Ý nghĩa đọng lại sau những câu chuyện kể về Bác

21/07/2019 | 23:34 GMT+7

“Em học ở Bác đức tính khiêm tốn, sự yêu thương, quý trọng mọi người, sự giản dị và hết lòng vì quê hương đất nước... Chúng em sẽ cố gắng học tập để là trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ”, là những lời chia sẻ chân thành của các em thiếu nhi khi tham gia Hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” do Hội đồng đội tỉnh Hậu Giang tổ chức vừa qua.

Em Nguyễn An Nhi, học sinh lớp 3A5, Trường Tiểu học Thuận An, thị xã Long Mỹ, tự tin trong phần thi kể chuyện Bác Hồ.

Mới chỉ 8 tuổi, thế nhưng câu chuyện mà em Nguyễn An Nhi, học sinh lớp 3A5 Trường Tiểu học Thuận An, thị xã Long Mỹ, kể tại Hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” đã gây ấn tượng với người xem. Em đã làm nổi bật câu nói “Miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi”. “Bác mong các cháu lắm, Bác nhớ đồng bào miền Nam lắm! Sao các cháu lại khóc?, Bác cháu ta gặp nhau phải vui lên chứ?”, rồi em Nhi diễn tả tiếp lời, Bác ân cần hỏi thăm từng người một: “Các cháu ăn có no không? Các cháu mặc có đủ ấm không?...”. Bằng chất giọng hồn nhiên, truyền cảm, em Nhi đã khéo léo diễn tả lại tình cảm yêu thương, quan tâm hết mực của Bác dành cho các anh hùng, dũng sĩ miền Nam như tình cảm của người Cha đón những đứa con thân yêu lâu ngày trở về. Hay hình ảnh Bác tận tâm chăm sóc cây vú sữa của đồng bào miền Nam tặng Bác…

Mỗi câu chuyện em chỉ trích lọc những hình ảnh, câu nói rất tình cảm của Bác dành cho đồng bào miền Nam làm người nghe xúc động, nhói lòng nhớ Bác. Em Nhi chia sẻ: “Mỗi câu chuyện về Bác đều mang đến cho em một bài học sâu sắc. Nhưng em ấn tượng nhất là những câu chuyện về tình cảm của Bác dành cho các anh hùng, dũng sĩ miền Nam. Bác là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc nhưng lại rất gần gũi, yêu thương mọi người. Học Bác, em là thiếu nhi, phải quan tâm đến mọi người, yêu thương kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè…”. Em Nhi là thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia hội thi, nhưng cũng là thí sinh giành giải thưởng cao nhất.

Thí sinh Phạm Tuyết Trang, học sinh lớp 6A1, Trường THCS Phan Văn Trị, thành phố Vị Thanh, cũng lấy nước mắt người xem với giọng kể đầy xúc động. Những câu hát đưa mọi người đến thời khắc Bác Hồ về với “những người Hiền” qua câu chuyện “Tình yêu Bác Hồ dành cho những khúc hát dân ca”, đã làm lay động mọi người, như lời nhận xét của bà Nguyễn Phượng Liên, khán giả hội thi: “Các cháu thiếu nhi kể chuyện, hát, múa, diễn xuất có thần thái, có phong cách. Với tôi, nếu được nghe các mẩu chuyện tại hội thi sẽ tác động đến người dân về học theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người”.

Trong phần thi kể chuyện, mỗi thí sinh không chỉ kể một câu chuyện yêu thích nhất về Bác, mà phải liên hệ với thực tế bản thân trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng. Trong câu chuyện “Đêm giao thừa Bác Hồ đến với người nghèo”, do em Huỳnh Uyên Di, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Hùng Vương, thị xã Ngã Bảy, kể, đã thể hiện rõ phong cách quần chúng của Bác luôn hiện hữu trong đời sống hàng ngày khi tiếp xúc với mọi người, bằng tình cảm, lòng yêu thương, chia sẻ cũng như thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và tình thương bao la của Bác được nhà thơ Tố Hữu thể hiện bằng những câu thơ đầy cảm xúc:

“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông mọi kiếp người”.

Rút bài học từ câu chuyện đó, em Uyên Di bộc bạch: “Em may mắn sinh ra, lớn lên khi đất nước đã thanh bình. Tấm gương đạo đức sáng ngời của Người luôn là bài học sâu sắc giúp em tu dưỡng, hoàn thiện bản thân để xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. Tại trường cũng như ở nhà, em luôn cố gắng học hỏi, tự giác trong mọi hoạt động, kết hợp học với hành và tham gia tích cực các hoạt động xã hội”. Thời gian qua, cùng với thầy cô, các bạn của trường, em Uyên Di là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Nuôi heo đất”. Cùng với Liên đội nhà trường thường xuyên trích một phần tiền ăn sáng của mình để tặng học bổng, quà tết cho các bạn học sinh nghèo, thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sĩ...

Hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” lâu nay đã trở nên quen thuộc, gần gũi trong các trường. Nhiều trường đã có sáng tạo trong cách thức tổ chức hội thi nhằm tác động trực tiếp tới học sinh, để các em học Bác theo đúng tuổi của mình. Cô Nguyễn Thị Ngọc Anh, giáo viên Tổng phụ trách đội Trường THCS Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, cho biết: “Ngày trước học sinh còn đợi mình chọn và giới thiệu sách về Bác Hồ cho các em đọc và tham gia thi. Còn bây giờ các em đã chủ động và có ý thức rất tốt về kể chuyện Bác Hồ. Nhiều câu chuyện do chính các em chọn kể rất hay, đặc sắc, vô cùng ý nghĩa. Quan trọng là những bài học mà các em đúc kết ra từ quá trình học tập từ Bác làm chúng tôi bất ngờ. Chẳng hạn như việc viết nhật ký làm theo Bác, phong trào “Nuôi heo đất” giúp bạn khó khăn… dù các em còn nhỏ nhưng các em đã biết ý thức được trách nhiệm của mình với xã hội”.

Những câu chuyện ý nghĩa về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã góp phần bồi đắp tâm hồn, hình thành thế giới quan lành mạnh, tạo tâm thế tích cực cho học sinh. Hội thi là cầu nối để đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào đời sống học đường thiết thực, tích cực nhất.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>