Tấm lòng với Bác

03/12/2018 | 09:09 GMT+7

Chăm sóc, gắn bó với đền thờ đến cuối đời là chia sẻ của những cô làm việc trong Ban quản trị Đền thờ Bác Hồ, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, khiến nhiều người cảm thấy trân quý.

Đều đặn hàng tuần, các cô sẽ đến quét dọn khuôn viên Đền thờ Bác Hồ, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ.

Hơn 30 năm gắn bó với Đền thờ Bác, những người con, người cháu ngày nào giờ đây mái tóc đã pha sương, nhưng đều hướng về Bác bằng tấm lòng thành kính. Dừng tay phút chốc khi đang quét dọn trước đền thờ, cô Nguyễn Thị Bé, tâm sự: “Đối với tôi, Bác là vị Cha già kính yêu, nhờ Bác mới có cơm no, áo ấm. Do đó, khi đền thờ Bác được lập, tôi sẵn sàng vào đây phụ giúp, từ khuôn viên đến bếp núc. Tụi tôi làm không ai trả lương, nhưng chẳng hề nệ công bởi đó là trách nhiệm, tấm lòng của người con dành cho Bác”.

Thành thông lệ, cứ đều đặn hàng tuần, các cô sẽ đến để quét sân, dọn dẹp khuôn viên đền. Riêng những ngày kỷ niệm như 19-5, 2-9, dịp Tết Nguyên đán, các ngày rằm lớn, các cô đến trước vài ngày để chuẩn bị nếp, dừa, lá chuối, củi, thức ăn,… để làm lễ dâng Bác, lễ vật dâng lên Bác chỉ là những món ăn đơn giản như thịt kho, khổ qua hầm,… đến cái bánh ít, bánh tét, mâm xôi nhưng mang nặng tình cảm mà người dân Long Mỹ hướng về Người. Cô Nguyễn Thị Ngải chia sẻ: “Nhớ lời Bác dạy, nên chúng tôi luôn làm những món ăn dân dã, gần gũi, tiết kiệm vào các dịp lễ, tết. Chúng tôi mỗi người có hoàn cảnh, cuộc sống khác nhau nhưng đều tự nguyện làm việc tại đền thờ với tinh thần tự giác và trách nhiệm”.

Dù đã bước qua cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng các cô vẫn còn khá khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Từng người đảm trách một nhiệm vụ cụ thể, chẳng ai tị nạnh mà lại nhắc nhở, bảo ban nhau để công việc tốt hơn. Cô Trần Thị Đẹp, chia sẻ: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, lời Bác dạy tôi luôn nhớ nên không bao giờ nề hà, mà cố gắng cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Đến dịp lễ là mấy chúng tôi ngủ luôn tại đền vài đêm, chẳng ai ngại thức khuya, dậy sớm mà chỉ muốn sao cho đầy đủ, tươm tất, như vậy vui rồi. Gia đình đều rất ủng hộ tôi làm việc này, các thành viên còn thường đến phụ giúp nữa.

Vào dịp lễ, tết thường có khá đông người dân đến phụ gói bánh, nấu nướng nhưng các cô vẫn chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, sắp xếp công tác hậu cần. Tuy vất vả bao nhiêu năm qua nhưng các cô vẫn âm thầm, không quản khó khăn, xem đó là niềm vui, sự tự hào. Cô Nguyễn Thị Lan, nói: “Các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương đều quan tâm, tạo điều kiện để chúng tôi làm tốt trách nhiệm của mình. Tôi và các chị em đều bảo nhau rằng còn sức là còn phục vụ ở đền thờ đến khi nào không đủ khả năng thì thôi. Chúng tôi cũng đang tìm kiếm thế hệ kế thừa, chỉ dạy các em, các cháu nhiều hơn để công việc hiệu quả”.

Có lẽ, do từng sống và chiến đấu trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, nên các cô rất trân quý, nhớ ơn Bác. Những người phụ nữ với trách nhiệm làm vợ, làm mẹ đã vượt qua giới hạn bản thân, vừa làm tốt công việc gia đình lại hoàn thành lý tưởng sống, khi ngày ngày được chăm sóc Đền thờ Bác. Lúc rảnh rỗi, các cô còn kể những mẩu chuyện về Người cho con, cháu nghe để giúp thế hệ sau này hiểu và yêu quý Bác hơn. Đối với các cô, những lời Bác dạy là kim chỉ nam trong mọi hoạt động, sống và làm việc. Chia tay các cô khi mặt trời dần lên cao, ánh thái dương rọi sáng nên những hình ảnh về vẻ đẹp của sự đơn sơ, chân thành, tấm lòng với Bác mãi còn lan tỏa lại hiện rõ, chắc chắn sẽ không bao giờ phai. Lòng biết ơn, kính yêu đối với Bác Hồ của người dân Hậu Giang tuy giản dị nhưng chứa chan tình cảm, bởi Người luôn sống mãi trong tim.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>