Học Bác ở chữ “liêm”

07/03/2018 | 08:17 GMT+7

Những ngày đầu tháng 3 này, Công an tỉnh tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh có 6 điều dạy công an nhân dân, qua đó, cũng báo công dâng Bác những thành tích mà lực lượng đạt được. Góp phần vào thành tích đó có những cán bộ tiêu biểu trong việc thực hiện chữ “liêm” mà Bác đã dạy.

Không chỉ liêm khiết trong công việc, thượng úy Sa (ngồi) còn tận tình giúp đỡ đồng nghiệp.

Đã nhiều năm qua, cứ gần đến ngày kỷ niệm này là thượng úy Võ Trường Sa, cán bộ Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Phụng Hiệp, tự soi rọi lại mình đã làm được gì từ 6 điều Bác dạy nhằm chấn chỉnh, uốn nắn. Với anh, 6 điều Bác dạy thì điều nào cũng là kim chỉ nam soi đường để bản thân thực hiện nhiệm vụ, hoàn thiện mình.

Vào ngành từ năm 2008 đến nay, trải qua nhiều bộ phận công tác như Đội cảnh sát giao thông và trật tự cơ động; Công an xã Tân Bình; Đội điều tra tổng hợp,… và dù ở vị trí nào anh cũng luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Đã khoác lên mình chiếc áo công an nhân dân thì phải làm sao cho xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân và với 6 điều Bác Hồ dạy”, thượng úy Sa cho biết.

Minh chứng lời nói đó, thượng úy Sa thông tin, công tác khoảng 10 năm, anh có khoảng 10 lần không nhận hối lộ của người dân.

Cách đây không lâu, trong một lần thụ lý vụ án giao cấu với trẻ em, sau khi nắm thông tin từ hai phía thì mẹ bị hại đưa 1 triệu đồng với mong muốn… hỗ trợ anh mua card điện thoại và uống nước, nhưng thượng úy Sa từ chối. Thế nhưng, đến chiều, thượng úy Sa thấy số tiền trên ở một góc bàn làm việc của mình.

Biết là tiền của người nhà bị hại để lại nên anh trình báo với lãnh đạo sự việc; sau đó mời người nhà bị hại lên để trả lại số tiền. “Bản thân không cho phép mình nhận tiền đó”, thượng úy Sa giải thích.

Hay vụ một số đối tượng đá gà ở xã Tân Bình hối lộ với số tiền khá lớn sau khi bị phát hiện nhưng anh không nhận.

Chuyện là cách đây hơn 1 năm, khi còn làm Phó trưởng Công an xã Tân Bình, trong một lần cùng với đồng nghiệp triệt phá vụ đá gà trên địa bàn thì một đối tượng cầm cọc tiền nhét vào túi quần với mong muốn được bỏ qua, tuy nhiên anh đã trả lại, đồng thời thực hiện xử phạt theo quy định.

Đó là hai trong rất nhiều trường hợp anh không nhận hối lộ của người dân. Và cũng ngần ấy anh được Công an huyện Phụng Hiệp, Công an tỉnh khen thưởng; với anh Sa, phần khen mà anh cảm thấy vinh dự nhất chính là lương tâm mình luôn được thanh thản.  Thượng úy Sa cho biết: “Người ta sai mà còn đưa hối lộ thì sai gấp đôi. Mình là cơ quan thực thi pháp luật tiếp tay cho cái sai thì sao xứng đáng với vị trí, nhiệm vụ?”.

Trong công việc là vậy, còn quan hệ với đồng nghiệp, thượng úy Sa luôn hòa đồng, chia sẻ và giúp đỡ những lúc khó khăn. Anh xem đó như là trách nhiệm của mình trong tập thể. Với tinh thần làm việc hết mình vì tập thể, thượng úy Sa luôn được lãnh đạo đội tin tưởng giao nhiệm vụ giúp đỡ, hướng dẫn nghiệp vụ cho nhiều chiến sĩ trẻ mới vào ngành.

Nhận xét về anh, một cán bộ Đội điều tra tổng hợp cho biết: “Ban chỉ huy đội hoàn toàn an tâm về đạo đức và tính chuyên nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ của thượng úy Sa. Những phần việc mà Sa làm theo lời Bác dạy đều được thể hiện bằng những hành động cụ thể, hiệu quả. Thượng úy Sa là một tấm gương để những chiến sĩ trẻ trong đơn vị noi theo”. 

Thượng úy Võ Văn Khiêm, Phó Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông và trật tự cơ động Công an huyện Vị Thủy, cũng là một trong những gương tiêu biểu vì đã thực hiện tốt việc học tập, làm theo lời Bác. “Chữ “liêm” mà Bác dạy đối với tôi chính là trong sạch, làm đúng phận sự; và với tôi còn phải giúp đỡ người dân thượng tôn pháp luật, nâng cao ý thức khi tham gia giao thông”, thượng úy Khiêm tâm sự.

Thượng úy Võ Văn Khiêm luôn hết lòng với công việc.

Một lãnh đạo Công an huyện Vị Thủy kể, rất nhiều người khi vi phạm Luật Giao thông đường bộ đã đưa hối lộ để được bỏ qua. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, thượng úy Khiêm đều thực hiện đúng quy định. Khi lập biên bản lỗi vi phạm giao thông, Khiêm vừa nhẹ nhàng giải thích, vừa tuyên truyền cho người vi phạm hiểu. Đối với những người vi phạm giao thông cố tình đưa hối lộ, Khiêm giải thích quy định về xử phạt đối với hành vi này, nếu vẫn còn tiếp tục không chấp hành thì kiên quyết lập biên bản.

Tính đến nay, thượng úy Khiêm có khoảng 10 lần không nhận hối lộ của người dân, với số tiền trên 7,5 triệu đồng.

Cách đây không lâu, trong một lần tuần tra, đội phát hiện một xe gắn máy chạy quá tốc độ, Khiêm ra tín hiệu dừng xe và thông báo với người vi phạm biết là chạy quá tốc độ. Liền sau đó, người này lấy 300.000 đồng kẹp vào hồ sơ với muốn được bỏ qua.

Thấy vậy, Khiêm cho biết là không bao giờ nhận tiền của người dân. Thế nhưng, người này vẫn kiên quyết đưa; một lần nữa thượng úy Khiêm kiên quyết không nhận và thông báo nếu như thế sẽ lập biên bản và xử lý hành vi đưa hối lộ. Tưởng người này dừng lại, nhưng vẫn tiếp tục đưa tiền, sau đó thượng úy Khiêm lập biên bản và xử phạt hành vi đưa hối lộ.

Hay trong một lần khác khi còn ở tổ đăng ký xe, một người đến đăng ký với mong muốn có biển số đẹp nên đã kẹp 1 triệu đồng vào hồ sơ. Khi kiểm tra hồ sơ thì phát hiện số tiền trên, Khiêm trả lại số tiền cho… chính chủ. “Những hành động tôi làm cũng vì Nhân dân. Không vì lợi ích riêng tư mà ảnh hưởng đến hình ảnh của người công an, tập thể. Vả lại, tôi chỉ thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ, quy định”, thượng úy Khiêm giải thích.

Nói về cuộc sống, được biết gia đình còn nhiều khó khăn, hàng tháng thượng úy Khiêm vừa trang trải cuộc sống còn phải gởi tiền về quê giúp cha mẹ. Dù vậy, Khiêm tự nhủ không vì khó khăn mà để người khác dùng đồng tiền mua chuộc.

“Nhiều người cứ nghĩ đưa tiền thì sẽ được bỏ qua, nếu chúng tôi tiếp tay cho họ thì ý thức khi tham gia giao thông của một số người sẽ không bao giờ được cải thiện. Điều chúng tôi mong muốn là mọi người ý thức được hành vi vi phạm của mình và thực hiện đúng Luật Giao thông đường bộ. Tôi hy vọng mọi người có cái nhìn thiện cảm hơn với lực lượng cảnh sát giao thông”.

Với đức tính liêm khiết của thượng úy Khiêm, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã học hỏi nhiều từ anh. Trung úy Trầm Phước Lạm, cán bộ Đội cảnh sát giao thông và trật ự cơ động Công an huyện Vị Thủy, cho biết: “Tôi học được ở anh nhiều điều về sự liêm khiết, kiên quyết không nhận hối lộ. Trong đơn vị, anh luôn là cán bộ gương mẫu, tận tình giúp đỡ chiến sĩ mới”. 

Học tập và làm theo 6 điều Bác dạy, những cán bộ nói trên đã trở thành những tấm gương sáng cho nhiều người học tập, noi theo...

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>