Cần, kiệm giúp làm giàu

14/08/2017 | 09:16 GMT+7

Đó là sự đúc kết của lão nông Bảy Diệu (Trần Văn Diệu), ở ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, người đang có cuộc sống sung túc nhờ cần, kiệm.

Rảnh rỗi, ông Bảy Diệu lại chăm chút cho cây kiểng trước cửa nhà, coi đó là thú vui tao nhã lúc tuổi già.

Vào năm 1980, khi hai vợ chồng ông Bảy Diệu cưới nhau chỉ có 3 công đất được cha mẹ cho làm của hồi môn. Gia cảnh của ông Bảy Diệu khi đó cũng nghèo khó như bao gia đình khác. Một lần nọ, ông tình cờ nghe mọi người nhắc lại câu chuyện khi nhân dân ta trải qua nạn đói khủng khiếp, cướp đi sinh mạng của hàng triệu đồng bào, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi nhân dân cả nước “diệt giặc đói” và Người gương mẫu thực hiện trước: cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa, đem gạo đó để cứu dân nghèo… thì lý trí của ông Bảy Diệu chợt bừng tỉnh.

Ông nhận ra rằng sự tiết kiệm trong đời sống hàng ngày theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ là rất cần thiết. Sẵn tính cần cù của con nhà nông cộng với chi tiêu tiết kiệm đã giúp ông thay đổi ngoạn mục cuộc sống của gia đình mình. “Nhiều người đồn đại nói vợ chồng tôi trúng số nên mới có tiền mua đất, xây nhà bự, chứ họ đâu hiểu chúng tôi đi lên bằng mồ hôi, nước mắt trong lao động và sự tằn tiện chi tiêu hàng ngày”, ông Bảy Diệu mở đầu câu chuyện kể về sự đổi đời của gia đình một cách đầy nghị lực.

Rồi ông kể tiếp: “Lúc mới ra riêng khổ lắm, hai đứa con lần lượt ra đời khiến cuộc sống túng quẫn hơn. Ba công đất thời đó làm lúa đâu trúng như bây giờ, mỗi vụ lời ít lắm. Có lời đồng nào hai vợ chồng tích lũy đồng nấy. Mỗi bữa cơm chỉ tốn gạo nấu, chứ ở nông thôn thì vườn rau, ao cá mặc sức mà ăn. Bữa nào không đi ruộng là tôi đi làm thuê hoặc đánh bắt cá đồng. Việc tiêu xài hàng ngày được hai vợ chồng tính toán kỹ lưỡng, có quy định hẳn hoi là xài bao nhiêu tiền, không được phép xài lố. Khi tiền dư kha khá thì mua đất, lúc đầu chỉ mua được nửa công, dần dần mua thêm nữa…”.

Vốn tính chịu khó lại ham học hỏi, nên nghe thấy đâu có cách làm hay là ông Bảy Diệu lại làm theo. Đâu chỉ làm ruộng, suốt mấy mươi năm qua, ông đã lăn lộn với nhiều nghề như nuôi trâu, bò, trồng cây ăn trái hay mua máy xới, làm lò sấy lúa… Nhờ giỏi tính toán nên làm nghề gì ông cũng thu nhập kha khá, có tiền dư lại mua đất, cứ thế mà số đất mua được đến nay đã gấp chục lần so với thời điểm mới ra riêng.

“Người nông dân muốn đổi đời thì chắc chắn phải cần có đức tính cần, kiệm, thiếu một trong 2 cũng không được. Bởi nếu cần cù mà không biết tiết kiệm thì bao nhiêu của cải làm ra cũng bị tiêu tan, còn thiếu tính cần cù coi như cái nghèo sẽ đeo bám mãi. Cả cuộc đời tôi đã thực hiện cần, kiệm theo lời Bác Hồ dạy nên mới có cuộc sống như ngày nay”, ông Bảy Diệu quả quyết.

Cách đây 7 năm, ông Bảy Diệu bàn với vợ bỏ tiền cất căn nhà rộng rãi, khang trang không thua bất kỳ hộ nào trong xóm. Theo lão nông này thì đó không phải là sự lãng phí hoặc khoe khoang, chỉ muốn có nơi ở thoải mái để dưỡng già. Âu đó cũng là nguyện vọng chính đáng, bởi hai vợ chồng ông đã vất vả làm lụng mấy chục năm rồi còn gì!

Để có được thành quả như hiện nay, ông Bảy Diệu cho rằng đời ông may mắn được kết duyên với người vợ hiền, luôn đồng cam cộng khổ với chồng. “Khổ cực cỡ nào hai vợ chồng cũng cố gắng vượt qua. Đồng vợ, đồng chồng tát Biển Đông cũng cạn mà”, bà Nguyễn Thị Bé Năm (vợ ông Bảy Diệu) ví von.

Trở về thực tại, điều hai vợ chồng già này vui nhất là nhìn thấy hai đứa con đã yên bề gia thất và có thể tự nuôi sống bản thân. Giờ đây, khi tuổi xế chiều, ông Bảy Diệu không còn “tham công tiếc việc” như trước, chỉ lo chăm sóc ruộng vườn để kiếm sống qua ngày. Rảnh rỗi, ông lại chăm chút cho cây kiểng trước cửa nhà, coi đó là thú vui tao nhã lúc tuổi già. Đặc biệt, ông còn lưu giữ nhiều cuốn sách nói về Bác Hồ, về chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hay đơn thuần là những tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa, cây trồng. Cuốn nào cũng khá cũ kỹ bởi ông đã từng đọc qua chúng để cập nhật những thông tin bổ ích.

Người dân xứ này ai cũng quý đức tính hiền lành, tốt bụng trong đối nhân xử thế của gia đình ông Bảy Diệu. Hễ ấp, xã đến vận động các loại quỹ, nhất là ủng hộ, giúp đỡ cho đồng bào bị thiên tai, lũ lụt thì gia đình ông luôn sẵn lòng. Ông Khả Văn Tui, Bí thư Chi bộ ấp 7, xã Vị Thắng, cho biết: “Từ nghèo khó, ông Bảy Diệu đã nỗ lực làm ăn để vươn lên làm giàu chính đáng. Gia đình ông còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương và sống gần gũi, hòa đồng với xóm giềng”.

Qua trường hợp của ông Bảy Diệu để thấy, chỉ cần mỗi người chúng ta biết sống cần, kiệm như lời Bác Hồ dạy thì cuộc đời này sẽ tươi đẹp biết bao!

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>