Quan tâm bảo hộ độc quyền sản phẩm

24/04/2017 | 08:35 GMT+7

Thời gian qua, không chỉ có doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm hơn việc đăng ký bảo hộ độc quyền cho nhãn hiệu sản phẩm, góp phần phát triển thương hiệu hàng hóa của riêng mình.

Công nhân cơ sở Kỳ Như đang lấy thịt cá thát lát để chế biến chả.

Còn nhớ cách đây 3 năm, nhãn hiệu độc quyền cá thát lát tẩm gia vị của nhà hàng Tân Hậu Giang đã có bước khởi đầu tốt để tạo nên thương hiệu sản phẩm cho đơn vị hôm nay. Đó là nhờ bà Nguyễn Thị Hà, chủ cơ sở chế biến cá thát lát tẩm gia vị nhà hàng Tân Hậu Giang mạnh dạn đăng ký bảo hộ độc quyền cho nhãn hiệu sản phẩm nổi tiếng của tỉnh mà bà đã từng ấp ủ hơn 20 năm qua. Để rồi nhãn hiệu cá thát lát Hậu Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ độc quyền vào năm 2014. Qua đó tạo tiền đề cần thiết để thương hiệu cá thát lát Hậu Giang ngày càng vươn xa.

Hiện nhãn hiệu cá thát lát Hậu Giang được dùng cho tất cả sản phẩm cá thát lát chế biến tại Hậu Giang, đồng thời hội đủ các tiêu chí gồm thớ thịt có màu trắng trong tự nhiên, thịt dai, cơ thịt mịn, săn chắc. Thông qua các tiêu chí đó, cơ sở Kỳ Như, ở ấp Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, đã sử dụng nhãn hiệu để kinh doanh sản phẩm cá thát lát hơn 3 năm qua. Nhất là sản phẩm của cơ sở làm ra hoàn toàn tự nhiên, bởi được chế biến từ nguồn cá nguyên liệu đã nuôi và lựa chọn kỹ theo chuỗi quy trình khép kín.

Chị Nguyễn Kim Thùy, chủ cơ sở Kỳ Như, cho biết: “Cơ sở có ương con giống, cá bột và nuôi cá thành phẩm theo quy trình an toàn. Ngoài thức ăn công nghiệp bổ sung, cơ sở chủ yếu nuôi cá bằng phần lớn thức ăn tự nhiên như cá tạp, ốc. Trong phòng trị bệnh thì sử dụng những loại thuốc trong danh mục cho phép và có cách ly thức ăn, thuốc một thời gian trước khi bắt để chế biến các món ăn. Vì vậy, sản phẩm làm ra từ cá đều tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu được trữ ở độ lạnh cần thiết thì các sản phẩm cá của Kỳ Như sẽ bảo quản được đến 6 tháng”.

Hơn 3 năm qua, nhờ đặt cái tâm vào sản xuất, chế biến cá, cùng với sử dụng nhãn hiệu cá thát lát Hậu Giang mà sản phẩm của cơ sở Kỳ Như đang được nhiều thực khách ở các địa phương khác biết đến, khi mỗi tháng cơ sở cung ứng hàng tấn cá đã chế biến cho thị trường Hà Nội. Để tiếp tục tạo dựng thương hiệu riêng cho cơ sở, chị Thùy đã chủ động liên hệ với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh để được tư vấn, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm cá thát lát Kỳ Như.

Trên thực tế, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng vậy, việc được đứng tên chính chủ đối với sản phẩm do ý tưởng của mình làm ra cũng giúp cho người sở hữu an tâm hơn. Bởi sản phẩm làm ra dễ bị đánh cắp, gây thiệt hại cho nhiều người. Thậm chí người bắt chước có thể đăng ký độc quyền trước, lúc này người làm ra sản phẩm sẽ trở thành kẻ ăn cắp. Thầy Lê Thanh Liêm, giáo viên Trường THPT Dân tộc Nội trú Him Lam, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, lo lắng: “Ở trường, mọi năm đều có rất nhiều ý tưởng và sản phẩm sáng chế của học sinh, giáo viên. Các sản phẩm này được mang đi dự thi và giới thiệu khắp nơi nên rất dễ bị đánh cắp ý tưởng”.

Cũng theo thầy Liêm, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền là rất cần thiết. Bởi trước đây, có một số sản phẩm của nhà trường đã bị nhái theo mà không hỏi ý kiến của tác giả. Từ đó, các chủ nhân của sản phẩm đoạt giải rất muốn được bảo vệ tài sản trí tuệ mà mình đã nhọc công làm ra. Cho nên, đối với sản phẩm “Đập ngăn mặn thông minh” của 2 em học sinh nhà trường làm ra và đã đoạt giải trong các cuộc thi cấp quốc gia, nhà trường đã chủ động liên hệ với ngành khoa học để đăng ký độc quyền cho sản phẩm này.

Ông Nguyễn Thái Hòa, phụ trách chuyên ngành về Sở hữu trí tuệ - An toàn bức xạ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thông tin: Thủ tục đăng ký nhãn hiệu hiện nay khá đơn giản và lệ phí cũng không quá cao. Trước đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã thực hiện 1 dự án tuyên truyền về sở hữu trí tuệ, trong đó có hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp khi đăng ký nhãn hiệu. Đặc biệt, tỉnh còn có các chính sách tuyên truyền, tập huấn hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp, cá nhân đăng ký nhãn hiệu.

Chưa kể là Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho doanh nghiệp và đang chờ UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện trong năm nay. Kế hoạch này cũng với mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sở hữu trí tuệ. Mặt khác, tăng cường sức cạnh tranh cho tài sản trí tuệ thông qua bảo hộ độc quyền.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>