Hội thảo nhiều ý nghĩa

15/05/2017 | 08:01 GMT+7

Trường Chính trị tỉnh vừa tổ chức thành công Hội thảo khoa học Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây là diễn đàn thật sự bổ ích để giúp nhiều người có nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hội thảo khoa học do Trường Chính trị tỉnh tổ chức là diễn đàn bổ ích để giúp mọi người có nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

Các đại biểu tham gia tham luận hôm ấy có người đang công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, có người là giảng viên của Trường Chính trị tỉnh từng nhiều năm nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhưng cũng có người là học viên lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Không phân biệt tuổi tác và sự… vênh nhau về nhận thức, chuyên môn, họ đến hội thảo khoa học này với hành trang là niềm tin yêu vô bờ bến dành cho Bác Hồ, cùng những kiến thức, hiểu biết trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi và sự suy ngẫm của bản thân về giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - tài sản quý giá mà cả dân tộc ta đang học tập và làm theo.

Cần thực hiện tốt Chỉ thị 05

Trong bài tham luận Nghĩ về thuyết “chính danh” của Khổng Tử và chữ “chính” trong tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, ông Đào Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết, chữ “chính” trong tư tưởng của Bác là sự tiếp thu những cái tinh túy, cái thiện và phát triển chữ “chính” từ tư tưởng nho giáo của Khổng Tử. Người định nghĩa: “Chính” nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Nội dung chữ “chính” của Bác có cả những điều trong chữ “chính” của tinh hoa văn hóa của nhân loại: Nhân loại luôn có xu hướng hướng thiện, hướng tới cái “chính”, không chấp nhận cái tà, cái ác. Thực hiện chữ “chính” theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải bắt đầu từ cái tâm và phải là sự tu dưỡng bền bỉ suốt đời.

Ông Liêm cho rằng, việc tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian qua là rộng rãi, thường xuyên, liên tục. Nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều mô hình hay, cách làm tốt được tuyên dương, điển hình, khen thưởng ở các cấp. Tuy nhiên, trong phạm vi chữ “chính”, bên cạnh những con người chân chính, mẫu mực, đang tận tâm, tận lực phục vụ cho đất nước, cho nhân dân thì cũng còn một bộ phận không nhỏ những người chưa “chính” ở các góc độ khác nhau… “Danh” và “thực” còn có khoảng cách khá xa; bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính nói chung, đức “chính” nói riêng đang đứng trước những thách thức không nhỏ, thậm chí Nghị quyết của Đảng đã coi sự xuống cấp về đạo đức, phẩm chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên như một sự đe dọa cho tồn vong của chế độ. Cho nên, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cần khẩn trương tiến hành đồng bộ, nghiêm túc và phải xem đây là công việc thường xuyên, lâu dài, bền bỉ; là cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, cái tiến bộ và cái lạc hậu,… tạo điều kiện làm trong sạch nội bộ, góp phần xây dựng thành công một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Với tham luận Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, “không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao”, ông Nguyễn Hoàn Hải, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin - Tư liệu, Trường Chính trị tỉnh, cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị trong cán bộ hiện nay là do bản thân cán bộ thiếu học tập lý luận chính trị, sa vào chủ nghĩa cá nhân, xa rời mục đích, lý tưởng của Đảng; không có động lực làm việc và chưa thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng. Để phòng, chống tình trạng này cần phải đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cụ thể là tăng cường học tập lý luận chính trị; luôn hết lòng thương yêu, quý trọng, phục vụ nhân dân; xây dựng và nâng cao ý chí, nghị lực, tinh thần to lớn vượt qua mọi thử thách, khó khăn để đạt mục đích.

Trăn trở với sự suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên

Phát biểu tham luận tại hội thảo, học viên Bùi Thị Hồng Điệp, lớp trung cấp lý luận - hành chính khóa 79, Trường Chính trị tỉnh, cho rằng, hiện nay đã xuất hiện tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức, lối sống, tình trạng tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với tính chất nghiêm trọng và chưa được đẩy lùi.

Còn trong bài tham luận Học tập phong cách và vấn đề đổi mới phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn hiện nay, ông Hoàng Phi Giàu, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh, đánh giá có một số ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền còn biểu hiện quan liêu, chuyên quyền, độc đoán, coi thường tính Đảng, tính nguyên tắc, tính khoa học công việc. Tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo đang tồn tại ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, mà biểu hiện rõ nhất là ở vấn đề nói và thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay, học viên Bùi Thị Hồng Điệp nêu ra một số giải pháp như tăng cường việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kết hợp với công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Các tổ chức đảng cần phải có sự kiểm điểm, đánh giá trung thực, sát với 27 biểu hiện mà Nghị quyết số 04 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã nêu ra. Đẩy mạnh công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt cơ quan, đơn vị. Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các cấp ủy đảng; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tốt dân chủ trong sinh hoạt của tổ chức và hoạt động của các cơ quan đảng, hệ thống chính trị…

Có thể thấy, mỗi tham luận tại hội thảo khoa học do Trường Chính trị tỉnh tổ chức nêu lên những chủ đề khác nhau, nhưng đều khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn của việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Và thực tế đã chứng minh, muốn xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, muốn phát triển đất nước sánh ngang cùng bè bạn năm châu thì hơn hết Đảng ta, nhân dân ta cần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách nghiêm túc và có hiệu quả nhất.

TRƯỜNG SƠN lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>