Cựu chiến binh xây dựng mô hình làm theo Bác

17/04/2020 | 07:43 GMT+7

Cụ thể hóa việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh (CCB) thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, đã thiết thực xây dựng mô hình “Hội viên CCB cần - kiệm trong tăng gia sản xuất” cùng giúp nhau vươn lên.

Vùng đất ruộng kém hiệu quả ngày nào của ông Sơn giờ đã thành mô hình VAC mang lại hiệu quả cao.

Ông Lê Quang Tuyến, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Cái Tắc, cho biết: “Mô hình nhằm giúp hội viên tận dụng diện tích đất và mặt nước có sẵn, để phát triển kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng (VAC). Thông qua đây, còn khơi dậy tính cần - kiệm trong sản xuất. Khi tham gia mô hình này, hội viên sẽ học cách tiết kiệm chi phí thức ăn trong chăn nuôi, trồng trọt”.

Theo đó, diện tích mặt nước sẽ được hướng dẫn nuôi cá tai tượng và sặc rằn. Do đây là loại cá dễ nuôi, nên ngoài sử dụng thức ăn công nghiệp giá rẻ để chế biến lại, người nuôi có thể tận dụng nguồn rau cải thừa xin ở chợ về làm thức ăn cho cá. Riêng phần diện tích đất hội viên sẽ trồng mít Thái. Mít là cây trồng dễ chăm sóc, trái khi đạt năng suất, được giá sẽ cho thu nhập cao, còn nếu trái không đạt cũng có thể làm thức ăn cho cá. Chưa dừng lại ở đó, mô hình còn tập trung hướng dẫn cho hội viên cách nuôi heo rừng. 

Đến thăm mô hình của vợ chồng hội viên CCB Thạch Sơn, 62 tuổi, ở ấp Long An, mới thấy được quyết tâm vươn lên làm giàu của người lính Cụ Hồ trong thời bình. Với ý chí vươn lên thoát nghèo, ông Sơn đã mạnh dạn cải tạo 7.000m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình VAC. Ông Sơn đã thực hiện được 4 ao nuôi thả gần 30.000 con cá tai tượng và sặc rằn, diện tích còn lại được tận dụng trồng hơn 450 cây mít Thái, làm khu chăn nuôi heo rừng.

Là người đầu tiên tham gia mô hình “Hội viên CCB cần - kiệm trong tăng gia sản xuất”, ông Sơn cho biết: “Với mô hình VAC này, khi chăn nuôi tôi có thể lấy phụ phẩm để bón cây và làm thức ăn cho cá ăn. Sau khi thu hoạch cá, tôi còn có thể lấy bùn ở các ao để sên lên các gốc cây, nhờ vậy mà cây tốt lắm không cần phải dùng đến phân bón hóa học. Nhờ vậy, chi phí trong quá trình chăn nuôi và trồng trọt đã giảm đi rất nhiều, nhờ vậy kinh tế gia đình khấm khá hơn trước”.

Khi nuôi cá để tiết kiệm chi phí, ông Sơn chỉ mua thức ăn công nghiệp với giá 9.000 đồng/kg, rồi chế biến lại bằng cách thêm mỡ mua từ các lò quay vào để thức ăn tăng độ đạm. Mỗi ngày, ông còn đi xin rau cải thừa ở các chợ về làm thức ăn cho cá và heo, tận dụng luôn mua mít sơ đen không bán được làm thức ăn cho cá.

Bà Huỳnh Ngọc Minh, 64 tuổi, CCB ở ấp Long An, tâm sự: “Tôi thấy mô hình do Hội CCB thị trấn xây dựng cho hội viên tham gia rất hiệu quả và thiết thực. Không chỉ giúp chúng tôi học được cách tăng gia sản xuất dựa trên điều kiện sẵn có, mà còn góp phần phát triển kinh tế gia đình hiệu quả nữa”. Gia đình bà Minh có gần 6.000m2 đất đang trồng mít và chanh, hiện Hội CCB thị trấn đã vận động bà tham gia mô hình “Hội viên CCB cần - kiệm tăng gia sản xuất” bằng hình thức kết hợp giữa trồng trọt với chăn nuôi.

Để đảm bảo đầu ra ổn định cho các hộ tham gia mô hình, Hội CCB thị trấn hiện đã tập hợp các thành viên trong mô hình để chuẩn bị cho ra mắt thành tổ hợp tác. Ông Lê Quang Tuyến, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Cái Tắc, đánh giá: “Sau một thời gian triển khai thực hiện, mô hình đã có 4 thành viên tham gia, số lượng chưa nhiều, nhưng chất lượng nâng lên thấy rõ. Nhằm đảm bảo cho hội viên tham gia mô hình sản xuất tập trung, dự kiến trong tháng 4 này, nếu ngành chức năng cho phép thực hiện các hoạt động hội họp, tôi sẽ tập hợp hội viên để cho ra mắt tổ hợp tác, tiếp tục tuyên truyền trong hội viên để vận động thêm CCB cùng tham gia mô hình”.

Bám sát điều kiện thực tế và nhu cầu của hội viên, mô hình “Hội viên CCB cần - kiệm trong tăng gia sản xuất” tại thị trấn Cái Tắc không chỉ khơi gợi tính cần cù, ham học hỏi, tiết kiệm, hăng say trong lao động, góp phần giúp đời sống hội viên CCB nâng cao, phát triển hơn.

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>