Đặt hàng nghiên cứu khoa học

21/03/2019 | 08:13 GMT+7

Những năm gần đây, ngành khoa học và công nghệ tỉnh đã đẩy mạnh đặt hàng nghiên cứu khoa học từ các sở, ngành địa phương. Qua đó, kết quả nghiên cứu được gắn với hướng giải quyết những bức xúc từ nhu cầu thực tế của ngành, địa phương trong tỉnh.

Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ theo đơn đặt hàng của các ngành giúp nông sản của tỉnh được gia tăng năng suất, chất lượng.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lê Xuân Tý đã từng chia sẻ: Dư luận về kết quả nghiên cứu của phần lớn các đề tài, dự án được Nhà nước cấp kinh phí, sau khi nghiệm thu đều vướng mắc trong việc chuyển giao vào sản xuất và đời sống. Nguyên nhân là đơn vị tiếp nhận chưa có kinh phí nhận chuyển giao hoặc nhiều lý do khách quan khác. Đây là lý do khiến nhiều kết quả nghiên cứu nằm trong ngăn tủ mà chưa có được cơ hội ứng dụng với đời sống thực tế. Bên cạnh đó, việc gắn kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp luôn gặp những rào cản. Đa số doanh nghiệp chỉ quan tâm tới lợi nhuận, trong khi đó nhà khoa học lại chỉ quan tâm tới nghiên cứu, kiến thức và điều kiện để thương mại hóa kết quả nghiên cứu thì còn rất hạn chế.

Chính vì những lý do trên, một trong những giải pháp hiện nay đó là đặt hàng nghiên cứu từ nhu cầu thực tế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoặc tổ chức trong tỉnh. Thông qua các kết quả nghiên cứu sẽ tìm ra được nguyên nhân giải quyết hay hướng đi mới cho vấn đề gút mắt. Và giải pháp này được thực hiện vài năm trở lại đây đã đem lại một số kết quả tích cực cho thực tế công việc cũng như tình hình sản xuất của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Được thực hiện bằng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ tỉnh với số tiền khá khiêm tốn nhưng đề tài “Nghiên cứu nguyên nhân gây ra hiện tượng xơ đen và biện pháp khắc phục trên mít Chanrai”, do PGS.TS Lê Văn Bé, Trường Đại học Cần Thơ, thực hiện đã đem lại niềm phấn khởi cho người trồng mít trên địa bàn huyện Châu Thành. Hiện tượng xơ đen xuất hiện đã gây thiệt hại nặng nề cho nhà vườn, thậm chí người dân thất thu mít lên đến bạc triệu/tuần. Bởi trái mít bị xơ đen vừa mất giá trị về hình dáng mà còn làm giảm vị ngọt. Qua nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài đã đặt ra 2 giả thuyết về nguyên nhân của hiện tượng xơ đen là: do mưa nhiều nên hoa cái không thể nhận phấn và do tác nhân nấm hoặc vi khuẩn gây ra. Kết quả nghiên cứu đã tìm ra nguyên nhân là do nước mưa, do chủng vi sinh vật làm nhiễm bệnh. Từ đó, chủ nhiệm đưa ra được giải pháp phòng tránh là dùng miếng ni-lông làm mái che, tránh nước mưa tiếp xúc và tìm ra chủng vi khuẩn để dùng loại thuốc trị phù hợp. Các nghiên cứu của PGS.TS Bé được chính nhà vườn đánh giá có giảm hiện tượng xơ đen khoảng 40% so với không che hay bao trái. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu nhất trong giai đoạn chờ kết quả nghiên cứu tìm ra chủng vi khuẩn của PGS.TS Lê Văn Bé.

Các nghiên cứu của lĩnh vực khác như khoa học kỹ thuật cũng giúp các ngành chức năng hoạch định ra được kế hoạch trong thực hiện chuyên môn nghiệp vụ. Như đề tài “Điều tra cơ bản, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng và xác định các vấn đề ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học”. Đề tài do PGS.TS Trương Hoàng Đan, Trường Đại học Cần Thơ, làm chủ nhiệm. Đề tài thực hiện theo đơn đặt hàng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Qua hơn 1 năm thực hiện, chủ nhiệm đã điều tra ra hiện trạng động thực vật tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Qua kết quả nghiên cứu đã điều tra và bổ sung, củng cố cơ sở dữ liệu các loài mới phát hiện vào danh mục cũng như đề nghị loại khỏi danh mục những loài không phù hợp. Từ đó, giúp ngành kiểm lâm tỉnh, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng nắm bắt được thông tin của một số loài động vật đặc trưng của khu hệ sinh thái ngập nước nơi đây. Từ đó, có kế hoạch bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học cho Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.

Kế thừa những thành công này, năm nay ngành khoa học và công nghệ tỉnh tiếp tục thông báo, kêu gọi đơn đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ của tỉnh. Qua thông báo, ngành đã nhận được 23 hồ sơ và tuyển chọn được 14 nhiệm vụ có nhu cầu bức thiết nhất. Ông Lê Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thông tin: Các nhiệm vụ năm nay đều khá sát với nhu cầu thực tế của tỉnh trên mọi lĩnh vực. Trong đó, chiếm ưu thế vẫn là đơn đặt hàng của ngành nông nghiệp để phục vụ cho sản xuất của bà con tỉnh Hậu Giang. Trong số 14 nhiệm vụ thì có 11 nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh như “Phát triển hệ thống giám sát và phần mềm cảnh báo sớm rủi ro dịch bệnh phục vụ cho ngành nông nghiệp tỉnh”; “Xây dựng mô hình nâng cao năng suất và phẩm chất bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”...

Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, chia sẻ: Sở dĩ, ngành đặt hàng nhiều nhiệm vụ khoa học vì tỉnh là chuyên về nông nghiệp. Hơn nữa, theo chủ trương của tỉnh, ngành nông nghiệp đang tập trung quảng bá và gìn giữ thương hiệu cho nông sản chủ lực của tỉnh như mãng cầu Hậu Giang, bưởi da xanh đang xây dựng nhãn hiệu hàng hóa… Các đặt hàng nghiên cứu sẽ góp phần giúp gia tăng năng suất và phẩm chất cho nông sản của tỉnh. Hoặc với nhiệm vụ “Phát triển hệ thống giám sát và phần mềm cảnh báo sớm rủi ro dịch bệnh phục vụ cho ngành nông nghiệp tỉnh” sẽ giúp ngành kịp đưa ra cảnh báo sớm cho các cây chủ lực như họ bầu, bí, dưa hay cây mãng cầu, phục vụ cho số đông nông dân đang canh tác những loại cây trồng này. Từ đây, ngành nông nghiệp, nông dân sẽ có những giải pháp phòng tránh kịp thời, hạn chế rủi ro do thời tiết, dịch bệnh.

Có thể thấy rằng, giải pháp đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ thông qua yêu cầu của các ngành mà Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đang làm đã giải quyết bài toán “đề tài xếp ngăn kéo”. Những nhiệm vụ khoa học sát với thực tế sẽ thúc đẩy mối liên kết giữa các ngành chức năng với địa phương và gắn kết với nông dân. Từ đó, những nghiên cứu mới thật sự mang tính khả thi cao, phát huy hiệu quả ứng dụng vào sản xuất và đời sống trong thời gian nhanh nhất.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>