Giải pháp phòng bệnh đái tháo đường

20/09/2017 | 08:14 GMT+7

Bệnh đái tháo đường tuýp 2 ở người trên 30 tuổi tại huyện Châu Thành đang có xu hướng trẻ hóa. Vì vậy, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Tuấn, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu tình hình bệnh đái tháo đường tuýp 2 và đánh giá kết quả kiểm soát đường huyết ở người từ 30 tuổi trở lên tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang” đã ghi nhận những yếu tố liên quan để tìm cách phòng trị hiệu quả.

Thăm khám định kỳ là biện pháp để phòng, trị bệnh đái tháo đường tuýp 2 hiệu quả.

Theo chủ nhiệm đề tài, đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa nội tiết. Đây là bệnh mạn tính không lây nhưng có tỷ lệ mắc khá cao, nhiều biến chứng. Theo đà tăng trưởng của các nước phát triển hiện nay, tỷ lệ bệnh này đang tăng và có xu hướng bùng nổ. Cuộc sống no đủ đã khiến cho số người mắc bệnh từ 30 tuổi đang có nguy cơ mắc bệnh. Theo kết quả nghiên cứu, có đến 13,8% người từ 30 tuổi trở lên bị bệnh đái tháo đường tuýp 2. Trong đó, nguyên nhân do độ tuổi, béo phì, tiền sử gia đình mắc bệnh có liên quan nhiều nhất về loại bệnh này. Nguyên nhân do tuổi tác thì ở độ tuổi 45-65 nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2,4-3,13 lần so với người 35-44 tuổi. Kế đó, nguyên nhân mắc bệnh này cao là do người có bệnh tăng huyết áp gấp 2,4 lần so với người không bị tăng huyết áp. Những bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường cao thì gấp 2 lần so với gia đình không có người bị bệnh. Đối với những người béo phì, có lối sống dư dả sẽ có nguy cơ mắc bệnh hơn người bình thường từ 1,3-1,6 lần.

Từ những con số trên, chủ nhiệm đề tài đã thực hiện các biện pháp điều trị và phòng bệnh. Theo đó, phương pháp điều trị cụ thể là thay đổi lối sống với chế độ ăn uống và tập luyện thích hợp là nền tảng trong điều trị đái tháo đường. Nếu lựa chọn dùng thuốc thì phải kiểm soát được đường huyết ở bệnh nhân. Tổ chức thăm khám bệnh theo định kỳ để theo dõi đường huyết, huyết áp, cân nặng... Về dự phòng bệnh trong cộng đồng, theo chủ nhiệm đề tài vẫn là biện pháp thay đổi lối sống và chế độ ăn uống, tránh béo phì bằng tập luyện thể dục, thể thao thích hợp. Biện pháp phòng bệnh phân theo 2 cấp: cấp 1 là sàng lọc những người có nguy cơ mắc bệnh, can thiệp tích cực để giảm tỷ lệ mắc bệnh; biện pháp cấp 2 là phòng bệnh với người bị mắc bệnh để làm giảm biến chứng, mức độ nặng của bệnh, nâng cao chất lượng sống bằng các liệu trình điều trị. Nhờ đó, người bệnh đã giảm được các biến chứng, bệnh đái tháo đường được kiểm soát ở mức cho phép, giúp phòng ngừa biến chứng cấp tính và mạn tính.

Bị mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 đã 5 năm qua, ông Ngô Xuân Hiệp, ở ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, phải gánh chịu nhiều hậu quả của căn bệnh là sụt cân, tăng huyết áp. Ông đã dùng nhiều loại thuốc, phương pháp nhưng chưa tìm được biện pháp hiệu quả. “Qua hơn 1 năm thực hiện điều trị, tôi khá hài lòng về biện pháp, sự can thiệp mà chủ nhiệm đề tài đưa ra. Chỉ số đường huyết được kiểm soát hiệu quả bằng các phương pháp đơn giản là kiểm soát chế độ ăn, tập luyện. Hiện tôi thường xuyên tập thể dục mỗi sáng, chế độ ăn nhiều chất xơ nên duy trì được sức khỏe đến hôm nay”. 

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện Châu Thành Nguyễn Văn Phiên tại buổi họp nghiệm thu kết quả nghiên cứu đề tài thì kết quả nghiên cứu giúp cho ngành y tế huyện Châu Thành có cách dự phòng và điều trị bệnh cho người dân tốt hơn. Hơn nữa, đây sẽ là nghiên cứu để giúp người bệnh nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng sống, phòng bệnh nhờ những biện pháp phòng trị khá đơn giản.

Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thanh Tuấn kỳ vọng: “Qua nghiên cứu, bước đầu, chúng tôi đã tìm được nguyên nhân của bệnh, cách phòng, điều trị. Tuy nhiên, tôi mong muốn địa phương hoặc ngành y tế nên xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình tầm soát chủ động để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường trong cộng đồng. Qua đó, tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, nhất là với đối tượng có nguy cơ cao là trên 30 tuổi, béo phì, tăng huyết áp...”.

Trong thời gian nghiên cứu, qua hơn 1.500 đối tượng thăm khám và 207 người bị bệnh được can thiệp điều trị, sau 8 tháng can thiệp thì tỷ lệ bệnh được kiểm soát đường huyết tốt là 26,3%.

 

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>