Học Bác từ nhận thức đến hành động

10/02/2017 | 07:44 GMT+7

Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn được đông đảo người dân huyện Phụng Hiệp hưởng ứng. Bằng cách này hay cách khác mà mỗi người đã chọn cho mình một việc làm có ý nghĩa thiết thực để thể hiện lòng yêu quý, tôn kính đối với tấm gương đạo đức của Người.

Vợ chồng ông Triệu luôn tìm thấy niềm vui khi được san sẻ khó khăn với người nghèo.

Thời gian gần đây, trên địa bàn ấp 3, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, nhiều nông dân đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng sen bán gương. Đây là mô hình mới nhưng đã góp phần mang lại thu nhập cao cho người dân. Ông Trần Văn Nhã, ở ấp 3, xã Hòa Mỹ, phấn khởi cho biết: “Nhờ trồng sen mà những năm gần đây cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn trước. Không chỉ riêng tôi, mà nhiều hộ dân trong ấp cũng tăng thu nhập nhờ mô hình này”.

Gia đình ông Nhã vốn thuộc diện nghèo. Nhà có 3 công đất trồng lúa nhưng do đất trũng nên năng suất không cao, lúc trước cuộc sống gia đình ông khó khăn chồng chất. Cách nay 5 năm, qua sự giới thiệu, hướng dẫn của cán bộ Chi hội Nông dân ấp, ông tiếp cận với mô hình trồng sen trên đất ruộng. Năm đầu tiên, với 3 công sen, ông thu lợi nhuận trên 20 triệu đồng. Nhận thấy trồng sen có hiệu quả kinh tế cao nên gia đình ông thuê thêm 5 công đất nữa để mở rộng mô hình. Hiện nay, với 8 công sen, gia đình ông thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng/năm. Từ đồng vốn tích lũy, ông Nhã tiếp tục thuê thêm 3 công đất để trồng cam. Hiện tại, vườn cam của gia đình ông bắt đầu cho trái chiếng, hứa hẹn những vụ sau sẽ có thêm thu nhập khá từ vườn cam.

Hiện nay, với mỗi kg gương sen thu mua tại rẫy giá 12.000 đồng. Trung bình mỗi công sen người dân có thể thu lợi nhuận từ trên 10 triệu đồng/năm. Nhận thấy trồng sen có được thu nhập ổn định và lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa, nên nhiều hộ đã nhân rộng mô hình. Toàn ấp 3, xã Hòa Mỹ hiện có đến 15ha diện tích trồng sen.

Ông Nhã chia sẻ: “Qua tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi nhận thấy việc học tập và làm theo Bác là điều rất cần thiết. Là nông dân, tôi luôn phấn đấu phát triển kinh tế gia đình để góp phần làm giàu cho gia đình và xã hội. Đồng thời khắc ghi lời dạy của Bác, nông dân chúng tôi luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau thi đua phát triển kinh tế. Thực tế là khi tôi thành công với mô hình trồng sen, tôi đã chủ động rủ thêm một số hộ lân cận thực hiện. Rất mừng vì hiện nay nhiều hộ có được cuộc sống tốt hơn nhờ trồng sen như tôi”.

Lâu nay, vợ chồng ông Lê Văn Triệu, bà Phạm Thị Hồng Hạnh được nhiều người biết đến là gia đình tiêu biểu trong công tác từ thiện giúp người ở ấp Long Hòa A1, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp. Từng trải qua cuộc sống nghèo khó, vợ chồng ông luôn thấu hiểu được những khó khăn của các gia đình nghèo. Do vậy nhiều năm nay, vợ chồng bà Hạnh thường xuyên làm việc từ thiện, giúp đỡ cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh neo đơn, cơ nhỡ trong và ngoài huyện. Theo chia sẻ thì đó cũng là việc làm thiết thực thể hiện tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà gia đình bà đã làm được trong nhiều năm qua.

Bà Hạnh nói: “Tấm gương đạo đức của Bác thì từ lâu mỗi người chúng ta ai cũng biết. Gia đình chúng tôi học tập Bác ở tình yêu thương và chia sẻ những khó khăn đối với những phận đời kém may mắn hơn mình. Đối với tôi, giúp đỡ người khác không cần phải giàu tiền của mới làm được, mà quan trọng là xuất phát từ tấm lòng, từ sự đồng cảm”.

Hàng chục năm nay, gia đình bà Hạnh mưu sinh bằng nghề làm đậu hũ. Hàng ngày, thu nhập của gia đình cũng chỉ vài trăm ngàn đồng. Nhờ biết tính toán chi tiêu hợp lý nên cuộc sống gia đình cũng khá thoải mái. Hiện nay, cả 4 người con của ông bà đều thành đạt, có việc làm ổn định. Hàng năm, gia đình bà thường tổ chức tặng quà tết cho hộ nghèo; mỗi dịp tựu trường bà mua tập, quần áo cho trẻ em khó khăn; đều đặn mỗi ngày bà còn hỗ trợ 40 miếng đậu hũ và 10.000 đồng cho bếp ăn từ thiện của Bệnh viện Châu Thành (do bà đã cho nhiều năm - PV).

“Nghe ai giới thiệu hoặc thấy hoàn cảnh nào cần giúp đỡ thì tôi giúp. Đối với tôi, nhiều ít không quan trọng, mà tùy vào hoàn cảnh, tùy khả năng của mình có bao nhiêu mình giúp bấy nhiêu. Giờ đây, các con tôi có thu nhập riêng ổn định nên mỗi khi có hoàn cảnh nào cần giúp đỡ nhiều hoặc các dịp lễ, tết, vợ chồng tôi rủ rê, động viên các con cùng đóng góp để giúp đỡ. Nói chung giờ đây, đối với mỗi thành viên trong gia đình tôi thì công việc từ thiện giúp người đã trở thành thường xuyên và không thể dừng lại”, bà Hạnh cho biết thêm.

Đặc biệt, khoảng vài tháng trở lại đây, mỗi buổi sáng ông Triệu đều ra chợ tìm mua những loại thủy sản chưa đến độ tuổi khai thác để thả về sông. Ban đầu nhiều người xung quanh tỏ vẻ nghi ngờ và có thái độ chê bai đối với việc làm này của ông. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì hiện nay nhiều người cũng rất ủng hộ việc làm của ông Triệu.

“Trước đây, vào các dịp rằm lớn tôi thường thả cá phóng sanh. Thời gian gần đây, tôi thấy người dân mình đang khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản tự nhiên, mỗi khi ra chợ tôi đều thấy có rất nhiều loại cá, lươn... còn rất nhỏ bị bắt bán, với đà này không bao lâu nữa nguồn lợi thủy sản tự nhiên sẽ bị tận diệt. Do vậy, mỗi ngày tôi đều tìm mua lại những loại cá con còn sống để thả về môi trường tự nhiên, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, ông Triệu tiết lộ.

Thực tế cho thấy, qua những điển hình như ông Nhã hay gia đình ông Triệu thì việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không khó. Quan trọng hơn hết đó là mỗi người phải nhận thức được tấm gương đạo đức của Bác đó là chuẩn mực chung về đạo đức người Việt. Mỗi người phải tự nhận thấy những điều tốt đẹp từ Bác để soi rọi, đối chiếu lại bản thân mình. Từ đó chúng ta tự ý thức phải học tập và làm theo Người để khắc phục những hạn chế, thiếu sót, đồng thời phát huy những điểm tích cực sẵn có của mình để bản thân ngày càng hoàn thiện hơn về tư tưởng, nhân cách, đạo đức và lối sống.

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>