Nuôi cá thát lát còm bằng thức ăn chế biến

12/11/2018 | 08:21 GMT+7

Giảm chi phí, nâng cao thu nhập là hiệu quả mà đề tài “Nghiên cứu sử dụng thức ăn chế biến để nuôi thương phẩm cá thát lát còm” do tiến sĩ Lam Mỹ Lan, Trường Đại học Cần Thơ, đã nghiên cứu và được ứng dụng tại Hậu Giang.

Sử dụng thức ăn chế biến sẽ giúp người nuôi cá giảm được một phần chi phí đầu tư.

Cá thát lát hiện nay là món ăn mang thương hiệu nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang nên những năm gần đây, diện tích nuôi cá thát lát còm tăng đáng kể. Từ đó, nguồn cá tạp từ tự nhiên không thể đáp ứng nhu cầu nuôi của người dân. Trên cơ sở đó, đề tài đã tìm ra công thức, giúp người nuôi cá áp dụng và mang lợi nhuận cao nhất.

Qua 16 tháng nghiên cứu, kết thúc đề tài, chủ nhiệm đã tìm ra công thức phù hợp để cho ăn theo từng giai đoạn sinh trưởng. Với công thức 1 đề nghị là 50% cá tạp + 50% thức ăn công nghiệp có 35% protein cho cá ăn trong giai đoạn 2-4 tháng đầu sau khi thả; công thức thứ 2 là 50% cá tạp + 50% thức ăn công nghiệp có 30% protein cho cá ăn từ tháng thứ 3 và thứ 5 trở đi. Với giá cá tạp trung bình là 8.600 đồng/kg và thức ăn công nghiệp là 16.800 đồng/kg, công thức này sẽ giúp người nuôi thay thế, góp phần giảm được chi phí trong tổng nguồn vốn đầu tư. Hai công thức này giúp cho tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về khối lượng và tương đối về chiều dài của cá đạt yêu cầu vì sử dụng tối đa nguồn thức ăn. Nghiên cứu còn cho thấy thức ăn ưa thích của cá thát lát còm là cá tạp. Cá thát lát còm được nuôi bằng thức ăn cá tạp từ cá biển hay cá tạp nước ngọt là lý tưởng nhất.

Theo tiến sĩ Lan, qua một vài nghiên cứu mà bà tìm hiểu được thì khi sử dụng thức ăn chế biến kết hợp thức ăn tự nhiên hiệu quả sẽ tốt hơn là thay thế hoàn toàn bằng thức ăn chế biến. Tuy cá vẫn có khả năng sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi thương phẩm, nhưng chưa thể thay thế hoàn toàn bằng thức ăn cá tạp do tập tính ăn động vật của cá chưa được thuần hóa tốt. Sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá được cải thiện hơn khi kết hợp hai loại thức ăn này. Nguyên liệu để chế biến thức ăn gồm: bột cá, bánh dầu đậu nành, bột mì tinh, dầu cá, dầu đậu nành, vitamin, premix khoáng và gelatin, có bổ sung dịch cá kích thích cá bắt mồi. Tiến sĩ Lan cũng đã đề nghị hộ nuôi cá, trong phần thức ăn nên bổ sung men tiêu hóa cũng như chất dẫn dụ, giúp cá thát lát còm sử dụng tốt thức ăn công nghiệp.

Hiện nay, các trại giống nuôi cá thát lát tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ, thị xã Ngã Bảy. Tình hình chung là đa phần các trại nuôi đều sử dụng thức ăn công nghiệp. Theo nhận định của nhiều hộ nuôi cá, nếu có kết hợp với cá tạp hay thức ăn chế biến có bổ sung hàm lượng protein sẽ làm cho chất lượng thịt cá ngon hơn. Vì vậy, một số trại nuôi đã lựa chọn nuôi cá theo công thức này. Ông Lê Như, chủ trại cá giống ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, có kinh nghiệm nuôi cá thát lát giống gần 10 năm qua. Những năm trước, ông chủ yếu là nuôi bằng cá tạp vì giá thành rẻ. Nhưng những năm gần đây, sản lượng cá tạp ít hẳn và giá thành cao hơn nên ông đã kết hợp nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, ông cũng chỉ cho ăn theo cảm tính, chưa có cơ sở để tính được công thức cụ thể và áp dụng giai đoạn nào là tốt nhất. Vì vậy, khi biết được công thức này qua một buổi tập huấn kỹ thuật tại địa phương, ông cũng về áp dụng thử. Qua đây, ông thấy cũng khá hiệu quả, thức ăn và cá được chế biến với công thức 1:1 phù hợp với từng giai đoạn nuôi. Còn ông Đồng Văn Hội, ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, cũng tình cờ biết được công thức khi được trao đổi với những hộ nuôi cá, cán bộ kỹ thuật. Áp dụng thử, ông thấy khá hiệu quả trong 2 năm qua. Ông Hội cho biết: “Làm theo công thức này tuy tốn công chế biến thức ăn nhưng mặt tích cực là tăng phẩm chất thịt cho cá. Hơn nữa, nếu pha chế công thức như trên giúp tôi giảm được 1/4 giá thành đầu tư ban đầu. Với khoảng 4 tấn cá nuôi, tôi đã tiết giảm được khoảng gần 10 triệu đồng tiền thức ăn/vụ cá”.

Tuy công thức trên chỉ là khuyến cáo nhưng khi ra ứng dụng đã được người dân, nhất là hộ nuôi cá chấp nhận. Vì vậy, đề tài đã khẳng định được một phần hiệu quả, là cơ sở để những nghiên cứu tiếp sau có thể hoàn thiện tốt hơn. Ngoài ra, người nuôi cá thương phẩm có thể quen dần với cách chế biến thức ăn mà không phụ thuộc hoàn toàn vào thức ăn công nghiệp. Công thức trên còn là cơ sở để các nhà nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi thương phẩm cá thát lát còm bằng thức ăn chế biến. Hơn nữa, đây cũng là cơ sở để tỉnh phát triển mô hình nuôi cá thát lát theo hướng bền vững về sau.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>