Cổ vũ thêm việc học và làm theo gương Bác

22/01/2018 | 10:39 GMT+7

Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2017 (cuộc thi) do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã khép lại nhưng dư âm vẫn còn đọng lại trong lòng nhiều người, nhất là các tác giả có tác phẩm dự thi. Bởi lẽ, mỗi tác phẩm dự thi là “đứa con” tinh thần và là tấm lòng kính trọng, yêu thương mà các tác giả dành cho Bác.

Ông Phan Minh Chiến (thứ 3 từ phải sang), Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trao giải nhì cho các tác giả tại cuộc thi.

Hễ rảnh rỗi là nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Phân hội phó Phân hội Âm nhạc, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, lại dạo đàn và hát vang bài hát “Học gương Bác, học làm người” do mình sáng tác. Đây cũng là tác phẩm đoạt giải nhất thể loại âm nhạc tại cuộc thi.

“Tôi viết bài hát này là để động viên mọi người nên học tập và làm theo Bác một cách thiết thực nhất. Tôi phải nghiền ngẫm rất nhiều để viết được tác phẩm này”.

Dù chỉ gói gọn trong một bài nhạc, nhưng ở đó người ta thấy được nhiều thông điệp ý nghĩa gắn liền với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là học về tư tưởng yêu nước và quyết tâm bảo vệ đất nước: “Học gương Bác lòng yêu nước nồng nàn, không gì quý hơn độc lập, tự do. Một tấc đất, tấc biển không rời, non sông bờ cõi muôn đời Việt Nam”; học về đạo đức: “Học gương Bác bình dị sáng trong, yêu thương con người, đồng bào, đồng chí, cùng chân lý mình vì mọi người, suốt cuộc đời không một chút riêng tư”; và học về phong cách liêm chính, thanh cao: “Học gương Bác cần, kiệm, thanh liêm, khiêm tốn, nêu gương, nói đi đôi với làm…”.    

Tác giả cũng tự vấn bản thân mình và nhắc nhở mỗi người: “Ai ơi! Có bao giờ tự hỏi lòng đã làm điều gì trái với Bác không? Và ai ơi có bao giờ thẹn với lòng khi những lần suy tính, so đo”. Rồi cũng không quên khuyến khích: “Học gương Bác là học suốt đời, học làm người, nhiều điều tốt, mọi điều hay, và ngày mai đứng trước di ảnh Người ta thấy trong lòng thanh thản trong sạch”.

Giai điệu ngọt ngào và ca từ sâu sắc, dễ đi vào lòng người của bài hát khiến tâm hồn của người nghe như bình tâm nhìn lại để nhận ra bản thân đã học và làm được gì theo gương Bác từ tác phẩm đoạt giải cao này.

Với nhiều ý nghĩa như vậy nên bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc được Đảng ủy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn phổ biến cho các chi bộ hát trong các cuộc họp hàng tháng và tổ chức hẳn cuộc thi hát bài hát “Học gương Bác, học làm người” trong Đảng bộ. Đây cũng là cách làm hay để nâng cao chất lượng việc học tập và và làm theo Bác trong toàn Đảng bộ Sở.

Còn tác phẩm “Nơi ấy có một tấm lòng” (giải nhì thể loại phóng sự truyền hình) của phóng viên (PV) Ngọc Trân, Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang, cũng được đánh giá cao khi nói về một sư cô ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, đang cưu mang 6 đứa trẻ mồ côi.

“Qua tiếp xúc, trao đổi, tôi vô cùng cảm phục việc làm thiện nguyện của sư cô. Tôi muốn phản ánh gương điển hình này trên sóng truyền hình để tạo sự lan tỏa về lòng yêu thương giữa người với người theo lời Bác Hồ đã dạy”, PV Ngọc Trân bộc bạch.

Tại buổi trao thưởng cho các tác giả đoạt giải, mọi người cũng không khỏi ấn tượng với cô học sinh lên nhận giải nhì thể loại báo viết. Đó là em Trương Hoàng Minh Châu, ở phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, với tác phẩm “Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trẻ em giúp người cao tuổi”.

Tác giả cũng chính là chủ nhiệm câu lạc bộ ấy. Yếu tố người thật việc thật ấy đã giúp tác phẩm được đánh giá cao. Được biết, Câu lạc bộ Trẻ em giúp người cao tuổi phường Hiệp Thành được thành lập ngày 19-10-2014. Sau 3 năm hoạt động, đã tổ chức được 35 đợt đi thăm hỏi, tặng quà cho 475 cụ già có hoàn cảnh khó khăn.

Dù ở thể loại nào thì các tác phẩm dự thi cũng đã phản ánh nổi bật gương người tốt, việc tốt trong học tập và làm theo gương Bác, góp phần cổ vũ, khuyến khích mọi người thực hiện tốt hơn Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Không ít tác phẩm được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đã có tác động lớn hơn trong nuôi dưỡng tâm hồn học và làm theo gương Bác cho nhiều người.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, công tác phát động, triển khai cuộc thi đã được sự quan tâm, đón nhận của hầu hết các huyện, thị, thành và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy nên đã động viên và tạo điều kiện tốt nhất để giới văn nghệ sĩ, phóng viên chuyên nghiệp và không chuyên, trong đó có người dân yêu thích văn nghệ tham gia sáng tác tác phẩm dự thi. Từ kết quả của cuộc thi đã góp phần động viên, cổ vũ đội ngũ văn, nghệ sĩ, nhà báo, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp; đầu tư trí tuệ, thời gian, ra sức tìm tòi, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị trên cơ sở khai thác truyền thống quê hương cách mạng, mảnh đất Hậu Giang anh hùng nhằm giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>