Giúp người dân giữ vệ sinh môi trường

06/06/2017 | 08:34 GMT+7

Đó là hiệu quả đáng ghi nhận mà dự án “Ứng dụng mô hình cầu tiêu tự hoại bằng vật liệu composite cho một số hộ nông dân xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Hậu Giang” do thạc sĩ Huỳnh Tấn Vụ, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh làm chủ nhiệm, đã mang lại sau hơn 1 năm triển khai thực hiện.

Mô hình cầu tiêu bằng vật liệu composite là một ống trụ đứng, dễ lắp đặt và di chuyển.

Mô hình nhiều tiện ích

Bề ngoài của mô hình là một khối hình trụ giống như chiếc thùng phuy, cao khoảng 2m, đường kính khoảng 1m. Mặt trên là một tấm hình vuông có gắn bệ xí, 4 góc có 4 lỗ để cắm cọc cố định vị trí. Khối trụ được chế tạo bằng vật liệu composite gọn, nhẹ, độ bền cơ học cao. Ưu điểm của mô hình này là hoạt động theo cơ chế tự hoại, có thể điều chỉnh theo mực nước sông nên vật liệu composite có thể thay thế cho xi măng trên nền đất yếu như sát mé sông, trũng. Về nguyên tắc hoạt động, mô hình được thiết kế với 3 ngăn, bao gồm 2 ngăn lắng và 1 ngăn lọc, bảo đảm tạo một môi trường tự nhiên đầy đủ cho các hoạt động vi sinh yếm khí xảy ra. Tới mùa nước nổi, người dân có thể điều chỉnh dây cố định theo mực nước.

Ngoài ra, khi dời nhà, người dân có thể tháo các khớp cố định để di chuyển mà không cần đập vỡ như mô hình xây bằng xi măng. Được lắp đặt thử nghiệm mô hình tại gia đình, ông Lê Văn Sơn, ở ấp Tân Long B, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, không khỏi ngạc nhiên vì sự đơn giản, tiện dụng của mô hình này. Ông Sơn đánh giá: “Hơn 20 năm nay, gia đình tôi sống sát mé sông và không có nhà vệ sinh, phải đi nhờ người thân trên lộ. Được dự án hỗ trợ 4 triệu đồng, tôi tiến hành xây dựng nhà vệ sinh bằng vật liệu nhẹ, không mùi hôi, không gây ô nhiễm môi trường. Giờ đây, việc vệ sinh của cả nhà tôi và các cháu nhỏ thuận tiện hơn, nhất là buổi tối”.

Qua dự án, các chỉ số xét nghiệm của mẫu nước thải từ mô hình đảm bảo hợp vệ sinh theo quy chuẩn QCVN 01:2011/BYT của Bộ Y tế năm 2011. Ủy viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Ong Phước Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang, từng đánh giá: “Mô hình thí điểm là cơ sở thực tiễn để người dân có thêm lựa chọn nhà vệ sinh bằng vật liệu mới là composite. Qua đây, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường cho các xã đã và đang xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh”.

Còn khó nhân rộng

Được biết trong nội dung nghiên cứu, dự án đã hỗ trợ kinh phí cho 30 hộ, với số tiền 4 triệu đồng/mô hình cho các xã nông thôn mới như: Thạnh Hòa, Hòa An, Bình Thành, Phương Bình của huyện Phụng Hiệp. Ngoài ra, người dân phải đối ứng khoảng 2,5 triệu đồng/mô hình. Đó là chưa kể nếu người dân xây dựng 4 mặt vách của nhà vệ sinh thì chi phí phát sinh có thể lên đến 10 triệu đồng/mô hình. Trong khi đó, xây một cầu tiêu tự hoại bằng xi măng tốn cao nhất là 7 triệu đồng (kể cả chi phí xây dựng nhà tắm). Vì vậy, việc nhân rộng còn gặp nhiều khó khăn.

Thạc sĩ Huỳnh Tấn Vụ thừa nhận: Mục tiêu của dự án nhằm thử nghiệm và đánh giá hiệu quả mô hình mới cũng như khả năng chấp nhận, nhân rộng. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho một mô hình khá cao so với kiểu xây xi măng cố định. Bên cạnh đó, các hộ sinh sống ven sông đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo nên chi phí đầu tư hơn 6 triệu đồng/mô hình là khá lớn so với khả năng của họ. Vì thế, sau khi kết thúc dự án, đơn vị vẫn sẽ phối hợp với các địa phương tuyên truyền người dân sử dụng. Song song đó, thông qua các chương trình như cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường của Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ thì hộ nghèo mới áp dụng được.

“Trên cơ sở tiếp cận nguồn vốn vay, người dân hoàn toàn có thể triển khai thực hiện mô hình. Qua đó, góp phần giúp cho tiêu chí môi trường của các xã đã và đang xây dựng nông thôn mới được đảm bảo bền vững hơn. Mặt khác, khi người dân có nhu cầu sử dụng thì Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh sẽ làm đầu mối cung cấp mô hình và nhận lắp đặt cho các hộ dân. Bởi chúng tôi luôn mong muốn giúp người dân dần thay đổi tập quán sử dụng cầu tiêu trên sông, góp phần gìn giữ vệ sinh chung cho cộng đồng”, thạc sĩ Huỳnh Tấn Vụ khẳng định.  

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>