Phát triển bền vững mô hình tôm – lúa

23/03/2017 | 07:29 GMT+7

Hơn một năm qua, mô hình nuôi tôm luân canh trên đất lúa ở một số địa phương trong tỉnh đã và đang khẳng định hiệu quả kinh tế cao, hứa hẹn nhiều triển vọng phát triển trong tương lai. Trên cơ sở đó, ngành khoa học và nông nghiệp tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, nghiên cứu mới nhằm hỗ trợ người dân xây dựng và phát triển mô hình theo hướng bền vững.

Hiệu quả bước đầu

Trên vùng đất khó, nhiễm phèn, mặn quanh năm như xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, nhiều hộ dân trồng lúa đã nhanh chóng thay đổi cuộc sống nhờ mô hình kết hợp tôm - lúa. Có thể nói, vấn đề xâm nhập mặn trong thời gian qua như đã vô tình tạo cho người dân nơi đây nghĩ ra cách làm mới. Đó là mùa khô thì lấy nước mặn nuôi tôm, mùa mưa thì trữ ngọt trồng lúa. Bằng phương thức sản xuất này, nông dân xã Lương Nghĩa không chỉ linh hoạt ứng phó tốt với hạn, mặn mà còn cải thiện nguồn thu nhập nhanh chóng cho gia đình.

Ông Võ Thái Hùng, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa đang mở rộng thêm diện tích 18 công đất ruộng để nuôi tôm sú.

Qua 2 vụ nuôi tôm sú thành công trên 12 công đất lúa của gia đình, ông Võ Thái Hùng, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, đang tiến hành mở rộng thêm 18 công đất lúa để nuôi tôm trong vụ Hè thu và Thu đông năm nay. Bởi theo ông Hùng, trước đây, nhà ông chỉ canh tác được 2 vụ lúa trong năm nhưng chỉ trúng được vụ Đông xuân, còn lại là phá huề. Sau khi thực hiện mô hình nuôi tôm trên đất lúa, ông đã kiếm lời 35 triệu đồng sau 2 vụ thả nuôi vào năm 2016 vừa qua. Ông Hùng cho biết: “Dự định sắp tới, tôi sẽ tiếp tục thả nuôi 2 vụ tôm và làm 1 vụ lúa để phát triển kinh tế gia đình”.

Còn ông Trần Văn Cậy, ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, thì nuôi tôm càng xanh trên nền đất lúa trong vụ Hè thu và Thu đông năm 2016. Theo ông Cậy, sau 6 tháng nuôi, có thể đạt năng suất từ 800-1.100kg/ha. Qua đó, thu nhập mang về cao gấp đôi so với việc trồng lúa 3 vụ/năm. Tương tự, ông Trần Văn Sửa, ở xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, đã triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh trên nền đất ruộng từ cuối năm 2015 đến nay. Ông Sửa nhìn nhận: “Tôi nuôi 2 vụ tôm rồi, thấy lợi nhuận rất cao nên đã duy trì mô hình này song song với trồng 1 vụ lúa Đông xuân trong nhiều năm qua”.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, sản xuất tôm - lúa là mô hình kinh tế mới nhưng hứa hẹn cho hiệu quả cao. Sau vụ nuôi tôm, nông dân trồng lúa sẽ tận dụng được phân hữu cơ từ phế thải và thức ăn thừa của tôm, hạn chế được một phần phân hóa học, môi trường sinh thái được bảo vệ, góp phần nâng cao chất lượng lúa hàng hóa, giúp nông dân gia tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Hỗ trợ phát triển

Thực hiện theo chủ trương và định hướng của tỉnh, ngành khoa học Hậu Giang đã liên kết với ngành nông nghiệp, các viện, trường thực hiện nhiều đề tài, dự án nghiên cứu về mô hình tôm - lúa. Cụ thể là dự án “Phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh thâm canh trong ao đất và luân canh trong ruộng lúa ở tỉnh Hậu Giang” do PGS.TS Dương Nhật Long, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm, đã đánh dấu sự thành công vượt trội của mô hình kết hợp tôm - lúa so với phương thức độc canh cây lúa mà người dân tại thị xã Long Mỹ và huyện Vị Thủy thực hiện bấy lâu nay.

Chưa kể là mới đây, dự án “Xây dựng và phát triển mô hình tôm - lúa luân canh trên vùng đất nhiễm phèn, mặn ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang” do kỹ sư Nguyễn Hoàng Tâm, Chi cục Thủy sản tỉnh làm chủ nhiệm đã được triển khai thực hiện. Dự án được kỳ vọng là sẽ góp phần giúp cho người dân phát triển mô hình bền vững hơn. Bởi trước mắt, dự án sẽ xây dựng 6 mô hình trình diễn nuôi tôm - lúa luân canh ở xã Lương Nghĩa. Từ đó, rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả và hoàn thiện quy trình sản xuất. Qua đây, giúp người dân có được quy trình nuôi tôm - lúa chuẩn xác, phòng ngừa bệnh trên con tôm để thu về hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, ngành khoa học tỉnh đã đặt hàng với các viện, trường để nghiên cứu cho mô hình lúa - tôm. Trong đó có đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ trong hệ thống luân canh lúa - tôm/cá gắn với tiêu thụ ở tỉnh Hậu Giang” do TS Nguyễn Công Thành, Viện Khoa học Kỹ thuật miền Nam làm chủ nhiệm, vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh xét duyệt để thực hiện trong năm 2017. Mục tiêu của đề tài là nhằm tạo nên bước tiến mới cho mô hình tôm - lúa, giúp người dân không còn lo đầu ra sản phẩm thông qua việc liên kết sản xuất lúa theo hướng an toàn, gắn với tiêu thụ hàng hóa.

Theo đánh giá của các thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh, các đề tài, dự án kể trên đều mang tính khả thi cao, nếu thành công sẽ tích cực hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp tỉnh nhà phát triển. Bởi trên thực tế, các mô hình nuôi tôm luân canh trên đất lúa bước đầu đã khẳng định hiệu quả tích cực. Ngoài ra, các nghiên cứu của đề tài, dự án đó sẽ đem lại quy trình hoàn thiện từ khâu chọn giống, phòng trị bệnh và tiêu thụ. Nhờ đó, người dân có thể áp dụng tốt và mang lại hiệu quả tối ưu cho mô hình canh tác của mình.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>