Tiết kiệm theo gương Bác

18/07/2019 | 07:42 GMT+7

Chị em phụ nữ xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, đã có những cách làm tiết kiệm theo gương Bác thiết thực, hiệu quả.

Chi hội Phụ nữ ấp 7 thu gom, phân loại chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật bán lấy tiền.

Ai có đến cho, ai cần đến lấy

Nhận thấy nhiều gia đình có quần áo cũ không còn sử dụng nên Chi hội Phụ nữ ấp 9, xã Vị Trung, lên ý tưởng thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Tủ đồ nhân ái”. Tuy mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2019 đến nay nhưng CLB được đánh giá cao.

Bà Võ Thị Tới, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 9, rất tích cực vận động những hộ dân có kinh tế khá giả quyên góp quần áo cũ cho tủ đồ nhân ái được bố trí tại nhà thông tin ấp.

“Khi mình mở lời vận động thì nhiều người sẵn sàng đóng góp, không chỉ một lần mà nhiều lần. Tinh thần ấy rất đáng quý. Nhờ vậy, tủ đồ nhân ái luôn đầy ắp quần áo cũ với nhiều mẫu mã, kích cỡ”, bà Tới chia sẻ.

Nếu người dân có điều kiện đi lại sẽ trực tiếp mang đồ đến cho, còn không thì bà Tới sẽ đến nhà của họ để thu gom. Những bộ quần áo cũ của gia đình khá giả đôi khi là tài sản đáng giá của người có gia cảnh khó khăn, cũng vì vậy mà tủ đồ nhân ái đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người.

Gia đình bà Ba Thúy, ở ấp 9, thuộc diện hộ nghèo vì ít đất, đông con. Để tiết kiệm chi tiêu, bà thường tìm đến tủ đồ nhân ái để chọn những bộ quần áo phù hợp cho các thành viên gia đình.

“Nói là quần áo cũ nhưng nhiều cái còn khá mới, đem về giặt sạch vẫn có thể sử dụng tốt. Dù là quần áo miễn phí nhưng tôi chỉ chọn những bộ có thể sử dụng được chứ nếu lấy nhiều mà không sài thì lãng phí lắm. Biết đâu bộ quần áo ấy không vừa vặn với mình nhưng lại hợp với người khác”, bà Ba Thúy bộc bạch.

Ngày ra mắt mô hình, Hội LHPN xã Vị Trung mời chi hội trưởng chi hội phụ nữ các ấp còn lại trên địa bàn đến tham dự; đồng thời kêu gọi họ vận động người dân ở ấp mình tích cực quyên góp cho tủ đồ nhân ái ở ấp 9.

Từ lúc mô hình ra mắt đến nay, hàng trăm bộ quần áo cũ đã đến được với người có nhu cầu. Theo thường lệ, tủ đồ nhân ái sẽ mở cửa vào ngày 12 hàng tháng để phục vụ. Tuy nhiên, hễ thấy Chi bộ ấp 9 tổ chức họp ở nhà thông tin thì người dân đến lựa đồ, dĩ nhiên là chi bộ sẵn lòng phục vụ…

Tiết kiệm từ… chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật

Chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật khi sử dụng xong vứt bừa bãi xuống kênh, rạch là một trong những nhân tố gây ô nhiễm môi trường. Cách làm của Chi hội phụ nữ ấp 7, xã Vị Trung là thu gom và phân loại chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng và bán để lấy tiền gây quỹ.

Bà Đặng Thị Tuyết, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 7, chia sẻ: “Phần lớn gia đình chị em phụ nữ trong ấp đều làm nông, được tuyên truyền nên họ hiểu được tác hại của chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật đối với môi trường. Do đó, khi tôi vận động thì chị em rất đồng tình thực hiện”, bà Tuyết cho biết.

Thấy hiệu quả nên Chi hội Phụ nữ ấp 7 đã thành lập hẳn CLB “Phân loại rác thải” với 18 thành viên. Tháng rồi, số tiền bán chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật được hơn 600.000 đồng, họ dùng để trao học bổng cho 3 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong ấp (mỗi suất 200.000 đồng). Tháng này, họ lại tiếp tục…

Đặc biệt, các thành viên trong CLB còn quan tâm duy trì sinh hoạt mỗi tháng một lần để chia sẻ với nhau việc nuôi dạy con cái, cách vun vén hạnh phúc gia đình. Gia đình chị nào có mô hình sản xuất hiệu quả thì phải có trách nhiệm chia sẻ để chị em khác học hỏi, làm theo nếu thấy phù hợp.

Chi hội Phụ nữ ấp 9 và ấp 7 có cách làm khác nhau nhưng đều có chung mục đích là tận dụng những thứ tưởng chừng bỏ đi để mang lại lợi ích cho những người nghèo và cộng động xã hội. Họ đã học và làm theo gương Bác từ những việc rất nhỏ, đời thường nhưng tạo được sự lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái…

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>