Mô hình triển vọng cho vùng bị xâm nhập mặn

08/06/2017 | 07:28 GMT+7

Tới đây, PGS.TS Bùi Thị Nga, Trường Đại học Cần Thơ sẽ xây dựng nhiều mô hình hiệu quả thích ứng với vùng đất bị xâm nhập mặn và chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đó là mục tiêu mà đề tài “Đánh giá thực trạng và xây dựng các mô hình cải thiện sinh kế thích ứng với xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang” mà bà sắp thực hiện.

Mô hình tôm - lúa của ông Hùng vừa thích ứng được xâm nhập mặn, vừa cải thiện thu nhập gia đình.

Triển vọng

Các mô hình được chủ nhiệm đưa ra là: túi ủ biogas - cá, biogas - bèo - ốc, tôm càng xanh - lúa, bồn bồn - cá, biogas - heo - cá... Các mô hình đều tận dụng những phế phẩm sẵn có trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt của người dân để phát triển loại vật nuôi, cây trồng khác. Chủ nhiệm đề tài đã chọn hai địa bàn là huyện Long Mỹ và huyện Vị Thủy để thực hiện. Theo bà Bùi Thị Nga, đây là hai đơn vị chịu ảnh hưởng lớn của xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu. Vì lý do đó mà người dân nơi đây phải chịu nhiều thiệt thòi, trở ngại trong canh tác. Hơn nữa, hai địa phương này được đầu tư về công trình khí sinh học theo các chương trình, dự án của tỉnh như Đề án 1.000, dự án Khí sinh học của Trung tâm Khuyến nông tỉnh... nên có đủ điều kiện cần thiết để triển khai mô hình.

Theo PGS.TS Bùi Thị Nga, bản thân bà và cộng tác viên đã từng thử nghiệm và nghiên cứu các mô hình sử dụng nước thải từ mô hình khí sinh học để nuôi cá, nuôi bèo - ốc, trồng hoa màu. Những mô hình này đã được thử nghiệm tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện tương tự của tỉnh Hậu Giang. Sử dụng mô hình khí sinh học từ túi ủ biogas được xem là một trong những giải pháp hiệu quả để xử lý chất thải trong chăn nuôi heo. Mô hình có nhiều tiện ích như tiết kiệm chi phí sử dụng nhiên liệu đun nấu trong gia đình, giảm mùi hôi, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính... Ngoài ra, theo kết quả từ một nghiên cứu của bà, nước thải từ túi ủ biogas chứa hàm lượng chất hữu cơ, tổng đạm, tổng lân khá cao. Nếu nước thải này trực tiếp đưa ra sông, ao, rạch sẽ gây ô nhiễm môi trường nước mặt. Vì vậy, nếu nước thải được tận dụng tốt thì có thể tận dụng các chất đạm, lân còn lại để cung cấp dưỡng chất cho cây trồng như một loại phân bón. Ngoài ra, nước thải còn sử dụng nuôi cá sặc rằn, nuôi bèo - ốc kết hợp vừa tận dụng dinh dưỡng, vừa hạn chế được tình trạng xả thải chưa qua xử lý ra môi trường một cách an toàn hơn.

Cải thiện sinh kế      

Trước tình hình giá heo xuống thấp như hiện nay thì việc duy trì đàn heo tại nông hộ khá khó khăn. Vì vậy, mô hình túi ủ biogas của đề tài sẽ là một giải pháp để góp phần kéo dài thời gian duy trì mô hình và hỗ trợ người chăn nuôi, khi chất thải trong túi ủ từ chăn nuôi sẽ là nguồn thức ăn cung cấp dưỡng chất cho các mô hình. Đặc biệt, khi người dân thất thu từ đàn heo thì cá, ốc, bèo sẽ là nguồn kinh tế phụ góp phần bổ sung nguồn thu nhập cho gia đình. Hơn nữa, các loại hoa màu trồng ven, trồng xen ruộng lúa như đậu bắp, dưa leo, dưa hấu cũng rất thích ứng với nước thải này. Theo PGS.TS Bùi Thị Nga, khả năng nhiễm vi sinh vật từ nước thải thấp và đã được nghiên cứu dùng thay thế phân hóa học. Mô hình sẽ giúp tiết giảm được 20-30 lít/m2/vụ thải ra sông rạch. Lợi nhuận tưới rau màu có thể đạt cao hơn so với phương pháp tưới phân hóa học từ 25 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt, ưu điểm của mô hình có thể khắc phục được tình trạng thiếu nguồn phân cung cấp cho túi ủ, khi người dân có thể bổ sung vào túi ủ các loại phân xanh như lục bình, bèo tai tượng, rơm, cỏ vườn để duy trì.

Đánh giá tính khả thi về các mô hình của đề tài, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ Lê Hồng Việt cho biết: Các mô hình dự kiến được thử nghiệm tại huyện như tôm càng xanh - lúa, bồn bồn - cá, biogas - heo - cá, biogas - bèo - ốc không chỉ dễ làm mà còn thích hợp với nhu cầu của người dân địa phương. Bởi hiện nay, một số hộ dân vùng ngập mặn của huyện đã áp dụng thành công mô hình tôm - lúa. Hơn nữa, người dân nuôi heo cũng nhẹ lo vì chất thải, vừa kiếm thêm thu nhập nếu kết hợp nuôi cá, bèo, ốc, bồn bồn như đề nghị của chủ nhiệm đề tài đưa ra.

Trên thực tế tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, một số nông dân đã thực hiện thành công mô hình tôm - lúa. Mô hình này được áp dụng trong những tháng nước mặn xâm nhập tại địa phương và lợi nhuận cho thấy cao hơn mô hình độc canh cây lúa gấp nhiều lần. Ông Võ Thái Hùng, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, cho hay: “Với mô hình tôm - lúa, gia đình tôi đã thay thế được 2 vụ lúa là Hè thu, Thu đông và thu lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/1,2ha sau 2 vụ thả nuôi tôm. Còn nếu được áp dụng mô hình kết hợp nuôi heo, trồng bồn bồn thì thu nhập chắc sẽ tăng hơn”.

Theo ông Lê Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, các mô hình đưa ra đều triển vọng để người dân áp dụng nhằm tăng thu nhập mà thích hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn như hiện nay. Tuy nhiên, các mô hình khi triển khai thực hiện phải có hướng dẫn kỹ thuật cho người dân rõ ràng để bà con tiếp tục duy trì và phát triển sau khi đề tài kết thúc.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>