Nghĩa cử cao đẹp - Hiếu đạo làm theo

29/01/2020 | 04:11 GMT+7

Một gia đình hơn 50 năm từ đời cha đến đời con duy trì việc tổ chức giỗ Bác. Đó là gia đình ông Sáu Tòng (Phan Văn Tòng) và ngày nay là người con út: Út Nam (Phan Văn Nam), ở ấp 12, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ.

Ăn độn khoai lang vẫn duy trì giỗ Bác

Nhắc tới ông Sáu Tòng thì nhiều cán bộ về hưu hoặc đương chức và người dân xứ Vĩnh Viễn biết tiếng. Ông vốn là một tá điền nhờ cần mẫn mà sớm thoát khỏi cảnh nghèo khổ.

Ông Út Nam bên di ảnh của Bác.

Biết Bác qua tranh vẽ, nghe lời Người qua “la dô” nhưng ông Sáu rất tôn kính, mong ngày toàn thắng để gặp Người. Nhưng điều ấy đã không thành hiện thực khi mưa càng thêm nặng hạt vào những ngày đầu tháng 9-1969… Hay tin, ông Sáu Tòng thất thần…

Ảnh tư liệu về gia đình ông Sáu Tòng thờ Bác tại gia đình.

Tiễn đưa Người, ông Sáu nức nở: “Bác Hồ ơi, mẹ cha sinh ra con trong nô lệ, đói khổ lầm than, nhờ có Bác, con mới được tự do, cơm no, áo ấm! Công ơn mẹ cha to như núi, công đức của Bác như biển rộng trời cao!”.

Rồi sau đó, cứ đều đặn hàng năm, ông Sáu trịnh trọng làm lễ giỗ; động viên các con tham gia cách mạng. Để rồi Phan Văn Tiễn, Phan Văn Vững, Phan Thị Tần nghe lời Tía dạy “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, trong đó chiến sĩ Phan Văn Tiễn không may hy sinh.

Những người con của ông Sáu Tòng cùng nhau thực hiện tốt lời căn dặn của Tía mình.

Ông Út Nam khi còn nhỏ có nhiều ấn tượng với việc làm lễ giỗ Bác của Tía. Thời đó, giặc kiểm soát rất kỹ nên di ảnh của Bác được Tía ông cuộn tròn bỏ vào ống tre cất giấu, chỉ khi nào tới lễ giỗ mới đem ra đặt trên bàn thờ.

“Lễ xong thì vài người hàng xóm cùng gia đình tôi quây quần dùng cơm, trò chuyện rôm rả về Bác Hồ, ước nguyện ngày nào đó đất nước sạch bóng quân thù”, ông Út Nam nhớ lại.

Rồi ngày đó cũng đến (ngày 30-4-1975); di ảnh của Bác được ông Sáu Tòng đặt trang trọng giữa nhà, giỗ Bác năm 1975 khá lớn, cả xóm một lần nữa mừng vui hát hò “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”.

Điều đáng quý là trong cuộc sống hàng ngày dẫu có những lúc chật vật, khốn khó, nhưng ông Sáu Tòng vẫn duy trì giỗ Người. Bà Trương Thị Chí Linh, vợ ông Út Nam nhớ lại, trong giai đoạn từ năm 1991 đến năm 1998, gia đình gặp rất nhiều khó khăn, có lúc không có gạo, phải ăn độn khoai lang nhưng Tía, Má vẫn duy trì làm đám giỗ Bác với những thứ sẵn có.

“Đám giỗ Bác năm nào cũng đầy đủ con cháu, xóm giềng và Tía tôi luôn dặn phải thờ Bác, tiếp tục giáo huấn con cháu làm theo Người xây dựng quê hương phát triển”, ông Út Nam nói.

Viết tiếp truyền thống

Trong lần về thăm nhà trước tết, gặp chúng tôi, con trai vợ chồng ông Út Nam chia sẻ: “Em biết cha mẹ đã vất vả lo cho các con ăn học nên rất thương và ý thức được trách nhiệm phải làm. Bởi vậy nên em cố gắng học thật giỏi để cha mẹ được vui. Khi bước vào giảng đường đại học với chi phí khá tốn kém nên em chi xài tiết kiệm để cha mẹ nhẹ lo”.

Bà Trương Thị Chí Linh, vợ ông Út Nam, tự hào vì thành tích học tập của các con mình.

Nhớ lời tía, ông Út Nam nuôi dạy các con ăn học nên người (3 người con đều tốt nghiệp đại học). Người con út Phan Quốc Thái vừa tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược Cần Thơ khiến ông bà rất tự hào. Nhờ đó mà gia đình này được tiếng là gia đình văn hóa, hiếu học tiêu biểu của ấp. Với xóm giềng thì họ được quý mến nhờ lối sống chan hòa, gần gũi.

Trong mấy mươi năm duy trì lễ giỗ Bác, lần mà ông Út Nam nhớ nhất là vào năm ngoái, đúng dịp cả nước kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phan Quốc Thái, người con trai út của ông Út Nam, bên những tấm giấy khen mà mình và 2 người chị gái đạt được.

Lễ giỗ năm đó được gia đình tổ chức lớn và ấm áp hơn khi có sự hiện diện của lãnh đạo Huyện ủy Long Mỹ cùng đông đảo lãnh đạo thị trấn Vĩnh Viễn, họ hàng, chòm xóm. Phấn khởi nhất có lẽ là vợ chồng Út Nam vì đã thực hiện được di nguyện của Tía về nuôi dạy con ăn học, biết giúp ích cho xã hội. 

Nhắc tới gia đình ông Út Nam thì ông Tư Đắng (Phạm Thành Đắng), Trưởng ấp 12, thị trấn Vĩnh Viễn, bày tỏ sự cảm phục: “Chúng tôi rất trân quý tấm lòng của gia đình này đối với Bác Hồ”.

Hàng năm, ông Tư Đắng luôn tranh thủ thời gian đến nhà ông Út Nam dự lễ giỗ Bác. “Có mặt ở đây để những đảng viên như tôi hiểu rõ và thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Đó là duy trì đoàn kết trong chi bộ để lo việc chung của ấp; phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Nhờ có tinh thần ấy mà đến nay ấp 12 duy trì danh hiệu ấp văn hóa nhiều năm liền; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 10/515 hộ”, ông Tư Đắng nói.

Một lòng nghe theo Tía

Trong phòng khách nhà ông Út Nam ngoài di ảnh Bác được đặt trang trọng, còn gây “choáng ngợp” với rất nhiều giấy khen của các con ông được treo khắp căn phòng.

Vợ ông Út Nam (bà Chí Linh) không ngần ngại khoe là rất tự hào với thành tích học tập của các con. Sâu xa hơn, thâm tâm bà cũng thấy an yên vì thực hiện được lời Tía mình căn dặn.

Anh chị ông Út Nam cũng vậy. “Gia đình tôi luôn thực hiện tốt lời Tía từng dạy: phải biết sống, lao động theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác Hồ”, bà Phan Thị Lành, người con thứ mười của ông Sáu Tòng bộc bạch.

TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>