Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ

26/07/2018 | 08:24 GMT+7

Hiện nay, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh không chỉ nghiên cứu và ứng dụng cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, mà còn hướng đến phục vụ các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chính trị các ngành.

Xây dựng mô hình thử nghiệm trồng mãng cầu xiêm Thái lưỡng tính sẽ giúp nông dân giảm chi phí, giải phóng sức lao động.

Trong những năm qua, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ (trung tâm) thuộc Sở KH&CN tỉnh đã duy trì và nâng cao năng lực phòng thí nghiệm (PTN) theo chuẩn ISO/IEC 1702. Kết quả của năm 2017 PTN nhận được 14 mẫu do 9 đơn vị gửi mẫu là các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với tổng số chỉ tiêu là 118, trong đó số chỉ tiêu gửi nhà thầu phụ phân tích là 75, số chỉ tiêu cán bộ trung tâm phân tích được là 43. Hoạt động này một phần giúp đáp ứng cho nhiệm vụ của các cơ quan, sở, ngành, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh.

Theo chức năng nhiệm vụ, PTN đã thực hiện cho ra những con số phân tích, đánh giá chất lượng nước uống (màu, độ đục, pH, TDS, TSS); phân tích kim loại trong nước (Fe, Cu, Zn, Mn, Cr, Ni, Na, K); hiệu chuẩn 8 máy móc thiết bị (máy AAS, cân phân tích…) định kỳ hàng năm theo yêu cầu của hệ thống. Theo lãnh đạo trung tâm, hướng tới sẽ tiếp tục duy trì PTN đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2005, tiến tới được công nhận đủ điều kiện phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm năm 2019. Theo đó, trung tâm cử 2 kỹ thuật viên tham gia lớp đào tạo kiểm xạ - kiểm định (X-quang, thiết bị chụp cắt lớp vi tính, thiết bị tăng sáng truyền hình) tại Bình Dương; phân tích các chỉ tiêu kim loại nặng trong đất do khách hàng cung cấp để phục vụ nhu cầu phát triển vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Bên cạnh việc sử dụng PTN, trung tâm còn tiếp tục nghiên cứu sản xuất, nhân giống cây trồng theo phương pháp cấy mô. Đó là chuối cấy mô đã được ứng dụng rộng rãi trên địa bàn huyện Phụng Hiệp và nay được nhân rộng ra các địa phương khác. Cùng với đó, nhiệm vụ bảo tồn gen cho cây trồng trong điều kiện nhà lưới được đặt lên hàng đầu nhằm gìn giữ phẩm chất nông sản quý của tỉnh. Kỹ sư Võ Đức Thái, chuyên viên trung tâm, cho biết: “Hiện tại, quýt đường đang bị dịch bệnh hoành hành nên chúng tôi thực hiện nhiệm vụ bảo tồn để lưu giữ nguồn giống sạch. Sau đó sẽ nhân rộng, cung cấp cho người dân muốn mở diện tích trồng quýt. Còn đối với khóm Queen Cầu Đúc thì đây là giống đặc sản của địa phương thì lưu giữ, bảo tồn nguồn gen là rất quan trọng, đề phòng trường hợp bị dịch bệnh, thoái hóa giống”.

Thông qua các nhiệm vụ KH&CN về việc tổ chức thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ mới, ngành đã giúp cho nhiều loại cây trồng đặc sản của địa phương. Các nghiên cứu, dự án đã từng bước phục tráng và phát triển thành công, góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng ngàn hộ dân, mà điển hình là việc Nghiên cứu phục tráng, bảo tồn nguồn gen khóm Queen Cầu Đúc, cá thát lát… Các công trình nghiên cứu này đã tạo được giống cây con sạch bệnh, mang đầy đủ các đặc tính của nông sản ban đầu. Từ đó, tạo cơ sở và sự yên tâm cho người dân nhân rộng mô hình sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa đặc sản của địa phương.

Cùng với đó, ngành KH&CN tỉnh cũng không ngừng cập nhật, nắm bắt thông tin về các công nghệ, kỹ thuật mới. Nhất là đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng, thử nghiệm các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào những giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao tại địa phương. Cụ thể là đã xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng thử nghiệm mãng cầu xiêm Thái lưỡng tính và quản lý dịch hại tổng hợp theo hướng an toàn. Mô hình không chỉ phục vụ định hướng quy hoạch vùng mãng cầu xiêm của tỉnh, nhu cầu sản xuất của người dân, còn hướng tới mục tiêu giúp nhà vườn giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất vì không phải nhọc công thụ phấn cho mãng cầu như trước. Còn đối với mô hình bồn cầu dân sinh bằng chất liệu composite tại huyện Phụng Hiệp do thạc sĩ Huỳnh Tấn Vụ, viên chức thuộc trung tâm triển khai thành công đã giúp cho địa phương xây dựng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

 Qua các nghiên cứu thực tiễn, ngành đã xác định được một số loại giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế. Những giống này phù hợp với điều kiện của từng vùng, góp phần chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, tạo ra hiệu quả kinh tế như: trồng cam mật không hạt theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng chuyên canh bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Long Mỹ…

Từ các công trình nghiên cứu ứng dụng KH&CN, năng suất và chất lượng một số cây chủ lực của tỉnh được nâng cao như: khóm đạt năng suất từ 20-30 tấn/ha/năm; chuối cấy mô cho năng suất cao hơn 40% so với giống chuối thông thường… Trong chăn nuôi, cá thát lát được nâng cao kỹ thuật nuôi cho con cá đạt chất lượng, tăng giá trị thương phẩm và phát triển thương hiệu.

Tuy nhiên, những đề tài, dự án ứng dụng trên thực tế thành công chưa nhiều. Để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới, cần lắm sự chung tay của chính quyền địa phương, sự thay đổi tích cực về nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, Hậu Giang cũng cần sự hợp tác, tăng cường đầu tư từ các doanh nghiệp. Bởi nguồn vốn này sẽ là “lửa mồi” giúp ngành KH&CN tỉnh được tiếp sức, tiếp tục tập trung xây dựng các mô hình chuỗi liên kết ứng dụng đầy đủ các công nghệ, thiết bị thông minh trong sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho tỉnh.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>