Sáng kiến xua đuổi mối mọt từ vật liệu dễ tìm

12/03/2020 | 08:20 GMT+7

Với những lá bạch đàn dễ tìm thấy, em Nguyễn Hữu Kiệt, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Châu Thành A, huyện Châu Thành A, đã làm nên loại sáp có tác dụng hạn chế sự tấn công của mối mọt.

Nguyễn Hữu Kiệt (thứ hai từ phải sang), nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc thi.

Tình cờ đến nhà nội chơi dịp nghỉ hè, nhìn có nhiều mối mọt đang sống trong những bao lúa mà Hữu Kiệt… tiếc đứt ruột. Nhưng nhìn kỹ, Kiệt phát hiện những bao lúa càng để gần cây bạch đàn, có lá rơi xuống thì số lượng mối mọt ít, thậm chí là không có. Lúc đó, trong đầu cậu học trò với dáng người nhỏ nhắn này đã đặt ra câu hỏi liệu có phải chính mùi hương của bạch đàn giúp xua đuổi mối mọt. Với bản tính ham học hỏi, tìm tòi, cùng sự hỗ trợ của cô giáo môn sinh học, Hữu Kiệt đã miệt mài nghiên cứu quy trình điều chế tinh dầu, sáp bạch đàn dùng diệt mối mọt.

Theo Hữu Kiệt, hiện nay trên thị trường mặc dù có nhiều sản phẩm xua đuổi mối mọt nhưng có thể chưa đảm bảo về độ an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Hữu Kiệt bộc bạch: “Em đam mê nghiên cứu nhưng để hoàn thành sản phẩm đòi hỏi cả một quá trình, may mắn luôn có thầy cô, bạn bè và gia đình ủng hộ. Nhiều lần thử nghiệm và xây dựng quy trình thất bại, em cũng nản nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng, mong muốn làm nên điều giúp ích cho xã hội”. Qua gần 2 tháng miệt mài, nỗ lực của hai cô trò đã được đền đáp xứng đáng bằng “quả ngọt”, là giải nhất tại Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2019.

Nguyên liệu chính để thực hiện quy trình điều chế là lá bạch đàn. Bởi phần lớn, mục đích chính khi trồng bạch đàn, nhiều người chỉ lấy gỗ còn phần lá bỏ đi và cũng ít ai biết đến những công dụng cần thiết. Hữu Kiệt dùng 1,5kg lá bạch đàn tươi, đem về rửa sạch, thái nhỏ. Tỷ lệ lá bạch đàn và nước là 5:1. Hỗn hợp này sẽ đun trong 3 giờ với nhiệt độ không quá 1000C, thu được dung dịch chứa tinh dầu và nước. Dung dịch được cho vào phễu chiết loại bỏ nước. Lượng nước dư còn lại dùng để sát khuẩn nhà vệ sinh hoặc bồn rửa tay hiệu quả.

Tiếp đó là phần điều chế sáp thơm, Hữu Kiệt đun sôi nước lạnh rồi rắc Gelatin vào nước đang sôi với tỷ lệ 200ml nước - 10 gram Gelatin, khuấy đều cho đến khi tất cả tan hoàn toàn, thêm muối vào và khuấy đều. Để hỗn hợp hơi ấm, cho sẵn 1,5ml tinh dầu bạch đàn (từ 1,5kg lá tươi) vào lọ thủy tinh, rồi đổ Gelatin lỏng vào và khuấy đều. Hữu Kiệt cho một lớp mỏng bột soda lên phần mặt trên của lọ sáp, tiến hành bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và sử dụng. Để thu được 7 lọ sáp, Hữu Kiệt tiêu tốn thời gian khoảng 5 giờ đồng hồ.

Em còn tiến hành thực nghiệm sử dụng cho đậu có mối mọt vào chậu giấy sau đó đặt sáp tinh dầu bạch đàn. Kết quả, sau 5-7 ngày, số lượng mối mọt giảm đáng kể. Còn đối với đậu không bị mọt, khi được đặt sáp, sau một thời gian, sản phẩm không bị mối mọt tấn công. Kết quả trên cho thấy, sáp bạch đàn rất có hiệu quả trong việc phòng trừ mối mọt. “Mọi người có thể đặt sáp ở phòng ngủ, phòng khách hay nơi làm việc, xung quanh khu vực dự trữ, nơi có nội thất bằng gỗ để phòng trừ mối mọt tấn công. Sáp được làm hoàn toàn từ thiên nhiên nên an toàn cho sức khỏe người sử dụng, nguyên liệu dễ tìm, rẻ tiền, cách điều chế đơn giản, chậm bay hơi…”, Hữu Kiệt thông tin thêm.

Hữu Kiệt cho biết tinh dầu bạch đàn mang tính sát trùng và kháng khuẩn cao nên có thể nghiên cứu phát triển thành các sản phẩm như sáp thơm khử mùi trong phòng, xà phòng thiên nhiên…

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>