Hấp dẫn mô hình “Chiếc xe tri thức”

19/07/2017 | 09:45 GMT+7

Mô hình “Chiếc xe tri thức” của cô giáo Huỳnh Như Nguyệt, Trường Mầm non Ánh Dương, huyện Châu Thành, đã giúp trẻ vừa học vừa trải nghiệm cuộc sống thông qua các trò chơi tích hợp. Mô hình này đã đoạt nhiều giải thưởng cao ở các hội thi sáng tạo đồ dùng dạy học cấp trường và tỉnh.

Cô Huỳnh Như Nguyệt sử dụng mô hình “Chiếc xe tri thức” kể chuyện cho các cháu mầm non.

Cô Huỳnh Như Nguyệt cho biết: “Trong quá trình giảng dạy thì nhu cầu đổi mới hình thức dạy học giúp trẻ tiếp cận nhiều hơn với cuộc sống là rất cần thiết nên tôi mới nghiên cứu ra mô hình này. Đây cũng là thiết bị dạy học bổ trợ cho giáo viên mà chỉ tích hợp trong một mô hình, dễ dàng vận chuyển, xếp gọn, cất giữ sau khi giảng dạy”.

Chiếc xe rất thu hút các cháu vì được trang trí bắt mắt. Khi “Chiếc xe tri thức” được đặt xuống, các cháu nô nức, chen chúc đứng xem, trong mắt không giấu được vẻ ngạc nhiên khi thấy cả một thế giới hình ảnh hiện ra. Cấu tạo của mô hình gồm: các thẻ số để bốc thăm; các lô tô được vẽ hình ảnh về chủ đề môi trường xung quanh; bảng nhôm; thẻ số từ 1 đến 10; thẻ dấu <, >, -, +, =; các thẻ hình hình học; tranh sưu tầm từ internet. Nguyên vật liệu được cô giáo Nguyệt tận dụng từ các bìa cứng khổ A4 của hộp đựng giấy in, các vật liệu phế thải như: que đè lưỡi, báo cũ, vải vụn, cúc áo và hạt sỏi, chỉ len... Chiếc xe được tích hợp nhiều hình ảnh xung quanh bằng giấy đề can trắng (phần khung xe), vải dạ trang trí mô hình xe ôtô. Sau lưng các thẻ hình có gắn nam châm để các cháu có thể dễ dàng gắn hình ảnh khi tham gia trò chơi.

“Chiếc xe tri thức” là sự kết hợp của 5 trò chơi: bé thông minh, bé luyện trí nhớ, hình dạng kỳ diệu, quyển sách thần kỳ, chơi cờ dân gian. Khi chơi, các bé sẽ bốc thăm từ số 1 đến số 5. Hai bé có cùng số thẻ thăm thì sẽ chơi một trò, tùy theo trò chơi mà có 1 hoặc 2 trẻ. Sau đó cháu sẽ chọn trò chơi và theo yêu cầu của trò chơi, đặc biệt các trẻ cùng lúc chơi được cả 5 trò chơi.

Cô Huỳnh Như Nguyệt cho biết thêm: “Thiết bị được ứng dụng trong môn toán, làm quen chữ cái, môi trường xung quanh, kỹ năng sống, tạo hình. Ngoài ra, có thể sử dụng làm phương tiện để giảng dạy khi tổ chức hoạt động học, hoặc giờ ôn luyện các hoạt động và chơi trong lớp hoặc ngoài trời. Bên cạnh bộ đồ dùng “Chiếc xe tri thức” để các cháu chơi trò chơi thì giáo viên còn có thể sử dụng để giảng dạy như: giờ kể chuyện, giờ học chữ cái”.

Cô Đinh Thị Kim Hậu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Dương, đánh giá: “Ưu điểm của mô hình là phù hợp với các bé mầm non, tùy từng độ tuổi mà chọn trò chơi và cách chơi phù hợp. Đây là bộ đồ dùng có độ bền cao, đẹp mắt, có thể cất đồ dùng đồ chơi vào trong xe, dễ dàng di chuyển, có thể lau chùi, sử dụng được nhiều năm”.

Chị Lưu Trần Kiều Hoa, phụ huynh học sinh, nhận định: “Các hoạt động của mô hình khá hấp dẫn và bổ ích với các cháu nhà tôi. Cô giáo Nguyệt rất tâm huyết khi chế tạo ra các đồ chơi như vậy, giúp trẻ năng động, phát triển tư duy, tri thức dù ngồi trong lớp học. Hy vọng, các cô sẽ có nhiều mô hình hay hơn để các cháu khám phá”.

Với những ưu điểm trên, “Chiếc xe tri thức” của cô Huỳnh Như Nguyệt đã nhận được giải ba Hội thi đồ dùng dạy học cấp tỉnh, giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp huyện. Mới đây, mô hình này vừa đoạt giải khuyến khích trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang năm 2016. Theo đánh giá của Ban giám khảo hội thi thì mô hình đã giúp các cháu mầm non có thể tiếp cận kiến thức về khoa học, môi trường tự nhiên dễ dàng. Thông qua các trò chơi giúp các cháu ghi nhớ sâu thông qua sự vật, hiện tượng gắn với cuộc sống hàng ngày. Từ đó các cháu dễ dàng tiếp thu những thông tin bổ sung ở những bậc học cao hơn.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>