Nhân văn những mô hình làm theo Bác

25/11/2019 | 08:46 GMT+7

Những mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Trường THCS Ngô Quốc Trị (thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy), đã góp phần quan trọng trong xây dựng tình đoàn kết, chia sẻ trong đồng chí, đồng nghiệp và hơn hết là dạy học sinh cách làm người tốt.

Phòng thờ Bác Hồ trang trọng tại Trường THCS Ngô Quốc Trị, huyện Vị Thủy.

Mô hình thiết thực, tạo sự gắn kết, chia sẻ

Nơi phòng thờ trang nghiêm đặt ngay vị trí trang trọng nhất của trường, cứ sáng thứ hai hằng tuần, mỗi tập thể lớp ở ngôi trường này lại đến đây dâng hương lên Bác. Việc làm đầy sự trân trọng, tri ân với vị Cha già kính yêu của dân tộc đã được thực hiện đều đặn gần 2 năm nay, từ khi phòng thờ Bác Hồ tại trường được xây dựng. Em Trần Ngọc Tuyền, học sinh lớp 7A1, chia sẻ: “Nhà trường đã xây dựng phòng thờ Bác hết sức thiêng liêng, cao quý, chúng em đã được đọc nhiều, nghe thầy cô dạy nhiều về Bác kính yêu, nên mỗi lần đến đây chúng em đều thành kính và xúc động lắm, tự hứa với mình và thầy cô sẽ phấn đấu, cố gắng nhiều hơn nữa”.

Căn phòng thờ được thực hiện đầy trang trọng, với cờ Đảng, cờ nước, tượng Bác, những hình ảnh đặc biệt lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bảng thành tích báo công lên Bác của nhà trường. Đây là nơi để giáo dục truyền thống đặc biệt của nhà trường đối với học sinh và cán bộ quản lý, giáo viên. Thầy Nguyễn Văn Mon Anh, giáo viên Tổng phụ trách của trường, cho biết: “Trước khi có phòng thờ, các hoạt động học tập và làm theo Bác vẫn được thực hiện đều đặn thông qua các phong trào của Đội như viếng, chăm sóc Bia tưởng niệm, kể chuyện Bác Hồ, làm những việc có ích theo 5 Điều Bác Hồ dạy… từ khi có phòng thờ, các hoạt động được tổ chức đa dạng hơn, những bài giảng giáo dục truyền thống được lồng ghép sinh động, ý nghĩa hơn”.

Phòng thờ Bác Hồ là mô hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đã được Trường THCS Ngô Quốc Trị thực hiện năm 2018, đây là mô hình tiêu biểu của ngành giáo dục và đào tạo huyện. Mô hình đã được Huyện ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vị Thủy, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cùng lãnh đạo các ban, ngành huyện, đánh giá cao, đến tham quan, cùng thành kính dâng hương lên Bác tại phòng thờ.

Bên cạnh mô hình tiêu biểu này, hai mô hình khác được thực hiện, đã có những đóng góp tích cực trong dạy chữ - dạy người, nâng tầm chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng tinh thần đoàn kết trong đồng chí, đồng nghiệp tại trường, là mô hình “Giáo dục hạnh kiểm học sinh theo 5 Điều Bác Hồ dạy” và mô hình “Nhà nghĩa tình đồng chí, đồng nghiệp”.

Vai trò tiên phong của người đứng đầu

Giờ đây, sau hơn 10 năm ở trọ, gia đình cô Đỗ Thị Thúy Nga, giáo viên dạy địa lý của trường, đã có căn nhà riêng để ở. Nhắc đến mái ấm của mình, cô Nga bộc bạch: “Căn nhà được xây dựng từ cuối năm 2018, cán bộ, giáo viên của trường đã đóng góp cho vợ chồng tôi mượn để làm. Khi hay tin mình được chọn để nhận sự hỗ trợ này, thấy bất ngờ và mừng lắm. Mừng vì có căn nhà để ở, không còn thuê trọ và điều mừng hơn nữa đó là sự đối đãi, chia sẻ hết lòng của Ban giám hiệu, các thầy cô trong trường đối với gia đình tôi. Công ơn này vợ chồng tôi khắc ghi và mang theo mãi”.

Tổng số tiền cán bộ quản lý, giáo viên của trường đóng góp cho cô Nga mượn là 70 triệu đồng. Thầy Nguyễn Viết Đức, Chủ tịch Công đoàn của trường, cho biết: “Sau khi họp chi bộ, cùng các công đoàn viên của trường đều thống nhất mỗi người góp 1 triệu đồng. Số tiền này được chia làm 4 đợt đóng, khi phát động là tháng 8, cho đến tháng 12 cô Nga mới xây nhà, nên đóng mỗi tháng 250.000 đồng sẽ đủ 1 triệu đồng/người sau 4 tháng. Xây nhà xong, cô Nga sẽ gửi lại tiền mượn mỗi tháng 2 triệu đồng hoặc nhiều hơn tùy theo điều kiện của mình. Tình đồng chí, đồng nghiệp cao cả là ở đó”.

Có nơi ở êm ấm, cô Nga đã vơi bớt nhiều nỗi lo về chỗ ở cho chồng, cho con, an tâm giảng dạy. Cô cũng chia sẻ thêm, đến giờ đã trả được gần phân nửa số tiền thầy cô cho mình mượn.

Còn với mô hình “Giáo dục hạnh kiểm học sinh theo 5 Điều Bác Hồ dạy”, đã cụ thể hóa 5 Điều Bác dạy trong việc học tập, ứng xử tại trường, trong gia đình và ngoài xã hội của các em học sinh trong trường, mô hình cũng được Ban Tuyên giáo Huyện ủy đánh giá cao trong giáo dục đạo đức cho học sinh.

Những mô hình này được thực hiện, là nhờ sự quan tâm, hết lòng và nêu cao tinh thần trách nhiệm của tập thể, của Ban giám hiệu nhà trường, cộng hưởng với đó là tập thể giáo viên, toàn thể học sinh. Trong đó, cô Đặng Thị Ảnh, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng nhà trường, đã thể hiện được trách nhiệm cao khi xây dựng, thực hiện mô hình. Cô Ảnh bày tỏ: “Các mô hình thành công là nhờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn từ Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Đảng ủy thị trấn Nàng Mau. Những cán bộ quản lý, giáo viên đều góp tâm, góp sức để hoàn thiện mô hình. Là trường học, nên khi thực hiện mô hình, bên cạnh học tập và cùng nhau phát huy những giá trị tốt đẹp, đầy tính nhân văn trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, chúng tôi có sự gắn kết, lồng ghép để phát huy hiệu quả tích cực trong phong trào dạy tốt - học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục của trường”.

Năm học này, trường có hơn 1.400 học sinh, với 34 lớp, toàn trường có 74 giáo viên. Hơn 50 năm qua, tính từ khi ngôi trường tiền thân của trường hiện nay được xây dựng lên, THCS Ngô Quốc Trị đã khẳng định được thương hiệu, khi là trường cấp THCS luôn đứng vào top đầu chất lượng của tỉnh. Ngôi trường này vẫn đang nỗ lực từng ngày để dạy chữ chất lượng, dạy người hiệu quả, như lời Bác dạy: “Vì lợi ích trăm năm trồng người”…

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>