Nghị lực của người thương binh 81 tuổi

22/11/2017 | 08:06 GMT+7

Đã ở tuổi xưa nay hiếm và dù vết thương năm xưa vẫn còn hành hạ mỗi lúc trái gió trở trời, nhưng ông Nguyễn Văn Phát, ở ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh luôn tích cực lao động sản xuất, để có cuộc sống ấm no, đúng như lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”!

Dù ở tuổi 81, nhưng ông Phát vẫn miệt mài lao động.

Ở ấp Thạnh Hòa 2, người dân biết đến ông Phát, thương binh 4/4 là tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi, luôn miệt mài lao động bên mảnh vườn, thửa ruộng. Không những thế ông còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào ở địa phương. Dù bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông vẫn rất hoạt bát, với nụ cười luôn thường trực trên môi. Ông Phát cho biết: “Đồng chí đồng đội ngày xưa còn mấy người đâu, không hy sinh ở chiến trường, cũng già yếu bệnh tật rồi qua đời. Mình còn sống thì phải cố gắng, góp phần phát triển quê hương, đất nước”. Nói rồi, ông kể về những năm tháng ác liệt của chiến tranh và những trận đòn roi mà ông phải gánh chịu khi bị giam ở nhà tù Rạch Giá và Chí Hòa.

Khi thấy giặc ngoại xâm giày xéo đất nước, áp bức đồng bào ta, ông Phát đã nung nấu ý chí đi theo cách mạng. Năm 1954, khi bị giặc bắt quân dịch, ông Phát cương quyết không chịu, ông đã tự chặt đứt ngón tay trỏ của mình. Sau khi vết thương lành lặn, ông tham gia hoạt động cách mạng ở đội diệt ác. Năm 1958, ông Phát bị địch bắt giam ở nhà tù Rạch Giá. Ở trong tù, ông phải chịu sự tra khảo ác liệt của quân địch. Ông Phát nhớ lại: “Bọn chúng đánh đập, ghim điện vào người, đổ nước vào miệng… Nhưng chúng tôi vẫn luôn kiên quyết một lòng với cách mạng”. Năm 1961, ông cùng những đồng chí, đồng đội phá khám, nhiều người đã chạy thoát nhưng ông cùng một số đồng chí khác đã bị bắt lại. Chúng chuyển ông lên nhà tù Chí Hòa, những trận đòn roi càng nặng nề hơn. Sau những lần tra tấn dã man, ông Phát đã bị gãy 3 cây xương sườn. Vì không khai thác được thông tin gì ở ông, nên sau một thời gian, chúng đành thả ông về.

Được thả về, ông tiếp tục tham gia địa phương quân ở huyện Long Mỹ. Đến năm 1965, trong trận đánh với địch ông bị thương ở chân, nên xin về quê nghỉ dưỡng sức. Trở về quê nhà, ông lập gia đình và tiếp tục công tác ở địa phương. Thời điểm đó, đất nước còn khó khăn, vợ chồng ông Phát làm ngày làm đêm mà vẫn không đủ ăn. Rồi các con ra đời, cuộc sống càng thêm chật vật. Song, với ý chí của người lính, ông Phát không ngại khó khăn, gian khổ, tiếp tục chiến đấu trên mặt trận kinh tế, quyết tâm vươn lên thoát cảnh đói nghèo. Những năm đầu, ông làm ruộng, nhưng mùa màng thất bát, rồi ông chuyển sang trồng mía. Sau bao năm cần cù, chịu thương chịu khó lao động, kinh tế gia đình ông dần cải thiện. Cách đây 2 năm, ông chuyển 4 công đất sang trồng cam, còn 5 công đất trồng mía và 7 công ruộng. Ông Phát chia sẻ: “Tôi luôn xem những lời dạy của Bác là kim chỉ nam trong cuộc sống, dù có khó khăn vất vả, song mình phải làm sao để vươn lên, xứng đáng với truyền thống của người Bộ đội Cụ Hồ”.

Ở tuổi 81 nhưng ông Phát luôn tích cực lao động. Trong sinh hoạt chi bộ ấp, cùng đoàn thể, ông luôn có nhiều ý kiến đóng góp cởi mở, chân thành, góp phần xây dựng Chi bộ ấp Thạnh Hòa 2 trong sạch vững mạnh, nội bộ đoàn kết, các phong trào thi đua được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ. Đặc biệt, ông đã mạnh dạn đứng ra tố giác một số người không phải là thương binh nhưng làm hồ sơ để hưởng chính sách thương binh. Chính hành động trung thực, thẳng thắn của ông đã giúp Đảng, Nhà nước và địa phương thực hiện tốt công tác chăm lo gia đình chính sách, tạo công bằng xã hội. Việc làm ấy đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tố giác hành vi vi phạm chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố Vị Thanh. Ông Phát chia sẻ rằng, ông làm những điều này là trách nhiệm của một đảng viên, của một công dân, chỉ để mong xã hội thêm đẹp.

Với nỗ lực không ngừng, ông Phát trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, được mọi người tin yêu, mến phục. Ông Phát phấn khởi nói: “Thực hiện lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, tôi đã nỗ lực để đưa gia đình thoát cảnh đói nghèo. Tôi còn học ở Người tính hay học hỏi, chăm chỉ lao động, đoàn kết, tiết kiệm, liêm chính, tích cực xây dựng Đảng…”.

Tuổi đời ngày một cao thêm, nhưng ông Phát cho biết sẽ luôn nỗ lực để đóng góp công sức, trí tuệ và tình cảm của mình cho công cuộc xây dựng, đổi mới quê hương, xứng đáng là người thương binh gương mẫu trong học tập và làm theo Bác.

Ông Phát đã nhận được nhiều bằng khen của Trung ương, của tỉnh và địa phương vì đã có thành tích tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong phát triển mô hình kinh tế. Điển hình như bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bằng khen của UBND tỉnh, giấy khen của thành phố Vị Thanh…

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>