Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ

09/11/2017 | 07:03 GMT+7

Năm năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện hoạt động KH&CN đúng mục tiêu, nội dung, bước đầu đáp ứng một số nhu cầu bức thiết, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Người trồng khóm của tỉnh tiếp tục phát triển kinh tế và mở rộng quy mô nhờ khoa học công nghệ tìm ra cây khóm sạch bệnh héo khô đầu lá.

Trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, KH&CN đã thể hiện rõ vai trò là tác nhân thúc đẩy sự phát triển. Điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhà khoa học tỉnh nhà đã tập trung nghiên cứu, thử nghiệm các loại cây trồng có thế mạnh. Cùng với đó là xây dựng mô hình điểm và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Đối với cây lúa, mía, khóm và gia cầm đã tìm được nhiều giống thích hợp, có năng suất cao và thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Từ đó, giúp cung ứng được nhu cầu cây, con giống trong sản xuất cho nông dân. Thực hiện các đề tài nghiên cứu về bảo tồn, phục tráng và phát triển các giống cây trồng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa như: khóm Queen Cầu Đúc Hậu Giang, chuối cấy mô, mía K88-200, KK6...

Đặc biệt, công tác ứng dụng chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô tế bào được đẩy mạnh thực hiện. Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh đã áp dụng hiệu quả công nghệ sinh học cấy mô đỉnh sinh trưởng để tìm ra dòng cây sạch bệnh vi-rút PMWaV2 trên khóm, giúp khôi phục dòng khóm Queen Cầu Đúc sạch bệnh héo khô đầu lá. Song song đó, hàng năm sản xuất ra hàng ngàn bịch phôi nấm xanh để giúp nông dân sử dụng sản phẩm sinh học vào sản xuất lúa. Dòng chuối cấy mô cũng được nuôi tạo với độ đồng đều cao, năng suất cải thiện để cung cấp cho nhiều địa phương phát triển mô hình sản xuất.

Các đề tài trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn được triển khai cũng giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội của địa phương. Đề tài được nghiên cứu về lịch sử, văn hóa đã gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như đề tài “Xây dựng (thí điểm) mô hình du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”, do Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang Nguyễn Duy Tân làm chủ nhiệm; đề tài “Văn hóa Hậu Giang xưa và nay” do thạc sĩ Nguyễn Thúy Diễm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm chủ nhiệm... Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu ra các chính sách để thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực, thủ tục hành chính cho tỉnh.

Nhìn chung, qua 5 năm đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ được triển khai thực hiện từ cấp tỉnh đến cơ sở đã từng bước nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển, ứng dụng KH&CN vào thực tiễn. Nông dân và các tầng lớp xã hội đã hiểu rõ và ứng dụng trong mọi lĩnh vực nghiên cứu, học tập, sản xuất góp phần tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Hậu Giang. Tuy nhiên, việc đưa khoa học công nghệ phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn gặp một số khó khăn như: các đề xuất trên lĩnh vực kinh tế - xã hội còn hạn chế, chỉ tập trung cho ngành nông nghiệp và khoa học xã hội nhân văn. Do đó, sự đóng góp của nghiên cứu khoa học cho công tác tham mưu, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội còn hạn chế, chưa phát huy tối đa tiềm lực kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển KH&CN của tỉnh còn hạn chế, kinh phí dành cho sự nghiệp khoa học hàng năm phân bổ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hàng năm, số đề xuất khoa học được xét chọn còn khá ít, chỉ dao động từ 8-11 đề tài, dự án. Sự phối hợp, ứng dụng khoa học vào thực tế chưa được doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào kinh doanh nên công tác phát triển quy mô sản xuất bị hạn chế phần nào.

Để tiếp tục đưa KH&CN đến gần thực tế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, trong thời gian tới, ngành KH&CN đã đặt ra mục tiêu là đề xuất tỉnh hỗ trợ ngân sách tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao tiềm lực KH&CN cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ. Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thực hiện tin học hóa trong công tác quản lý khoa học, tăng cường đầu tư tiềm lực cho cấp huyện để tạo điều kiện cho khoa học cơ sở phát triển. Để từ đó, khoa học mạnh từ địa phương, đẩy mạnh bối cảnh hội nhập của cả hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội của cả tỉnh.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>