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác. Khi đứng trên bục giảng, bà luôn dạy dỗ, chỉ bảo học trò phải noi theo gương Bác trong mọi việc, trong đó phải khắc ghi lời Bác dạy về tinh thần vượt khó: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.

 Ngay cả bản thân bà Hường cũng coi tinh thần vượt khó từ tấm gương của Bác như “ngọn đuốc sáng” để dẫn đường cho bà vượt qua những mảng tối của cuộc đời.

Đó là chuyện diễn ra cách đây 15 năm khi chồng bà (cũng công tác trong ngành giáo dục) qua đời vì tai nạn giao thông. Người phụ nữ có thân hình khá nhỏ nhắn ấy gần như suy sụp hoàn toàn trước bất hạnh quá lớn. Nhưng bà đã gượng dậy để sống vì phải lo cho tương lai của hai đứa con gái - lúc đó đứa lớn mới vào đại học, đứa út đang học lớp 12.

Đồng lương ít ỏi của nghề giáo không đủ trang trải cuộc sống gia đình nên bà còn phải lao động vất vả trên 3 công ruộng để có thêm thu nhập. Những lúc vác bình xịt ra đồng, sức lực của bà dường như kiệt quệ, mồ hôi, nước mắt cứ trộn lẫn mặn đắng nhưng không thể đánh gục người phụ nữ can trường. Thương mẹ, hai cô con gái của bà Hường học rất giỏi. Ngoài giờ học, họ còn đi làm thêm để giảm bớt gánh nặng trên đôi vai tảo tần của mẹ.

 Thời gian cứ trôi, hai người con gái ấy giờ đã trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định và gia đình hạnh phúc. Cô con gái lớn đang là đại úy phục vụ trong ngành công an; cô con gái út hiện là thạc sĩ, bác sĩ và giữ chức Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau bao nỗi thăng trầm, nỗ lực, cuộc sống gia đình bà Hường đã thật sự bước sang… trang mới.

Dù cuộc sống hiện tại chưa mấy khá giả, nhưng bà Hường luôn nghĩ phải làm việc gì đó có ích cho đời. Rồi trong lúc giảng dạy, thấy học trò nào gặp khó khăn thì bà giúp đỡ tiền đóng bảo hiểm y tế, tặng tập vở, quần áo… Hiện nay, với lương hưu hơn 5 triệu đồng mỗi tháng, bà dành một ít để hỗ trợ cho gia đình bà Nguyễn Thị Huyền - một hộ nghèo trong xóm. Chưa hết, bà còn cho bà Huyền chiếc xe đạp cũ vốn là phương tiện cùng bà ngày ngày đến trường trước kia. “Bà Hường đã giúp đỡ cho gia đình tôi rất nhiều, tôi biết ơn nhưng không biết lấy gì để đền đáp”, bà Huyền chia sẻ.

Niềm vui của bà Hường khi về hưu là ngày ngày đi tập thể dục buổi sáng cùng các bạn già trong xóm; chăm sóc hàng huyết rồng trước nhà và đưa đón cháu đi học... Dù không có tính khoe khoang nhưng bà có quyền tự hào về những gì đã làm được. Bà đã làm tròn nghĩa vụ của nhà giáo khi từng được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện, xã. Đối với gia đình, bà đã đảm đương rất tốt vai trò trụ cột từ khi chồng mất để nuôi dạy hai con nên người.

Về hưu nhưng bà chưa thôi nghĩ về trách nhiệm của mình với xã hội. Bà sẽ tiếp tục vận động xóm giềng làm hàng rào, trồng hoa để làm đẹp cho quê hương, đặc biệt là sẽ tiếp tục làm từ thiện để giúp đời. Hai người con gái cũng luôn ủng hộ và góp tiền để bà làm từ thiện. “Nhớ về hoàn cảnh cơ hàn ngày trước nên chúng nó rất có ý thức giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn. Đó là điều tôi thấy vui nhất”, bà Hường bộc bạch.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>