Nâng cao giá trị hạt gạo

29/06/2017 | 08:52 GMT+7

Với đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ trong hệ thống luân canh lúa - cá/tôm gắn với tiêu thụ ở tỉnh Hậu Giang”, tiến sĩ Nguyễn Công Thành, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, mong muốn giúp nông dân Hậu Giang cải thiện thu nhập bằng cách xuất khẩu gạo với giá cao.

Sản xuất lúa hữu cơ sẽ mang lại hiệu quả cao cho nông dân.

Theo tiến sĩ Thành, sản xuất lúa hữu cơ là thực hiện quy trình sản xuất lúa gắn liền với việc sử dụng nước sạch, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ. Phương pháp này nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, giảm thiểu hàm lượng các chất gây hại. Bởi sản xuất lúa hữu cơ chú trọng chất lượng và giá trị sản phẩm, qua đó cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường. Hơn nữa, Việt Nam nói chung, Hậu Giang nói riêng muốn hòa mình vào sản lượng gạo xuất khẩu ra các nước thì lúa làm ra phải đảm bảo các tiêu chí trên. Đặc biệt là thị trường khó tính như châu Âu, các nước Mỹ, Nhật.

Sản phẩm được tiến sĩ Thành xây dựng mô hình trong 3 năm nghiên cứu là giống lúa Nhật và ST20. Hai giống lúa này được ưa chuộng tại các nước nói trên. Tuy nhiên, để sản xuất 2 giống lúa mới đó cũng không phải dễ, vì đây là giống lúa mới, hoàn toàn lạ lẫm với nông dân. Để làm được, nông dân phải thay đổi hoàn toàn cách thức canh tác, bón phân, xịt thuốc mà bấy lâu nay vẫn làm. Vì vậy, theo lộ trình, đề tài sẽ xây dựng 20ha lúa hữu cơ thử nghiệm trong hệ thống luân canh lúa - cá/tôm ở năm thứ nhất, năm thứ hai là 30ha và năm tiếp theo là 50ha. Kết quả cuối cùng của đề tài không chỉ là 100ha lúa sản xuất hữu cơ, mà còn có các giải pháp được đề xuất để phát triển mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ trong tỉnh Hậu Giang.

Theo đó, chủ nhiệm đề tài sẽ thử nghiệm tại 3 địa phương có diện tích sản xuất lúa nhiều nhất tỉnh là huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp và Vị Thủy. Nội dung nghiên cứu có 6 phần chính. Trước tiên là đánh giá hiện trạng sản xuất nông nghiệp của vùng thực hiện đề tài, vùng canh tác lúa - cá/tôm. Song song đó, phân tích các điều kiện tự nhiên, xã hội phục vụ cho phát triển sản xuất lúa đạt chuẩn hữu cơ và thủy sản theo hướng hữu cơ… Tiến sĩ Thành cho biết thêm: “Tới đây, tôi sẽ nghiên cứu bổ sung hoàn thiện quy trình sản xuất lúa hữu cơ trong hệ thống lúa-cá/tôm đạt chuẩn quốc tế cho xuất khẩu. Trong đó, sẽ xây dựng và liên kết các tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ lúa hữu cơ và đào tạo tập huấn”.

Có sự can thiệp, tiếp sức và bao tiêu của doanh nghiệp là điều kiện thuận lợi cho đề tài triển khai và tạo sức hút trong dân. Bà Ngô Hồng Cát Thanh, Giám đốc Công ty TNHH NC SX Cung ứng Nông sản Hữu cơ và An toàn Việt Nam (VIORSA), Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Công ty sẽ cùng chủ nhiệm đề tài sâu sát với người dân để hướng dẫn bà con cách sản xuất lúa hữu cơ, tư vấn cách thức bao tiêu của công ty. Qua thời gian sản xuất mô hình thử nghiệm, nếu nông dân làm đạt, công ty sẽ bao tiêu với giá 125% trong năm đầu, 135% ở năm thứ hai, vào 150% vào năm thứ ba. Còn ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản xanh Minh Phong, tỉnh Bình Dương, cho rằng: “Qua đề tài, chúng tôi muốn hỗ trợ nông dân có thể tự làm được mô hình lúa hữu cơ. Từ đó, bà con có thể duy trì và cải thiện thu nhập và bán được lúa với giá cao cho thị trường ngoài nước”.

Canh tác lúa hữu cơ là sản xuất trở về với phương pháp truyền thống nhưng có sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật. Ưu điểm lớn nhất mà sản xuất lúa hữu cơ mang lại không phải là hiệu quả kinh tế, mà chính là đảm bảo sự an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng. Vì vậy, khi được chọn thực hiện tại đơn vị mình, huyện Vị Thủy rất phấn khởi. Bởi, mô hình sản xuất mới này giúp người dân hạn chế được rủi ro, gìn giữ được sức khỏe cũng như môi trường trong sạch. Hiện nay, huyện Vị Thủy đã có sẵn một diện tích trồng lúa hữu cơ và đang ứng dụng cấy máy để sản xuất rất chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy, khi đề tài về thực hiện tại địa phương sẽ giúp nông dân từng bước tập tành với cách sản xuất hữu cơ. Từ đó, họ sẽ tích góp được kinh nghiệm và cơ sở để tự canh tác, phát triển vùng lúa hữu cơ nguyên liệu cung cấp cho doanh nghiệp hay cho xuất khẩu sau này.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>