Nâng chất lượng quýt đường Long Trị

11/08/2017 | 05:52 GMT+7

Phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ đang triển khai Đề án “Phục hồi và nâng cao chất lượng cây quýt đường Long Trị trên địa bàn thị xã Long Mỹ giai đoạn 2017-2020” (đề án). Đề án sẽ giúp nhà vườn khắc phục tình trạng thoái hóa giống, dịch bệnh vàng lá thối rễ, nâng cao kỹ thuật sản xuất và gìn giữ thương hiệu quýt đường Long Trị.

Ủ rơm và bón phân hữu cơ là giải pháp mà ông Út và nhiều nhà vườn đang thực hiện để nâng cao chất lượng quýt đường Long Trị.

Ba năm gần đây, thương hiệu quýt đường Long Trị đã được gầy dựng, nổi tiếng cả nước. Vì vậy, tình trạng người dân mở rộng diện tích ồ ạt, thương lái cũng ùn ùn kéo về bán giống cho dân. Tuy nhiên, cây giống đều không có nguồn gốc dẫn đến chất lượng trái kém, cây yếu, dễ bị bệnh. Bên cạnh đó, dịch bệnh vàng lá thối rễ xuất hiện tại các vườn lâu năm ngày càng nhiều, khiến cho nhà vườn giảm thu nhập, diện tích quýt đường giảm. Đây cũng là nguyên nhân mà UBND thị xã Long Mỹ tiến hành thực hiện đề án.

Ông Đoàn Văn Qui, thành viên HTX quýt đường Long Trị, xã Long Trị, là một nhân chứng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh vàng lá thối rễ. Ông Qui nhớ lại: “Tôi trồng quýt đường cũng hơn chục năm nay nhưng năm rồi phải đốn bỏ 1,5ha chuyển sang trồng màu vì bệnh thối rễ. Bây giờ, có được chính sách hỗ trợ của Nhà nước về cây giống sạch bệnh tôi mừng lắm, hy vọng khôi phục lại vườn quýt đường của gia đình”. Cách đó không xa, ông Trần Hiếu Khanh, ở ấp 8, cũng tất bật ủ phân rơm chuẩn bị cho ngày nhận cây giống. Thực hiện đề án, ông Khanh sẽ trồng mới 1,3ha vườn quýt đã bị thoái hóa, bị bệnh của mình.

Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng trái quýt mà đề án đặt ra là sử dụng giống chất lượng, biện pháp canh tác hữu cơ gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong đó, chú trọng bón phân hữu cơ (rơm rạ, phân chuồng) thay cho phân hóa học để tạo sức sống cho bộ rễ của cây. Ông Nguyễn Văn Thống, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, cho biết: “Đơn vị đang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ chọn cây giống sạch bệnh để cung cấp cho nông dân tham gia đề án. Theo đó, nông dân sẽ được hỗ trợ 100% tiền cây giống và ngành chức năng sẽ xây dựng đê bao khép kín đảm bảo nước tưới tiêu cho vùng quýt trong đề án”.

Đề án tập trung triển khai tại xã Long Trị và chọn thành viên trong HTX quýt đường Long Trị thực hiện. Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc HTX quýt đường Long Trị, ở ấp 8, xã Long Trị, cho biết gia đình đang cải tạo thêm 0,5ha đất vườn để trồng quýt đường Long Trị. Tiên phong thực hiện đề án, ông Út đã mua 10 tấn rơm về ủ phân hữu cơ để bón cho cây. Đang tưới nước, trộn nấm tricoderma cho đống rơm đang ủ, ông Út chia sẻ: “Tôi ủ phân này để kịp tháng sau trộn với đất đắp mô xuống giống mới. Phân hữu cơ sẽ giúp cây sinh trưởng, phát triển bền vững, cho trái đúng chất lượng”.

Theo kế hoạch, năm nay sẽ có 10ha quýt đường được trồng mới (vượt kế hoạch dự kiến ban đầu 5ha). Ngành chức năng sẽ giao 10.000 cây giống sạch bệnh cho 13 hộ nông dân. Riêng hộ ông Nguyễn Văn Út được địa phương hỗ trợ 500 cây quýt sạch bệnh để mở rộng thêm 0,5ha quýt đường Long Trị. Hộ được hỗ trợ nhiều nhất là ông Đoàn Văn Qui với 1,3ha. Theo các nông dân nơi đây, bài học về cây quýt bị bệnh, thối rễ rụng đầy vườn của nhiều hộ dân trong xã trước đây đã làm nhiều nhà vườn trả giá. Bây giờ, tất cả các thành viên trong HTX quýt đường Long Trị đều đồng lòng tiên phong thực hiện trồng quýt sạch bệnh. Bởi theo HTX, cách làm này không chỉ giúp cho HTX phát triển bền vững, vùng quýt được duy trì mà thương hiệu quýt đường Long Trị ngày càng vươn xa hơn.

Bên cạnh việc hỗ trợ giống, ngành chuyên môn thị xã còn cử cán bộ kỹ thuật bám sát, khuyến cáo nhà vườn kết hợp tốt trong khâu chăm sóc. Cán bộ kỹ thuật xã Long Trị Huỳnh Trần Thúy Duy cho hay: “Chúng tôi vận động tất cả các hộ thực hiện đề án nhà nào cũng có ủ phân hữu cơ, hạn chế bón phân hóa học, nhất là phân urê. Bên cạnh đó, tăng cường bón phân kali để tăng độ ngọt cho trái quýt. Ngoài ra, không bắt cây ra hoa quanh năm mà hãy để cho cây ra trái tự nhiên kết hợp trồng thưa, tỉa cành để có trái to, đẹp”.

Tính đến nay, tổng diện tích quýt đường của thị xã Long Mỹ là 269,33ha,  tập trung ở xã Long Trị, Long Trị A, Tân Phú, Long Phú, Long Bình, Trà Lồng, Bình Thạnh, Vĩnh Tường và Thuận An. Mục tiêu của đề án là phục hồi và phát triển vùng quýt đường xã Long Trị là 195,7ha. Trong đó, tập trung phục hồi 50ha với diện tích có đê bao khép kín. Cụ thể, năm 2017, phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ phục hồi diện tích trồng mới 5ha, năm 2018 tăng lên 15ha, đến năm 2020 hoàn thành việc phục hồi lại 50ha quýt đường với đê bao khép kín ở xã Long Trị.

 

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>