“Tôi vẫn thích lao động”

24/07/2019 | 08:45 GMT+7

Học Bác ở đức tính cần cù lao động, bà Nguyễn Ánh Nguyệt, ở khu vực 5, phường IV, thành phố Vị Thanh, cán bộ về hưu đã mở cơ sở sản xuất trà mãng cầu, góp phần cải thiện kinh tế gia đình và tạo việc làm cho một số lao động nhàn rỗi.

Trà mãng cầu do cơ sở bà Nguyệt làm ra.

Việc mở cơ sở sản xuất trà mãng cầu với bà Nguyệt như một cơ duyên. Bà kể, năm 2018 được tham gia hội thảo về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mãng cầu xiêm do tỉnh tổ chức tại Hợp tác xã thương mại dịch vụ trà mãng cầu Thuận Hòa, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ. Được thưởng thức trà mãng cầu do hợp tác xã sản xuất có vị thanh mát, đậm đà nên bà ấn tượng và quyết định học hỏi cách chế biến.

Thấy dễ làm và gia đình có sẵn nguồn nguyên liệu (trồng 300 gốc mãng cầu trên diện tích 5 công đất) nên bà Nguyệt bàn với gia đình mở cơ sở sản xuất trà mãng cầu vào cuối năm 2018.

Do việc sản xuất hoàn toàn thủ công nên chi phí gia đình bỏ ra ban đầu không lớn, chỉ 10 triệu đồng để làm nơi đóng gói, bảo quản trà khi thành phẩm. Công đoạn cắt nhỏ mãng cầu đòi hỏi nhiều công sức nên mỗi đợt sản xuất bà Nguyệt thuê 7-8 phụ nữ ở địa phương đến giúp, mỗi người được trả 100.000 đồng/ngày. Các công đoạn khác như: phơi khô, sấy mãng cầu… đều do bà Nguyệt và người thân trong gia đình thực hiện.

“Nhờ cơ sở của bà Nguyệt đi vào hoạt động giúp chúng tôi kiếm được một số tiền trang trải chi phí sinh hoạt gia đình”, bà Đỗ Thị Đẹp, ở khu vực 5, phường IV, chia sẻ.

Mỗi tháng với 3 đợt sản xuất, cơ sở của bà Nguyệt cho ra khoảng 20kg trà, bán với giá 500.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, bà thu về lợi nhuận 6-7 triệu đồng. Đồng lời kiếm được chưa nhiều nhưng bước đầu cho thấy cách làm ăn của gia đình bà Nguyệt khá hiệu quả.

Hướng tới sản xuất lâu dài và để tạo uy tín với khách hàng, cơ sở của bà Nguyệt rất chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm. Chỉ là cơ sở sản xuất nhỏ nhưng bà chủ động tìm đến cơ quan chức năng để kiểm định chất lượng sản phẩm và đã được cấp phép cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Cũng nhờ vậy mà sản phẩm của cơ sở được khách hàng ưa chuộng, nhiều người chọn mua để làm quà tặng người thân ở Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội.

Chuyện làm ăn như thế khiến bà Nguyệt ít có thời gian ngơi tay. Tiền lương hưu của hai vợ chồng đủ để trang trải cuộc sống gia đình nhưng bà vẫn miệt mài lao động. Nhiệt tâm lao động được bà thể hiện và duy trì từ hồi còn làm Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường IV cho đến nay.

Bà Nguyệt chia sẻ: “Tấm gương đạo đức của Bác bao la như trời biển. Riêng tôi thấy tâm đắc và học được nhiều nhất ở Người đức tính cần cù lao động. Nhiều cán bộ về hưu muốn có cuộc sống an nhàn nhưng tôi vẫn thích lao động. Dù về hưu nhưng nếu còn cống hiến được thì nên tiếp tục”.

Đáng quý hơn khi biết bà Nguyệt còn làm nhiều việc từ thiện giúp đời, giúp người.

Hàng tháng, bà vận động người quen đóng góp tiền để mua gạo, thịt, cá, rau… ủng hộ cho tổ cơm, cháo, nước sôi của các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Hễ biết gia đình nào hoàn cảnh khó khăn có người thân qua đời thì bà Nguyệt sẽ bỏ tiền ra giúp đỡ lo hậu sự.

Người phụ nữ 60 tuổi này nhấn mạnh sẽ tiếp tục duy trì việc làm từ thiện bởi trong cuộc sống vẫn còn nhiều gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn, những người già yếu, neo đơn, bệnh tật triền miên cần được giúp đỡ, đồng hành.

Dự tính của bà Nguyệt tới đây sẽ đầu tư mua máy móc để mở rộng quy mô sản xuất. Bà còn liên kết bao tiêu mãng cầu của người thân để đảm bảo nguồn nguyên liệu. Với bà Nguyệt, lao động là vinh quang!

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>