Giáo dục học sinh về thực hành tiết kiệm, ý thức bảo vệ môi trường

29/08/2022 | 08:16 GMT+7

Cuối năm học 2021-2022, Chi bộ Trường THCS Lê Quí Đôn, thành phố Vị Thanh thực hiện mô hình học tập và làm theo gương Bác: “Đổi tập cũ, rác thải nhựa, nhận quà yêu thương, giờ trải nghiệm của Đội em”, bước đầu phát huy hiệu quả tích cực.

Học sinh Trường THCS Lê Quí Đôn thu gom đóng góp tập cũ đổi lấy phiếu nhận quà.

Bà Bạch Thị Duy Liên, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quí Đôn, cho biết, thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, xuất phát từ thực tiễn số lượng học sinh sử dụng chai nhựa, tập viết ngày càng nhiều mà các loại nhựa và giấy viết có thể tái chế được. Do đó, Chi bộ trường thực hiện mô hình “Đổi tập cũ, rác thải nhựa, nhận quà yêu thương, giờ trải nghiệm của Đội em”.

Mục đích nhằm nâng cao ý thức của học sinh trong việc thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hồ vĩ đại; đồng thời, để các em hiểu được vai trò, ý nghĩa của công tác bảo vệ môi trường, từ đó có hành động đẹp góp phần xây dựng môi trường sống sạch, đẹp hơn. Thực hiện mô hình này, nhà trường vận động học sinh thu gom đóng góp tập cũ. Học sinh đóng góp 1kg tập cũ sẽ nhận được 1 phiếu nhận quà và quay thưởng để lấy quà gồm: tập, đường, cục gom, viết chì, viết mực.

Trong số tập cũ do học sinh đóng góp, phần tập trắng sẽ được tập hợp, đóng lại thành quyển tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; phần tập đã viết được đem bán, số tiền bán giấy chia thành 2 phần: Một phần sử dụng để mua quà tặng cho học sinh có phiếu nhận quà, phần còn lại tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học.

Cô Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng phụ trách đội Trường THCS Lê Quí Đôn, cho rằng: “Thông qua mô hình này nhằm rèn luyện cho học sinh đức tính tiết kiệm theo gương Bác, biết tận dụng, tái chế lại tập cũ để làm những việc có ý nghĩa. Chưa hết, từ việc mình làm, các em còn được nhận quà, món quà như là sự động viên, khuyến khích để các em làm thêm những việc có ích cho người khác, cho xã hội”.

Cũng theo cô Giang, mô hình nhận được sự tham gia, hưởng ứng của nhiều học sinh, các em hăng hái, tự nguyện thu gom đóng góp tập cũ. Điều đó cho thấy mô hình có sức lan tỏa, góp phần nhân lên suy nghĩ và hành động đẹp trong học sinh của trường. Kết quả, mô hình đã nhận được 500kg tập cũ do học sinh đóng góp, trong đó có 150kg tập trắng được đóng cuốn tặng cho học sinh nghèo và 350kg tập đã viết bán được số tiền 700.000 đồng.

Em Huỳnh Nguyễn Thảo Ngân, học sinh lớp 6A2, chia sẻ: “Tập cũ nếu bỏ đi thì rất lãng phí, thậm chí nếu vứt lung tung sẽ gây ô nhiễm môi trường. Do đó, em thu gom lại và đem tham gia mô hình do trường phát động. Việc làm này góp phần giúp đỡ cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn, còn bản thân em cũng nhận được quà. Em thấy mô hình này không chỉ ý nghĩa mà còn tạo niềm vui trong học tập. Vậy nên, em vận động các bạn trong lớp cùng nhau thực hiện mô hình, tạo ý thức chung cho tất cả mọi người”.

Vào đầu năm học 2022-2023 tới đây, Chi bộ Trường THCS Lê Quí Đôn sẽ phát động cho học sinh thu gom các loại chai nhựa đã qua sử dụng. Các em có thể thu gom chai nhựa trong trường và ở gia đình, mỗi ký chai nhựa thu gom được sẽ nhận 1 phiếu quà và quay thưởng nhận quà giống như hình thức thu gom tập cũ. Chai nhựa do các em thu gom sẽ được tái chế thành bình bông, chậu cây trang trí trong lớp học; số không tái chế được sẽ bán lấy tiền trao thưởng cho học sinh có phiếu nhận quà và tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học.

Cô Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng phụ trách đội Trường THCS Lê Quí Đôn, chia sẻ: “Việc phát động cho học sinh thu gom chai nhựa đã qua sử dụng để đổi lấy quà nhằm khuyến khích, giáo dục, rèn luyện các em có ý thức bảo vệ môi trường, không chỉ trong trường học mà còn ở ngoài nhà trường. Chúng tôi còn định hướng, mỗi học sinh sẽ là một tuyên truyền viên tới phụ huynh và xã hội cùng chung tay phòng, chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường”.

Dù chỉ là những việc đơn giản như thu gom tập cũ, chai nhựa để đổi lấy quà nhưng mô hình do Chi bộ Trường THCS Lê Quí Đôn phát động rất có ý nghĩa vì đã góp phần giáo dục, rèn luyện để học sinh thực hành tiết kiệm từ việc thu gom tập cũ và ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc thu gom chai nhựa đã qua sử dụng. Với ý nghĩa như vậy, mô hình này rất cần được nhân rộng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>