Triển vọng mô hình kết hợp

16/05/2018 | 07:42 GMT+7

Nhờ năng động trong sản xuất và tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp nên ở huyện Long Mỹ đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả. Mới đây, mô hình trồng bồn bồn kết hợp thả cá đã cho thấy kết quả khả quan.

Theo ông Chiến, trồng bồn bồn rất nhàn, ít chăm sóc và ít tốn chi phí điều trị sâu bệnh.

Ông Lê Văn Chiến, ở ấp 2, xã Vĩnh Viễn, hộ thực hiện mô hình chia sẻ: “Trồng bồn bồn khỏe lắm không cần chăm sóc nhiều và nhất là không phải cấy đi cấy lại như lúa, bởi cây tự nở bụi. Hơn nữa, không có sâu hại gì nên không tốn chi phí để mua thuốc phun trừ”. Hơn 3 tháng qua, dù trồng 5 công bồn bồn nhưng công việc của ông Chiến chỉ là thu hoạch bồn bồn bán lấy tiền. Bắt đầu cải tạo đất từ sau tết, đến nay đã vào đầu mùa mưa cũng là mùa thu hoạch, mùa “hái tiền” của ông Chiến. Ông Chiến bày tỏ: “Theo chỉ dẫn của giảng viên Trường Đại học Cần Thơ và các cán bộ kỹ thuật làm mô hình thì thời gian thu hoạch bồn bồn có thể kéo dài đến cuối năm. Năng suất trung bình 150kg lõi non/1.000m2. Mỗi ngày tôi và vợ cắt được 30kg, bán với giá 25.000 đồng/kg nên thu nhập rất khá. Sau khi nhổ bồn bồn mang về nhà, chỉ cần cắt lấy phần có lõi non từ dưới gốc lên khoảng 30cm, sau đó dùng dao nhỏ chẻ dọc theo 1/3 thân cây để tách lấy lõi non, rửa sạch rồi đem bán”.

Theo PGS.TS Bùi Thị Nga, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, đơn vị triển khai mô hình thì bồn bồn còn được gọi là cỏ nến, là loài thực vật sống ở vùng đất ngập nước phát triển trong ao hồ hoặc mé sông - nơi có dòng chảy chậm. Sau 3 tháng trồng thì có thể nhổ bán được và 1ha bồn bồn thu hoạch được 1,4-1,5 tấn lõi non/tháng. Khi triển khai mô hình này, trường đã hướng dẫn bà con trồng bồn bồn kết hợp với nuôi thủy sản. Ở mô hình của ông Chiến thì chọn thả cá lóc đồng và cá trê. Mô hình không tốn tiền mua thức ăn vì ruộng có khai dòng chảy từ ngoài kênh vào có nhiều cá, tép nhỏ đã tạo thức ăn tự nhiên cho cá. Dự kiến sau 6 tháng nuôi là có thể thu hoạch cá. Mô hình này sẽ giúp nhân đôi hiệu quả kinh tế so với độc canh con tôm, cá hay trồng lúa. Hơn nữa, bồn bồn có vai trò điều hòa sinh thái nên nông dân không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc chữa bệnh cho tôm, cá trong ao có trồng bồn bồn. Cá của mô hình là cá đồng tự nhiên nên sẽ bán được với giá từ 80.000-100.000 đồng/kg.

Ông Chiến chia sẻ thêm: “Gần tháng nay, gia đình tôi đều có thu nhập vài trăm ngàn đồng/ngày nhờ bán bồn bồn. Còn cá thì cuối năm nay sẽ thu hoạch và đã có mối đặt hàng với giá thu mua trên 80.000 đồng/kg. Nếu so với mô hình làm ruộng trước kia thì làm mô hình này nhẹ nhàng mà hiệu quả cao. Sau tập huấn mô hình, hiện có gần 20 hộ trong và ngoài xã đã bắt đầu cải tạo ruộng để làm theo”.

Theo ông Chiến nhẩm tính, nếu nông dân tự làm, kinh phí cho 1 công ruộng chưa đến 10 triệu đồng để mua cây giống và cá giống. Chi phí này không cao nên dự kiến sắp tới ông sẽ tiếp tục thực hiện và mở rộng diện tích canh tác trên những mảnh ruộng còn lại của mình. Ông Đào Văn Trung, ở ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, cho hay: “Tôi có tham gia lớp tập huấn mô hình này thấy cũng khá dễ thực hiện. Hiện tại ruộng nhà tôi bị phèn, trũng, làm lúa không trúng nên tôi cũng đang học hỏi thêm kinh nghiệm để làm theo”.

Trưởng trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ Lâm Văn Việt cho biết: Khi làm mô hình, Trường Đại học Cần Thơ đã hỗ trợ hộ ông Chiến 5.200 bụi bồn bồn giống, 2.200 con cá lóc đồng. Chỉ mới sau 3 tháng mà mô hình này thấy thích hợp với vùng đất trũng trồng lúa kém hiệu quả. Mới đây, trạm đã kết hợp với Trường Đại học Cần Thơ triển khai mô hình và tập huấn cho 20 bà con nông dân nơi có ruộng kém hiệu quả để giúp bà con có thể thay thế cây lúa mà vẫn cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho gia đình.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>