Sáng chế hữu ích của nông dân

08/06/2018 | 07:41 GMT+7

Không có bằng cấp, nhưng nhiều nông dân đã sáng tạo ra những sản phẩm hữu ích. Dù chỉ là vật dụng đơn giản, nhưng đã giải phóng được sức lao động cho nhà nông.

Làm nghề nông hơn 20 năm nay, cũng là ngần ấy thời gian ông Phạm Văn Oanh, ở xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, gắn bó với nghề nuôi vịt. Mỗi lứa vịt ông bắt hơn 100 con, vừa để kiếm thêm thu nhập, vừa để tận dụng được lúa rơi sau vụ cắt. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có lúa cho vịt chạy đồng nên vợ chồng ông phải kiếm thêm thức ăn độn. Thức ăn dễ kiếm và tiết kiệm nhất là chuối cây bằm nhuyễn và trộn với cám. Mỗi lần cho vịt ăn là vợ chồng ông còng lưng bằm chuối. Lâu ngày dài tháng rất vất vả, với lại tuổi của vợ chồng ông cũng đã lớn nên không còn sức lực, vì vậy ông Oanh đã nghĩ ra cách bằm chuối vừa nhanh mà hiệu quả. Đó là sáng chế chiếc thùng bê loại 20 lít thành cái cối. Bên dưới thùng lót một miếng ván có bề dày khoảng 3cm. Còn dao bằm chuối được ông thay bằng một lưỡi len đào đất. Ông Oanh cho biết: “Với sức lực của phụ nữ trên 50 tuổi cũng có thể bằm nhuyễn một thùng bê chuối trong vòng 20 phút. Nếu bằm bằng dao và thớt thông thường thì một thùng chuối cho 100 con vịt ăn mất khoảng 40 phút”. Tuy sáng chế của ông Oanh khá đơn giản, không lớn, nhưng có tính ứng dụng và thực tế rất cao. Thấy ông Oanh làm nhanh gọn, nhiều hộ nuôi vịt gần đó cũng về làm theo.

Mỗi chiếc cối, ông Năm bán được 350.000 đồng, thu lời đủ cho chi phí sinh hoạt của vợ chồng ông.

Sáng tạo hơn, ông Nguyễn Văn Năm, ở ấp Bàu Môn, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, thì chế tạo ra chiếc cối xay chuối. Chiếc cối của ông Năm có thể giúp người nuôi vịt rút ngắn 1/4 thời gian bằm chuối. Ông Năm chia sẻ: “Hồi đó vợ chồng tôi nuôi vịt, ngỗng mấy trăm con. Nhà có 2 công ruộng không đủ lúa chét cho ăn nên phải độn thêm chuối. Vì già nên bằm không nổi, tôi mới nghĩ và chế ra cái cối xay chuối này”.

Ông Năm dựa theo nguyên lý hoạt động của cối xay thịt, cá làm căn bản để chế tạo cối và vận dụng tay nghề thợ mộc hơn 30 năm kinh nghiệm để làm. Nhưng theo ông, khó nhất là làm sao cho các răng cưa của cối không bị chạm vào nhau, đan xen và quay liên tục nghiền nát được chuối. Rồi sau 2 lần thất bại, sửa chữa, ông cũng thành công. Nếu trước kia, ông phải mất gần một ngày mới hoàn thành chiếc cối thì bây giờ ông chỉ cần hơn buổi là xong. Chiếc cối này được cấu tạo từ 4 mảnh ván có diện tích 30x40cm, có 4 chân gỗ và một trục quay tay bằng gỗ. Trong thân cối là những bánh răng được ông Năm tỉ mỉ đóng từng chiếc đinh 5 phân. Bánh răng này có nhiệm vụ nghiền nát và lùa chuối đã được cắt khoanh từ trước. Giá bán của cối cũng rất bình dân, dễ xài, chỉ 350.000 đồng/chiếc. Ông Năm cho biết thêm: “Hơn một năm nay, tôi bán được trên 100 cái cối rồi. Lúc đó bán với giá 300.000 đồng/cái, nhưng năm nay giá vật liệu gỗ, ốc vít lên nên tôi phải lên giá thêm 50.000 đồng/chiếc cối. Nhưng số lượng cối làm ra được người tiêu dùng mua đều đều, không ai chê mắc”.

Cũng tâm đắc với chiếc cối xay chuối này, ông Trương Văng Sang, ngụ cùng ấp với ông Năm cũng đã sắm cho gia đình một chiếc. Ông Sang chia sẻ: “Tôi năm nào cũng nuôi 2 lứa vịt từ 100 con trở lên. Thấy vợ bằm chuối cực và mất thời gian quá nên khi thấy ông Năm có cái cối tiện lợi này là tôi mua liền. Với cái cối này, con trai tôi cũng có thể giúp mẹ xay chuối cho vịt ăn vì cối xay nhanh, nhẹ tay quay”.

Giờ đây, vì tuổi cao nên ông Năm không còn nuôi vịt mà dành thời gian để sản xuất ra nhiều cối xay hơn nữa để bán cho người tiêu dùng. Mỗi đợt, ông làm từ 5-10 chiếc để sẵn. Ông còn nhờ các con đăng trên mạng internet để bán. Mỗi tháng, trung bình ông Năm bán được ít nhất 10 chiếc cối, thu lời khoảng 100.000 đồng/cái. Thu nhập từ bán cối xay cũng đủ cho sinh hoạt của vợ chồng ông, không phải phiền các con lo lắng.

Dù lớn tuổi nhưng những nông dân cần cù vẫn tiếp tục sáng tạo. Bằng tất cả kinh nghiệm từ cuộc sống và bàn tay khéo léo, các ông đã chế tạo ra những vật dụng hữu ích. Tuy đó chỉ là những sáng chế đơn giản nhưng đã đem lại lợi ích nhất định cho cuộc sống, giúp bà con nông dân rút ngắn được thời gian lao động và công sức khi làm nông. Từ đó, tận dụng được quỹ thời gian để làm thêm những công việc khác, mang thêm thu nhập cho gia đình.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>