Giải pháp canh tác hiệu quả cho cây mãng cầu xiêm

02/11/2017 | 08:19 GMT+7

Mô hình sử dụng phân lân nung chảy và tưới tiết kiệm nước đã giúp cho cây mãng cầu xiêm ở huyện Long Mỹ và Phụng Hiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), ứng phó trước bất lợi của thời tiết. Mô hình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện hơn 1 năm qua với quy mô 13ha.

Đại diện Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình hướng dẫn bà con kỹ thuật bón phân lân nung chảy trên mô hình trồng thâm canh mãng cầu xiêm.

Chủ nhiệm dự án thạc sĩ Triệu Quốc Dương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: “Mô hình được thực hiện tại huyện Long Mỹ với 6,5ha và huyện Phụng Hiệp 6,5ha. Mục tiêu của dự án là giúp nông dân ứng dụng tiến bộ mới để cải tạo đất, nâng cao năng suất, chất lượng cho trái mãng cầu xiêm. Ngoài ra, mô hình tưới tiết kiệm nước kết hợp sẽ giúp nông dân hạn chế được nhân công lao động, giảm giá thành sản xuất”.

Kỹ thuật chính được áp dụng của mô hình là cải tạo đất bằng bón phân lân nung chảy và bổ sung phân hữu cơ cho đất. Tác dụng của phân lân nung chảy là hạ độ phèn, hỗ trợ bộ rễ phát triển, giúp lá trưởng thành nhanh hơn. Ngoài ra, phân lân nung chảy cũng thúc đẩy hoa nảy mầm tốt, phát triển mạnh, cho trái chất lượng. Việc kết hợp bón phân lân nung chảy và phân hữu cơ vừa giúp bổ sung dinh dưỡng cho cây, cải tạo đặc tính vật lý của đất, làm cho đất tơi xốp, vi sinh vật đất cũng phát triển mạnh vừa tạo ôxi cho bộ rễ phát triển dễ dàng hấp thu được dinh dưỡng trong đất một cách tối đa.

Thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã kết hợp với Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình tổ chức đưa phân bón phân nung chảy thí điểm tại một số vườn mãng cầu xiêm. Theo ông Dương Như Đức, đại diện Công ty Phân bón Ninh Bình thì phân lân nung chảy Ninh Bình có chứa trên 89% dưỡng chất gồm P205 (15-17%), MgO (14-18%), CaO (25-30%), SiO2 24-30%) cùng một số vi chất như Mn, Cu, Zn, B, Fe, Mo… là những chất rất cần thiết cho cây. Nhờ được nung chảy nên những dưỡng chất này dễ dàng được rễ cây hấp thu vào và gia tăng sinh trưởng cho lá, hoa, trái.

Qua thời gian thực hiện dự án, bước đầu nhiều nông dân đã cảm nhận được sự khác biệt của biện pháp bón phân mới này. Ông Võ Văn Phải, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Kết hợp bón phân vô cây, tôi thấy màu lá xanh và cứng lâu hơn, cải thiện được số lượng trái thấy rõ. Qua một vụ sử dụng cho thấy tỷ lệ ra hoa tăng 10-15%, số trái trên cây tăng khoảng 10% so với trước mà chất lượng trái vẫn lớn đồng đều nhau”. Thấy sử dụng hiệu quả, ông Phải đã hướng dẫn cho nhiều thành viên khác trong HTX cách sử dụng, kỹ thuật bón đúng theo từng giai đoạn cho trái ra hoa, đậu trái đồng đều. Mới đây, tại hội thảo tham quan mô hình trồng thâm canh mãng cầu xiêm thích ứng với biến đổi khí hậu, ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, ông Phải cũng đứng ra hướng dẫn tỉ mỉ cho nhiều bà con trong khu vực này cùng thực hiện.

Cũng tâm đắc với cách bón phân lân nung chảy, ông Trần Hoài Phong, Giám đốc HTX Mãng cầu xiêm Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, cho biết: “Nỗi lo lớn nhất của nhà vườn trồng mãng cầu xiêm là sợ kích thích ra trái nhiều sẽ suy kiệt cây. Nhưng theo phương pháp mà Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn thì đây là giải pháp để phát triển mãng cầu xiêm lâu dài. Bởi vừa có phân lân nung chảy làm hạ phèn, vừa kết hợp phân hữu cơ kịp thời bổ sung dưỡng chất đã giúp cây sinh trưởng, cho trái mà không sợ kiệt sức”.

Để cây mãng cầu xiêm trồng thâm canh thích ứng được biến đổi khí hậu thì việc kết hợp với mô hình xây dựng hệ thống tưới phun tiết kiệm nước trên cây ăn trái, rau màu hỗ trợ gia tăng hiệu quả. Mô hình này giúp người dân sử dụng nguồn tài nguyên nước một cách tiết kiệm, ứng phó được tình huống khan hiếm nước ngọt vào mùa khô do xâm nhập mặn của các địa phương. Ông Trần Hoài Phong cho biết thêm: “Tuy chi phí lắp đặt hệ thống tưới khá cao (20 triệu đồng/ha) nhưng mang lại hiệu quả hơn so với tưới truyền thống. Tưới tiết kiệm nước rất nhẹ công, giảm được số nhân công lao động và thời gian tưới cho cả vườn. Với cách tưới này, tôi không phải trực tiếp ra vườn mà chỉ cần một thao tác tại nhà là có thể tưới cho cả khu vườn trong vòng 20 phút, giảm hơn 2/3 thời gian so với tưới tay hay máy dầu. Tưới phun tiết kiệm nước với lượng nước vừa phải sẽ không làm trôi chảy lượng phân lân bón cho cây”.

Với những phương pháp trên đã phần nào hỗ trợ cho người nông dân vùng đất phèn của Hậu Giang thêm an tâm sản xuất và phát triển bền vững với mô hình thâm canh mãng cầu xiêm. Để từ đó, nông dân tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng, làm giàu cho gia đình và sự phát triển của địa phương.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>