Giao lưu điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực Nam Bộ

19/04/2017 | 14:25 GMT+7

Tối 18-4, tại thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức buổi giao lưu điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cụm số 4 gồm 19 tỉnh, thành khu vực Nam bộ năm 2017.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo 19 tỉnh, thành phía Nam, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng đông đảo người dân trong tỉnh trực tiếp đến theo dõi buổi giao lưu.

Buổi giao lưu là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tăng cường tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Các điển hình tiêu biểu tham gia buổi giao lưu.

Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Mai Văn Ninh, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta, là tấm gương sáng để mỗi người Việt Nam học tập và noi theo. Việc học tập và làm theo Bác là tình cảm thiêng liêng của mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân ta đối với Bác Hồ kính yêu. Theo đó, ông Ninh đánh giá, những gương điển hình tiêu biểu giao lưu hôm nay là minh chứng sống động, khẳng định đầy sức thuyết phục việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết, có hiệu quả.

Tại buổi giao lưu, 5 gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam được giới thiệu đã thực sự làm nức lòng những người theo dõi tại hội trường. Đó là tấm gương ông Trần Hữu Hậu, Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) đã luôn đi trước, tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành nhằm xây dựng hệ thống làm việc chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả thực hiện cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính nhà nước tại thành phố Tây Ninh. Nhờ đó, đã tạo được sự tiện lợi, tránh phiền hà, hỗ trợ giải quyết nhanh chóng thủ tục cho người dân, tổ chức khi đến các cơ quan công quyền thực hiện các giao dịch hành chính, đồng thời tạo sự chuyển biến rõ nét trong lề lối làm việc của cán bộ, công chức tại thành phố Tây Ninh.

Bằng những việc làm thiết thực, anh Trần Tấn Phú, ấp trưởng ấp Thiên Tuế, xã Lại Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) và Sư cô Thích nữ Lệ Viên, trụ trì chùa Phổ Giác (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) đã giúp đỡ được rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn cũng như tạo sự nhất trí, làm theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, bằng hình thức cho vay xoay vòng, không tính lãi, hàng năm anh Phú cho từ 5 đến 7 hộ gia đình khó khăn vay từ 20 đến 100 triệu đồng để phát triển kinh tế đã giúp các hộ này vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Bản thân anh Phú còn tích cực phát triển kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm cho gần 100 người trong khu vực, tích cực đóng góp vào quỹ hỗ trợ người nghèo, tích cực tham gia phong trào xây dựng xóm, ấp văn minh. Còn Sư cô Thích nữ Lệ Viên luôn tích cực vận động bà con phật tử chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, vận động hàng chục hộ dân hiến đất làm đường, kêu gọi nhà hảo tâm đóng góp xây 9 cây cầu nông thôn, khoan trên 60 giếng nước, hỗ trợ xây dựng 10 căn nhà tình thương, phát hơn 6.000 suất quà, hơn 100 suất học bổng… nên được người dân trong vùng rất quý trọng, nghe theo.

Câu chuyện về công dân trẻ Nguyễn Dương Kim Hảo (quê ở Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đang theo học lớp 10 ở thành phố Hồ Chí Minh đam mê tin học, điện tử từ nhỏ với nhiều sáng chế hữu ích làm nức lòng lớp trẻ. Ngay từ khi còn lớp 3, Hảo đã mày mò, tìm hiểu và xây dựng được phần mềm cộng điểm, rất thuận lợi khi tính điểm cho học sinh. Với khả năng quan sát, luôn tìm cách giải quyết các vấn đề, khó khăn từ cuộc sống, đến nay Hảo đã phát minh, sáng chế ra những thiết bị, phần mềm có giá trị như: chiếc máy tính hóa học bỏ túi giúp dễ dàng tìm kiếm phương trình hóa học bằng chất tham gia, hay bảng điều khiển thông minh giúp dễ dàng điều khiển các thiết bị điện trong gia đình từ xa thông qua máy tính, điện thoại.
Còn Trung tá Hoàng Trọng Hiệp, Phó Trạm trưởng Trạm Biên phòng Bến Đá (Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), trong hơn 10 năm (từ 2005-7/2016) làm trinh sát đặc nhiệm của Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm của Biên phòng tỉnh luôn mưu trí, dũng cảm, kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, vượt qua mọi hiểm nguy, khó khăn đấu tranh thành công 12 chuyên án, 128 vụ án, qua đó bắt 219 đối tượng.

Những tấm gương người tốt, việc tốt trong cuộc sống thường ngày trên đã thực sự có tác động và sự lan tỏa rất lớn trong toàn xã hội góp phần có thêm nhiều tập thể, cá nhân học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giúp cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Theo TTXVN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>