Chi bộ đỡ đầu học sinh

17/03/2021 | 06:25 GMT+7

Đó là mô hình học tập và làm theo Bác được Chi bộ Trường Tiểu học Trần Quang Diệu, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay.

Em Nguyễn Thị Kiều Tiên thường được thầy Trần Quốc Khiêm quan tâm giúp đỡ.

Trường Tiểu học Trần Quang Diệu nằm cặp kênh xáng Xà No, là trường còn nhiều khó khăn với khuôn viên và cơ sở vật chất phòng học khiêm tốn.

Qua thống kê, toàn trường có 33 học sinh nghèo. Đầu năm học 2020-2021, Chi bộ Trường Tiểu học Trần Quang Diệu xây dựng kế hoạch phân công ban giám hiệu, đảng viên, giáo viên nhận đỡ đầu học sinh. Mỗi thành viên trong ban giám hiệu sẽ phụ trách đỡ đầu 2 em, số còn lại do đảng viên, giáo viên đảm nhận.

Hàng tháng, có 15-20 học sinh trong 33 em học sinh nghèo của trường được nhận 10kg gạo do Chi bộ trường vận động từ nguồn xã hóa. Việc hỗ trợ gạo theo hình thức xoay vòng, những em chưa nhận tháng này sẽ được hỗ trợ vào tháng sau. Tháng nào mạnh thường quân hỗ trợ gạo không đủ trao cho học sinh thì chi bộ vận động đảng viên, giáo viên đóng góp theo khả năng cho đủ. Ngoài hỗ trợ gạo hàng tháng, chi bộ còn vận động học bổng, xe đạp, quần áo, tập sách,... được bao nhiêu đều dành tặng hết cho học sinh nghèo. Tổng trị giá các phần quà do trường kêu gọi hỗ trợ học sinh nghèo hàng năm khoảng 30 triệu đồng.

Gia đình em Nguyễn Thị Kiều Trang, học sinh lớp 4B, có hoàn cảnh khó khăn vì không có đất đai canh tác, mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày phụ thuộc vào nghề làm thuê của cha em. “10kg gạo do trường hỗ trợ hàng tháng giúp gia đình em đỡ tốn một phần chi phí sinh hoạt. Thỉnh thoảng, em cũng nhận được học bổng do mạnh thường quân trao tặng. Sự quan tâm, chăm lo ấy giúp em an tâm đến trường”, Kiều Trang chia sẻ.

Với những đảng viên, giáo viên được phân công đỡ đầu học sinh thì họ coi các em như người thân trong gia đình. Nhận đỡ đầu 2 em học sinh, thầy Trần Quốc Khiêm, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quang Diệu, thường xuyên đến gia đình các em hỏi thăm về cuộc sống, nếu thấy khó khăn thì thầy bỏ tiền túi ra hỗ trợ kịp thời. Tại trường, thầy cũng theo dõi kết quả học tập của các em để phân công giáo viên bồi dưỡng thêm kiến thức ở môn mà các em học chưa tốt.

“Tôi căn dặn mỗi đảng viên, giáo viên của trường khi nhận đỡ đầu học sinh thì phải làm tròn trách nhiệm, thực sự trở thành điểm tựa cho các em những lúc khó khăn. Là người đứng đầu về mặt Đảng và chính quyền tại nhà trường nên tôi luôn thực hiện tốt việc này để làm gương. Qua theo dõi, tôi thấy mừng là đảng viên, giáo viên của trường đều nỗ lực thực hiện tốt trách nhiệm khi đỡ đầu học sinh”, thầy Khiêm nói.

Em Nguyễn Thị Kiều Tiên, học sinh lớp 4A, là một trong 2 học sinh được thầy Khiêm nhận đỡ đầu trong năm học này. Hoàn cảnh của em rất đáng thương khi mồ côi cha mẹ, hiện đang sống chung với bà ngoại đã lớn tuổi.

Ngoài được hỗ trợ hàng tháng, Kiều Tiên thường được thầy Khiêm cho tiền để mua sắm đồ dùng học tập. Khi có nhà hảo tâm đến trường tặng học bổng thì cô học sinh nghèo này thường có phần. “Em có điều kiện đến trường một phần là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của thầy cô cả về vật chất lẫn tinh thần. Em cố gắng học tốt để thầy cô vui lòng”, Kiều Tiên chia sẻ.

Qua 5 năm đi vào hoạt động, mô hình “Chi bộ nhận đỡ đầu học sinh” của Trường Tiểu học Trần Quang Diệu đã trực tiếp đỡ đầu, hỗ trợ cho nhiều học sinh nghèo. Sự quan tâm, giúp đỡ của thầy cô chính là điểm tựa niềm tin và là động lực để các em vượt qua khó khăn, cố gắng theo đuổi con đường học vấn. Theo thầy Khiêm, mô hình được triển khai có hiệu quả là một trong những yếu tố giúp cho trường không có tình trạng học sinh bỏ học trong 2 năm học gần đây.

Hơn hết, từ mô hình này đã tôn vinh thêm hình ảnh cao quý của người thầy, người cô luôn hết lòng, hết sức, tận tụy chăm lo cho học trò. Với họ, nghề giáo không chỉ giúp cho học sinh biết đọc, biết viết, mở mang thêm kiến thức mà còn có trách nhiệm đồng hành để dìu dắt, nâng đỡ cho học sinh thân yêu vượt qua khó khăn trong cuộc sống...

Với ý nghĩa đó nên thầy Khiêm quả quyết khi nào trường vẫn còn học sinh nghèo thì mô hình “Chi bộ nhận đỡ đầu học sinh” vẫn còn tồn tại...

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>