Tăng lợi nhuận nhờ giảm lượng hạt giống gieo sạ

14/12/2017 | 08:31 GMT+7

Ngày nay, trong canh tác lúa, giảm được lượng giống gieo sạ sẽ giúp nông dân tiết kiệm chi phí ban đầu, cũng như lượng thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, năng suất vẫn đạt cao hơn so với sản xuất truyền thống. Đó là hiệu quả của mô hình “Giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa” (gọi tắt là mô hình) do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mang lại cho bà con xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ.

Theo ông Nguyễn Văn Lành (đứng), làm mô hình giảm lượng giống gieo sạ giúp ông tăng lợi nhuận và giảm chi phí sản xuất.

Mô hình đã được triển khai  thực hiện trong vụ Hè thu, Thu đông ở xã với quy mô 30ha x 2 vụ và 25 hộ nông dân tham gia. Chủ trì thực hiện mô hình, kỹ sư Lê Minh Chiến, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: “Đây là mô hình nằm trong dự án “Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa tại đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung bộ”, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện. Dự án nhằm tạo thói quen sử dụng vừa phải lượng giống gieo sạ cho nông dân. Từ đó, giúp nông dân tăng ít nhất 15% thu nhập. Chất lượng hạt gạo làm ra cũng đạt cao hơn nhờ giảm lượng phân, thuốc sử dụng trong quá trình canh tác”.

Tại đây, kỹ sư Lê Minh Chiến đã xây dựng mô hình giảm lượng lúa giống gieo sạ chỉ với 80kg/ha. Trong khuôn khổ thực hiện, mô hình còn tổ chức tập huấn, đào tạo cho 25 hộ nông dân và nhiều hộ trong địa phương. Bà con đã được tiếp cận với cách làm lúa ít tốn giống, áp dụng phương pháp 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm; ngoài ra, còn áp dụng được các biện pháp khoa học kỹ thuật mới như cấy mạ bằng máy, sạ hàng,… để giảm công lao động.

Qua 2 vụ lúa thực hiện theo cách làm mới, nhiều nông dân đã dần thích nghi và đánh giá cao hiệu quả mô hình đem lại. Ông Nguyễn Văn Lành, ở ấp 4, cho biết: “Qua 2 vụ tôi cấy lúa bằng máy đã giảm được 6-8kg lúa giống/công đất. Số lần phun thuốc trừ sâu cũng giảm chỉ còn 3 lần/vụ vì mật độ thưa, lúa ít bị sâu hại tấn công, cây lúa hút được nhiều dinh dưỡng, to khỏe, sức đề kháng mạnh hơn. Số chồi hữu hiệu ra nhiều, hạt chắc được đảm bảo nên năng suất lúa cao đạt 500kg công, tăng so với những năm trước”. Còn theo ông Doanh Hương, ngụ cùng ấp, thì mô hình giảm lượng giống gieo sạ làm cho việc đồng áng nhẹ nhàng hơn. Ông cho biết: “Hồi đó tôi xài hơn 20kg lúa giống gieo sạ nhưng năng suất cũng vậy, có khi thấp hơn vì bị đổ ngã, sâu hại tấn công. Còn bây giờ, làm ít mà được nhiều, không phải đi phun thuốc hoài, ở nhà nghỉ ngơi khỏe khoắn và không bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu nữa”.

Ông Nguyễn Sơn Tùng, ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, nhận xét: “Trước đây, trong vụ lúa Hè thu và Thu đông sạ dày đã làm cho đồng lúa của bà con bị đổ ngã, năng suất kém. Làm theo mô hình này, chi phí giảm mà hạn chế độ ngã, thu nhập tăng. Cách làm này giảm được nhiều lần phun xịt thuốc, đảm bảo chất lượng và không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong hạt gạo, cũng bảo vệ được môi trường. Vì vậy, hy vọng với cách làm này, nông dân sẽ sản xuất gạo an toàn, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính với giá bán cao, lợi nhuận tăng”.

Hiệu quả kinh tế của mô hình còn đem lại nhiều lợi ích kép cho nông dân. Theo kết quả thu được qua 2 vụ thử nghiệm. Chi phí giảm từ 2.659.000-2.913.000 đồng/ha, so với mô hình đối chứng bên ngoài giảm được 16,09-17,66%. Điều này chứng tỏ, lợi nhuận cũng tăng hơn 2 triệu đồng/ha. Ngoài ra, số lần phun thuốc giảm trung bình còn 2 lần phun/vụ, tương ứng giảm hơn 700.000 đồng/vụ. Nếu so sánh với mô hình đối chứng thì vụ lúa Hè thu là 49,6%, vụ Thu đông đạt 78,9%.

Với cách làm của mô hình, nhìn chung đã giảm được từ 5-12kg lúa giống so với cách canh tác cũ của nông dân. Bởi, từ trước đến nay, bà con vẫn quen với quan niệm trồng nhiều thì cho lúa nhiều. Qua nghiên cứu đã khẳng định, số bông có quan hệ nghịch với số hạt trên bông và trọng lượng hạt. Từ đó, khi giảm mật độ cây, số hạt trên bông và trọng lượng hạt tăng theo. Số liệu thống kê cho thấy, số bông/m2 của ruộng trong mô hình đạt từ trung bình 476 bông, ngoài mô hình thấp hơn chỉ đạt 469 bông. Như vậy, nhờ gieo sạ thưa mà tỷ lệ nảy chồi nhiều, đảm bảo đến cuối vụ nên cho số hạt chắc cao hơn, mặc dù có lượng giống gieo sạ chỉ 1/3 so ruộng ngoài mô hình.

Như vậy, nhờ áp dụng giảm lượng giống gieo sạ, kết hợp các tiến bộ mới kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” mà nông dân đã gặt hái được kết quả tốt hơn trong canh tác lúa. “Dự án đã được tổng kết, bà con ai nấy đều thấy được hiệu quả mang lại là lợi nhuận tăng hơn rất nhiều. Chính vì thế, trong những vụ tới, bà con chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục thực hiện cùng nhau nhân rộng trong toàn xã để cùng nhau mang lại lợi ích chung cho cộng đồng, cùng nhau làm ra hạt gạo chất lượng và bảo vệ được môi trường sống chung cho mọi người”, ông Nguyễn Sơn Tùng chia sẻ.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>