Vượt khó theo gương Bác

16/11/2016 | 07:57 GMT+7

Trong 72 cá nhân được UBND tỉnh khen thưởng qua 5 năm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông Danh Điệp, ở ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, là một trường hợp điển hình tiêu biểu trong vượt khó làm giàu.

Nhờ tinh thần vượt khó vươn lên, giờ ông Danh Điệp đã có một ngôi nhà khang trang.

Sau cơn mưa nặng hạt buổi chiều, ven con đường nông thôn nhỏ, tìm hỏi nhà ông Danh Điệp, bà con ở đây chỉ dẫn tận tình. Ông Phạm Văn Bé Sáu, ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Cứ chạy thẳng qua cầu đi một hồi thấy cái nhà tường đẹp đẹp phía trước có hàng rào là nhà của ông Điệp. Ở đây, ai cũng biết ổng hết, nhờ chịu khó làm ăn mà xây được nhà cao cửa rộng, cái nhà bự và đẹp nhất xóm đồng bào dân tộc đó. Không chỉ chịu khó làm ăn, ổng còn có tài bẻ dừa cũng siêu lắm, muốn kiếm ổng khoảng 3 giờ chiều hãy lại, tại thường ngày sáng sớm là vợ chồng ổng đi mua dừa rồi, làm ăn dữ lắm”.

Những lời nhận xét của bà con nơi đây về ông Danh Điệp quả không sai. Một ngôi nhà khang trang, bên ngoài là những chậu cây kiểng đang phát triển tươi tốt. Dưới mé sông trước nhà, một ghe dừa đầy ắp, đang chờ được chở đi bán. Nhanh tay sắp xếp lại những quả dừa mới hái, ông Điệp chia sẻ: “Hồi trước, nhà tui cũng nghèo lắm, may được Nhà nước hỗ trợ cho vay 2 triệu đồng để mua con giống chăn nuôi, nhờ đó mà gầy dựng lên từ từ. Nhớ lúc đó, tui mua được một con heo giống, để có tiền mua thức ăn nuôi heo và trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày, vợ chồng tui mới bàn nhau mua dừa để bán, kiếm thêm chút đỉnh. Nghèo khó là điều đâu ai muốn, tui luôn tự nhắc nhở bản thân phải lấy tinh thần vượt khó như những câu chuyện về Bác mà tui hay xem trên tivi dịp lễ lớn đó, nhất là chuyện Bác làm phụ bếp trên tàu, đi làm bồi bàn… để chờ cơ hội giúp đất nước”.

Giờ cuộc sống gia đình cũng ổn định, còn hơn chục năm trước, tài sản của gia đình ông Điệp cũng chẳng có gì, ngoài căn nhà lá đơn sơ thiếu trước hụt sau. Lúa gạo từ 3 công đất lo cho 3 miệng ăn của gia đình chưa đủ, nhưng hơn chục năm chịu khó tích góp, suy nghĩ hướng làm ăn, ông Điệp đã có một cơ ngơi nhiều người mơ ước. Bây giờ, đã trở thành “nhà giàu” rồi, nhưng ông Danh Điệp vẫn cần mẫn với cái nghề leo dừa như những khi còn cơ hàn. Ông Điệp bảo, cái nghề nó gắn bó, không làm thấy nhớ.

Nhờ cần, kiệm, cộng với ý chí vượt lên khó khăn, ông Danh Điệp, luôn là tấm gương sáng của bà con trong xóm. Chị Thị Bích Thủy, ở ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, nói: “Tụi tui ở đây, ai cũng khâm phục ông Danh Điệp hết. Thấy ổng có nhà cao cửa rộng, con cái ngoan ngoãn, ai cũng muốn giống vậy hết. Hồi xưa, nhà tôi cũng mua dừa bán giống như nhà ông Điệp vậy, nhưng thấy nguy hiểm quá nên bỏ nghề luôn, vậy mà ổng không bỏ nghề. Bà con ở đây ai khó khăn, giúp được là ổng cũng giúp hết, nên mọi người quý mến lắm”.

“Trân trọng tấm gương anh Điệp”

“Trước đây, anh Điệp là hộ nghèo, rất khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ và tinh thần tự lực vươn lên, anh Điệp chí thú làm ăn, chịu học hỏi, biết sống tiết kiệm, nhờ phấn đấu hết mình mà đến nay cuộc sống gia đình anh ổn định. Mà đâu dừng lại ở đó, anh Điệp luôn đồng hành cùng đồng bào Khmer trong giảm nghèo. Từ tấm gương của anh, đã khơi dậy ý chí phấn đấu vươn lên của mỗi gia đình nghèo. Tấm gương vượt khó của anh Điệp rất đáng trân trọng”, ông Nguyễn Tấn Sơn, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Vị Thanh, nhận xét.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>