Phát triển dòng vi sinh vật bản địa có lợi trên đất phèn

11/01/2018 | 08:04 GMT+7

PGS.TS Tất Anh Thư, Trường Đại học Cần Thơ và nhóm nghiên cứu đã đưa một ứng dụng tiến bộ công nghệ sinh học giúp đất phèn thêm màu mỡ. Đó là kết quả của dự án “Phát triển các dòng vi sinh vật bản địa có lợi trong đất cho việc ứng dụng các mô hình luân canh bền vững trên đất phèn tỉnh Hậu Giang” mang lại.

Kỹ sư Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh ứng dụng tại vườn bưởi của HTX Tiến Nông.

Chủ nhiệm dự án Tất Anh Thư cho biết: “Vi sinh vật có lợi sẽ khai thác tiềm năng của đất phèn, giúp đất tơi xốp dễ canh tác hơn nên nông dân có thể canh tác nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế. Đề tài thực hiện nhằm phân lập, tuyển chọn và định danh các dòng vi sinh vật bản địa có ích hiện diện trong đất phèn nhằm giảm lượng phân đạm và lân. Qua đó, xác định các biện pháp canh tác kết hợp sử dụng vi sinh vật đất để nâng cao độ phì nhiêu và phát triển mô hình luân canh lúa - màu trên đất phèn”.

Sau một thời gian kiểm tra theo dõi, nhóm nghiên cứu và PGS.TS Tất Anh Thư đã phân lập được 6 dòng vi khuẩn hoạt động tốt có khả năng cố định đạm, 6 dòng vi khuẩn có khả năng hòa tan lân và nấm vi sinh Trichoderma. Các dòng vi khuẩn và vi nấm này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của cây trên đất phèn. Vì chúng tổng hợp được chất kích thích sinh trưởng thực vật; kích thích phát triển bộ rễ và làm gia tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng; hòa tan lân khó tan trong đất thành dạng dễ tan giúp cây trồng dễ hấp thu hơn. Đồng thời, ổn định phân đạm để cây hấp thu phát triển.

Trong kế hoạch phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho sự phát triển của tỉnh Hậu Giang, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tập trung đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống, tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Theo đó, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh đã ứng dụng kết quả của dự án cho vài mô hình canh tác của nông dân. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh, cho biết: “Sau khi dự án được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang nghiệm thu đạt, trung tâm đã tiếp nhận công nghệ. Qua kết quả, chúng tôi đã chuyển giao, nhân rộng, tổ chức tập huấn, tuyên truyền và hướng dẫn kỹ thuật đến người nông dân. Từ kết quả này, giúp nhiều bà con cải tạo đất hiệu quả, tăng năng suất nông sản”.

Mô hình được thử nghiệm trên diện tích 20ha bưởi da xanh của Hợp tác xã Tiến Nông, ở ấp 2, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ. Đây cũng là một trong những đơn vị trồng cây bằng công nghệ “Phân lập vi sinh vật nội sinh trong rễ” đầu tiên của tỉnh. Các dòng vi khuẩn này được đưa tới tay người dân theo dạng chế phẩm dung dịch lỏng rất dễ sử dụng. Ông Trần Văn Tôn, Giám đốc HTX Tiến Nông, chia sẻ: “Chế phẩm “hòa tan lân, cố định đạm” mà các nhà khoa học đưa cho tôi rất hữu dụng và an toàn. Cách thức sử dụng cũng khá đơn giản, bởi chế phẩm được pha theo công thức 50ml hòa với 10 lít nước. Chỉ cần đào sâu gốc cây trồng khoảng 40cm, sau đó đổ 2 lít chế phẩm đã pha loãng vào là được. Với cây con thì chỉ cần tháo phần bầu ra, nhúng vào dung dịch sẽ kích thích ra rễ và trồng xuống thì mau phát triển hơn. Đến nay, số bưởi thử nghiệm bằng công nghệ phân lập vi sinh trong hợp tác xã đã được trồng hơn 4 tháng và hiện đang phát triển rất tốt nhờ sử dụng chế phẩm này”.

Cũng nhờ chế phẩm này mà ông Tôn mạnh dạn mở rộng thêm quy mô vườn bưởi và nhân rộng cho bà con trong khu vực trồng theo hơn 1ha. Bởi theo ông Tôn, vùng đất này bị phèn nên khả năng canh tác những loại cây có giá trị như bưởi, cam cho năng suất không cao bằng khóm, mía. Tuy vậy, chế phẩm này đã góp phần làm tăng khả năng cố định đạm, lân cho đất. Chế phẩm sẽ hạn chế được tiêu cực của đất phèn như sản sinh độc chất, ức chế các hoạt động sống trong đất, nhờ đó giúp đất được tăng độ phì nhiêu, cây sinh trưởng tốt. Vì vậy, người dân có thể canh tác tốt tất cả các loại cây trồng mà mình mong muốn.

Nhờ kết quả của nhóm nghiên cứu đã đưa thêm một tiến bộ khoa học mới ứng dụng mà giờ đây vùng đất phèn của huyện Long Mỹ ngày càng phát triển, mở rộng diện tích vườn cây ăn trái. Một phần cũng nhờ hiệu quả mà mô hình trồng cây “Phát triển các dòng vi sinh vật trên đất phèn” đang mang lại. Đây sẽ là hướng đi mới, mở ra cho bà con nơi đây thêm lựa chọn khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong thời gian tới.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>