Nhớ lời Bác dạy - Một lòng với Đảng

30/10/2017 | 08:07 GMT+7

Toàn tỉnh có 63 người được công nhận có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, những đóng góp của họ góp phần không nhỏ vào thay đổi nhận thức của người dân địa phương. Trong đó, ông Lâm Khem, ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, nổi bật hơn cả.

Tuyến đường trước cổng Trường Tiểu học Lương Nghĩa 3 đang xây dựng có công rất lớn của ông Lâm Khem (trái).

Cùng cán bộ xã Lương Nghĩa đi trên con đường bê tông phẳng phiu của ấp đến nhà ông Khem. Trước đó không lâu, có dịp qua đây, lúc ấy đường này lầy lội, trơn trợt. Vị cán bộ đi chung thông tin, tuyến đường này xây xong gần 2 tháng, khoảng 2 tỉ đồng, có công rất lớn của ông Khem.

Nhớ lời Bác dạy

Đi được một đoạn khoảng 2km, chúng tôi rẽ vào căn nhà rất bề thế, khang trang, không nói quá chứ đây là nhà lớn, đẹp nhất ấp. Tiếp chúng tôi là một lão nông da rám nắng, miệng cười tươi. Đây chính là người chúng tôi muốn gặp.

Nói về căn nhà mới toanh, ông Khem khoe: “Nhà này gia đình tôi cất hơn 2 năm nay, trị giá gần 1 tỉ đồng, đó là mồ hôi, công sức bao năm dành dụm. Hiện tôi đã mãn nguyện với cuộc sống này rồi”.

Nghề làm báo tiếp xúc nhiều nhân vật, ở các tầng lớp khác nhau và hiếm khi nhân vật tôi gặp thốt lên từ “mãn nguyện”, điều đó càng làm tôi tò mò.

Ông sinh năm 1946, ở xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, cha mẹ cho 6 công đất ruộng tại ấp 10, xã Lương Nghĩa để làm vốn. Mới ra riêng nên ông gặp vô vàn khó khăn, trong khi vùng đất này phần lớn là lung phèn nặng, trồng trọt thứ gì cũng khó. Thế nhưng, ông không hề buông xuôi, bởi người thanh niên này biết “Vạn sự khởi đầu nan”, từ  đó cải tạo lại đất, khơi thông dòng chảy xổ phèn để cây lúa tạm có… chỗ đứng.

Cùng với việc làm ruộng, ông quan tâm tìm kiếm những ai nuôi heo nái (đã đẻ nhiều lứa) ở địa phương hay giáp ranh có nhu cầu bán là mua về bồi dưỡng khoảng 3 tháng thì bán. Lý giải vấn đề này, ông Khem nói: “Heo nái đã có vóc sẵn, mua về mình chịu khó… thúc là mập lên, nhưng khi bán thì cũng bằng giá với heo thịt. Lúc ấy kinh tế khó khăn, heo nào cũng bằng giá nhau”.

Trung bình ông nuôi từ 15-20 con heo nái/năm. Cùng với đó ông mua một cặp trâu về kéo lúa mướn cho bà con ở ấp. Dần dà có dư, ông mua thêm đất.

Theo ông Khem, thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, đất ở đây rất rẻ, 1 - 3 chỉ vàng/1 công. Cật lực làm ăn, tích lũy, đến năm 1995, gia đình ông đã có 100 công đất ruộng. Lúc ấy ông cũng không hiểu tại sao khỏe đến thế, làm ngày làm đêm không biết mệt. Nhiều lúc ông xịt thuốc ở đầu đất này, vợ cầm đèn pin ở đầu đất kia rọi, chuyện 9-10 giờ đêm là thường tình. Ông nói, lúc đó làm gấp 3-4 người cùng tuổi.

Tuy là nông dân rặt nhưng chuyện đầu tư, vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ông là một trong những người tiên phong. Do đất nhiều, ông mua máy suốt lúa, máy xới, máy trục, thuê người làm và định hướng chuyện học hành cho các con.

Ông có 4 người con, mỗi người cách nhau 2 tuổi. Nhớ lời Bác dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây; Vì lợi ích trăm năm trồng người”, nên dù vất vả đến mấy ông cũng quyết tâm cho các con ăn học. Tuy bận rộn với việc đồng áng, nhưng mỗi tối ông đều kiểm tra bài và dạy các con học; bất cứ cuộc họp phụ huynh nào của con, ông đều có mặt.

Theo ông Khem, ngoài việc quan tâm, chỉ dẫn các con học tại nhà thì rất cần nghe đóng góp trực tiếp của thầy cô ở trường, như thế mới toàn diện.

Thấu hiểu nỗi vất vả, quan tâm của cha mẹ, từ bậc tiểu học đến THPT, 4 người con của ông đều nằm trong “top” đầu của lớp và rồi lần lượt đậu vào Trường Đại học Cần Thơ và Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong 4 người, 1 là bác sĩ, 2 người là dược sĩ và 1 là cử nhân bưu chính - viễn thông. Hiện tại đều có cuộc sống ổn định.

Một lòng với Đảng

Trong những năm đầu về đây sinh sống, ngoài việc chăm lo cuộc sống gia đình, ông Khem còn rất năng nổ, nhiệt tình tham gia các hoạt động của địa phương. Bởi đất nước khi ấy mới giải phóng gặp rất nhiều khó khăn nên rất cần sự chung tay, góp sức của mọi người.

Nhớ lời Bác dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”, do đó khi địa phương giao hoạt động gì ông đều hoàn thành tốt. Đến năm 1983, ông chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tư tưởng, hành động của ông một lòng với Đảng được cụ thể qua những việc làm vì cộng đồng, xã hội.

Khi ấy, vùng đất Lương Nghĩa (Lương Tâm trước đây) đầy khó khăn, đi lại vất vả, chuyện con em 9-10 tuổi mới vào lớp 1, hay dang dở việc học rất nhiều. Để tạo điều kiện cho con em học tới nơi tới chốn, lãnh đạo huyện Long Mỹ kêu gọi người dân hiến đất xây trường.

Vậy là ông tiên phong bỏ tiền túi để mua đất, vận động người dân hiến đất xây trường. Trường Tiểu học Lương Nghĩa 2, Tiểu học Lương Nghĩa 3 lần lượt… mọc lên, từ đó con em ở đây có trường để học, chuyện dang dở việc học dần ít, số đậu vào các trường cao đẳng, đại học nhiều lên. Đến nay, toàn ấp 10 có trên 80 người đã, đang học đại học và nơi đây trở thành… làng đại học nức tiếng gần xa.

Không chỉ góp công lớn vào xây trường, ông còn biết đến là người rất… mát tay trong xây dựng, sửa chữa cầu, đường ở địa phương. Ông Danh Muôi, Trưởng ấp 10, xã Lương Nghĩa, nói: “Về góp công xây dựng, sửa chữa, giặm vá cầu, đường, chú Khem là người tiên phong. Hầu như tuyến đường nào của ấp sửa chữa, xây dựng đều có công của chú ấy”.

Chỉ tay về tuyến đường trước cổng Trường Tiểu học Lương Nghĩa 3 đang thi công, ông Muôi nói tiếp, trước khi xây dựng, không kể nắng mưa, ngày nào chú ấy cũng đi vận động bà con hiến đất, hiến hoa màu…

Nhờ có uy tín, được người dân tin tưởng nên ông tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện các phong trào thi đua ở địa phương rất dễ. Hơn thế nữa, nhiều người cũng học hỏi được từ ông đức tính biết hy sinh, quan tâm chăm lo cộng đồng, như trường hợp ông Danh So, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ ấp 10.

17 năm học hỏi ông Khem nhiều điều, ông So rất tích cực vận động người dân tham gia hiến máu, quyên góp công sức, của cải hỗ trợ người nghèo… Và còn rất nhiều gia đình khác hăng say trong tham gia đóng góp vào các hoạt động ở địa phương.

Ông Lâm Thanh Hùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Long Mỹ, nhận xét: “Những đóng góp của ông Lâm Khem vào thay đổi địa phương thật sự quá nhiều. Ông là tấm gương sáng để nhiều người học hỏi trong vượt khó, sống vì cộng đồng, trách nhiệm với xã hội”.

Ông Khem tâm sự: “Những việc tôi làm cũng vì nhân dân, vì Đảng, bởi không có Đảng dẫn đường, chỉ lối thì đất nước không được như ngày hôm nay. Cơm no áo ấm của gia đình tôi đều nhờ ơn Đảng, góp công sức vào sự thay đổi quê hương là niềm vinh dự của tôi”.

Ông Lâm Khem là Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp 10 hơn 7 năm qua và được biết đến là người hòa giải rất hiệu quả. Năm 2016, toàn ấp có 15 vụ mâu thuẫn, đã hòa giải thành 13 vụ; đầu năm đến nay, ấp có 9 vụ, tất cả đều hòa giải thành. Phần lớn các vụ mâu thuẫn trên xuất phát từ tranh chấp đất trong thân tộc.

 

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>