Những sáng tạo thú vị

19/02/2018 | 07:02 GMT+7

Bắt muỗi hành bằng đèn, thùng rác tự động bật nắp khi có người đến, dự báo được nước mặn xâm nhập... là những mô hình độc đáo tại Hội thi Sáng tạo xanh lần thứ II năm 2017 khiến nhiều người thán phục.

Thùng rác thông minh tự bật nắp khi có người đến gần của nhóm tác giả Trần Công Trứ và Võ Trần Khánh Linh, thu hút rất nhiều sự quan tâm.

Thùng rác thông minh

Những ngày giáp tết, nhưng em Trần Công Trứ  (lớp 12T2) và Võ Trần Khánh Linh (lớp 12T1) Trường THPT Long Mỹ vẫn đang miệt mài nghiên cứu để cải tiến thêm mô hình thùng rác thông minh của mình. Em Khánh Linh chia sẻ: “Xuất phát từ việc quan sát thấy các bạn trong lớp thường vứt rác bừa bãi vừa có hại cho môi trường, vừa phát sinh mùi hôi, vì thế hai em đã bàn với nhau thiết kế một thùng rác thông minh để các bạn ý thức hơn trong việc bỏ rác đúng nơi quy định”. 

Ý tưởng của hai em được thầy hướng dẫn giúp đỡ để xây dựng mô hình. Từ một chiếc thùng rác đơn giản, các em đã thiết kế thùng rác có hàng loạt tính năng như: tự bật nắp khi có người đến gần; tự động gọi điện báo khi rác đầy, có mùi hôi, có khí gas về số điện thoại đã được cài đặt sẵn…

Khánh Linh chia sẻ thêm: “Theo tính toán của chúng em, nếu tính chi phí thì giá thành lắp đặt khoảng 1 triệu đồng/thùng. Tuy giá này khá đắt so với một số thiết bị bên ngoài thị trường, nhưng đây là chiếc thùng rác có hàng loạt chức năng tích hợp nên việc đầu tư cũng hoàn toàn xứng đáng”.

Không chỉ mang đi dự thi, sản phẩm của nhóm làm ra đã được các bạn trong trường đón nhận và thích thú. Hiện tại, thùng rác này được đặt tại lớp 12T2 của trường để thực hiện thí điểm.

Nhóm tác giả của Trường THCS Phan Văn Trị, ở phường VII, thành phố Vị Thanh, đang trình bày mô hình “Bắt muỗi hành bằng phương pháp quang học” của nhóm.

Cảnh báo được nước mặn xâm nhập      

Với kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm và vận dụng những kiến thức có được, thầy Lê Thanh Liêm, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, ở thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, luôn nghiên cứu để tìm ra một thiết bị để có thể xác định được nồng độ mặn mà không cần phải trực tiếp đi đo hàng ngày như hiện nay. Thầy Liêm tâm sự: “Trước đây, tôi có nghiên cứu thiết bị cảm biến nồng độ mặn, nhưng khi sử dụng liên tục trong khoảng thời gian dài thì độ chính xác không cao. Vì thế, tôi đã tìm tòi để kết hợp giữa nguyên lý hoạt động của trái nổi và bộ cảm biến nồng độ mặn thành một. Sản phẩm này là sự kết hợp ưu điểm của trái nổi so sánh tỷ trọng và phát ra tín hiệu kỹ thuật số cho các mạch vi điều khiển. Qua quá trình thí nghiệm cho thấy, hệ thống phản ứng linh hoạt với sự thay đổi nồng độ mặn của môi trường và phát ra tín hiệu để phát hiện mặn”.

Thầy Lê Thanh Liêm tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện thiết bị của mình.

Thầy Liêm cho hay, công việc tốn thời gian và khó khăn nhất là thực hiện trái nổi. Bởi trái nổi làm bằng nhựa qua một thời gian sẽ làm ảnh hưởng đến độ chính xác. Do đó, thầy đã nghiên cứu thay thế trái nổi bằng inox và gắn các thiết bị cố định bên ngoài sẽ không chịu ảnh hưởng của các tác nhân. Khi nước có nồng độ mặn tăng thì lực tác dụng lên trái nổi có xu hướng di chuyển lên gặp cảm biến phát hiện kim loại, cảm biến này truyền tín hiệu đến các hệ thống xử lý khác theo ý đồ của người cần thu thập.

“Thiết bị có khả năng cảnh báo chính xác về độ mặn nên hoàn toàn có thể ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Đây là một sáng kiến độc đáo, giá thành lại cực rẻ so với các thiết bị đo nồng độ mặn bên ngoài thị trường”, thầy Liêm bộc bạch.

Bắt muỗi hành bằng đèn

Sản phẩm bắt muỗi hành bằng phương pháp quang học của nhóm tác giả Trường THCS Phan Văn Trị, do cô Lư Thị Huệ hướng dẫn, ở phường VII, thành phố Vị Thanh, đã được thai nghén và hình thành từ những năm học trước. Đến Hội thi Sáng tạo xanh lần thứ II năm nay, nhóm đã đạt giải nhì với sản phẩm này.

“Muỗi hành là một trong những loại gây hại cho cây trồng, thế nhưng lại không có thuốc đặc trị. Nếu sử dụng thuốc trừ sâu trên thị trường thì chất hóa học nhiều sẽ có hại cho sức khỏe người dân mà giá thành cao, ảnh hưởng đến môi trường. Vậy nên nhóm quyết định tìm ra một sản phẩm đơn giản, dễ làm và đạt hiệu quả tốt lại thân thiện với môi trường”, em Nguyễn Thị Hồng Thảo, lớp 9A1, đại diện nhóm chia sẻ.

Nguyên lý vận hành của bẫy đèn vẫn dựa trên đặc tính sinh học của muỗi hành là thích ánh sáng, tuy nhiên, mô hình còn kết hợp với nhiều vật dụng hỗ trợ khác và điều chỉnh cường độ ánh sáng hợp lý để không chỉ bắt mà còn tiêu diệt hoàn toàn muỗi hành khi vào đèn.

 Qua kết quả nghiên cứu và thử nghiệm thực tế, Thảo khoe: “Sau khi áp dụng thực tế ở ruộng của gia đình đã giảm thiệt hại từ 10-20% so với trước đó. Sản phẩm này rất thân thiện, chi phí thấp mà lại hiệu quả cao”.

Ông Đào Trọng Ngữ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, cho rằng những sản phẩm đạt giải tại Hội thi Sáng tạo xanh năm nay đã thực sự mang lại hiệu quả khá cao, phản ánh được từ thực tiễn trong học tập và đời sống. Từ những ý tưởng đơn giản, các học sinh, giáo viên đã tận dụng những vật liệu phế thải làm ra những mô hình độc đáo và có tính khả dụng cao.

THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>