Xử lý nghiêm để răn đe

10/11/2017 | 08:26 GMT+7

Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh rất được dư luận quan tâm, nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý của ngành chức năng và chính quyền địa phương vẫn chưa đủ sức răn đe.

Đợt kiểm tra ATTP tại cơ sở M.P.

Còn nhẹ tay

Trong đợt kiểm tra VSATTP năm 2017 vừa qua của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh tại cơ sở sản xuất bánh M.P (thành phố Vị Thanh), cơ sở này vi phạm giấy công bố tiêu chuẩn sản phẩm hết hạn hơn 2 năm, khu sản xuất còn bề bộn, nhiều bụi bặm, chưa có phòng riêng để thay đồ bảo hộ lao động… Cơ sở này sau đó bị tạm đình chỉ hoạt động, nhưng không phạt tiền và trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra có hướng dẫn cụ thể, tận tình để cơ sở nhanh chóng khắc phục lỗi vi phạm. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở đối với các cơ sở là điều cần thiết, tuy nhiên, lại có ý kiến bày tỏ là với những cơ sở có vi phạm như cơ sở M.P nên có xử phạt để răn đe, vì đã vi phạm khá lâu và quan trọng hơn khi kinh doanh cơ sở phải hiểu VSATTP, nhưng không thực hiện đúng, thì đáng bị phạt.

Từ câu chuyện trên cho thấy, việc xử lý nghiêm khi kiểm tra các vấn đề về VSATTP rất được dư luận quan tâm. Mới đây, tại những buổi giám sát của Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh về việc thực hiện an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý của Sở Y tế trên địa bàn tỉnh, vấn đề này được lưu ý nhiều. Theo đánh giá chung của đoàn giám sát, việc xử lý vi phạm ở các địa phương còn khá nhẹ tay, đặc biệt là việc phạt tiền. Tại huyện Châu Thành, từ năm 2014 đến nay đã kiểm tra 3.029 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có 669 cơ sở không đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 22,1%. Tuy nhiên, các đoàn kiểm tra chỉ phạt cảnh cáo 10 lượt cơ sở; phạt tiền 9 lượt cơ sở, với tổng số tiền phạt là 3,7 triệu đồng. Giải thích về điều này, ông Huỳnh Văn Tiền, Phó phòng Y tế huyện Châu Thành, nói: “Do đa phần các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều phân bố dàn trải, không tập trung, quy mô nhỏ lẻ, kinh doanh hộ gia đình, theo thời vụ hoặc thức ăn đường phố,… nên còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý và xử phạt”.

Thực trạng này cũng đang là khó khăn chung và diễn ra trên địa bàn huyện Vị Thủy. Theo báo cáo, trong gần 4 năm qua, trên địa bàn huyện ghi nhận 403 số cơ sở vi phạm bị xử lý, tuy nhiên những trường hợp này chỉ được xử lý dưới hình thức nhắc nhở. Ông Nguyễn Văn Lượng, Trưởng phòng Y tế huyện Vị Thủy, cho biết: “Chúng tôi rất khó trong việc xử phạt tiền bởi đa phần đều là cơ sở nhỏ lẻ. Đa phần họ đều mắc lỗi như chưa khám sức khỏe, xác nhận kiến thức và vệ sinh chưa tốt; hoặc cơ sở đang thẩm định để cấp phép”.

Việc xử lý nghiêm các trường hợp mất VSATTP là thật sự cần thiết bởi đây đang là vấn đề nóng được nhiều người quan tâm. Theo báo cáo của Sở Y tế từ ngày 1-12-2014 đến hết tháng 10-2017, chỉ có 430 cơ sở vi phạm bị xử lý, trong đó có 135 cơ sở bị phạt tiền, với tổng số tiền gần 375 triệu đồng. Chia sẻ về những hạn chế trong quá trình xử lý vi phạm, ông Lê Văn Khởi, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, bày tỏ: “Do nguồn nhân lực trong công tác quản lý còn thiếu, nhất là tuyến xã các cán bộ phụ trách thường xuyên thay đổi. Ngoài ra, một số cán bộ mới chưa qua đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ như công tác thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm,… Tuy nhiên việc mở lớp tập huấn cho cán bộ vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu hụt kinh phí”.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành y tế luôn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện tốt vấn đề này. Một con số ấn tượng 24.341 lượt thanh tra, kiểm tra diễn ra trong gần 4 năm qua là một minh chứng cho sự cố gắng không mệt mỏi. Tuy nhiên, để vấn đề VSATTP trên địa bàn tỉnh có nhiều bước tiến, đòi hỏi cả một quá trình.

Cần sự vào cuộc của các cấp

Việc đảm bảo VSATTP không phải là trách nhiệm riêng của ngành y tế, mà là nhờ vào sự quan tâm, chỉ đạo từ các ngành, các cấp. Ông Nguyễn Hữu Tình, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, lưu ý: “Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh cần có quá trình triển khai cụ thể nhằm thống nhất trong nhận thức và vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương để việc thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cần được kiện toàn, củng cố; ban hành quy chế hoạt động cụ thể, thể hiện được trách nhiệm cụ thể của từng ngành, từng cấp; có sơ kết, tổng kết đánh giá những mặt chưa làm được để hạn chế và phát huy ưu điểm”.

Mạng lưới thực hiện công tác đảm bảo VSATTP khá đầy đủ gồm Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; 8 huyện, thị xã, thành phố đều có thành lập Khoa An toàn thực phẩm; 76 xã, phường, thị trấn đều có cán bộ chuyên trách an toàn thực phẩm. Hàng năm, tỉnh, huyện đều tổ chức “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” với những chủ đề khác nhau, đáp ứng các tình hình bức xúc của xã hội như “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố” năm 2014; “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn” năm 2015; “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn” năm 2016 và năm 2017 là “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn”. Ông Nguyễn Quốc Ca, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, cho biết: “Tôi đánh giá cao sự nỗ lực, thực hiện khá tốt về công tác VSATTP trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Các đơn vị liên quan đều hoạt động nề nếp, đều tay và thường xuyên. Hiệu quả này được biểu hiện cụ thể khi nhận thức, ý thức người dân từng bước được nâng lên, các cơ sở vi phạm các quy định về VSATTP giảm rõ rệt”.

Quản lý chặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh một cách có hiệu quả

Trong quá trình thực hiện việc đảm bảo VSATTP cũng còn nhiều hạn chế khi hoạt động vi phạm ngày càng tinh vi, nhất là vào các dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động VSATTP, Tết Trung thu,… Do đó, để thực hiện hiệu quả vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tình, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, lưu ý các địa phương cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền từ chiều rộng lẫn chiều sâu, nâng cao nhận thức người dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm cần có những kế hoạch cụ thể nhằm quản lý chặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh một cách có hiệu quả.

 

Bài, ảnh: H.N

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>